USMCA có thể gây ra nhiều rào cản thương mại mới. Hiệp định này sẽ tác động đến nền kinh tế cũng như an ninh toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Sau hơn 14 tháng đàm phán, cuối cùng Mỹ cũng đã đạt được một thỏa thuận thương mại với Canada và Mexico (USMCA). Theo các chuyên gia, sự ra đời của USMCA sẽ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Bắc Mỹ, nhưng vẫn có thể gây ra nhiều rào cản thương mại mới. Hiệp định này sẽ tác động đến nền kinh tế cũng như an ninh toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
USMCA gia tăng mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh
Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được Mỹ, Canada và Mexico ký kết ngày 12/8/1993, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Hiệp định này giúp 3 nước chuyển giao công nghệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; mở cửa thị trường và phá bỏ các rào cản thương mại giữa các quốc gia thành viên; nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, sau 25 năm tồn tại, NAFTA đang lộ những vết rạn nứt nghiêm trọng do những bất cập và lỗi thời.
Tái đàm phán NAFTA diễn ra tới gần chục vòng, kể từ vòng đầu tiên tháng 8/2017. Ngày 27/8/2018, Mỹ và Mexico đã đạt được một hiệp định thương mại sơ bộ. Thỏa thuận song phương này được cho là sẽ thay thế cho NAFTA, nếu Canada không cùng tham gia.
Tiếp đó, ngày 29/8, Canada và Mỹ đã chính thức nối lại vòng đàm phán lại NAFTA, sau khi Mỹ và Mexico đã thành công trong việc đạt được một thỏa thuận sơ bộ. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Ottawa và Washington kết thúc ngày 31/8 mà không đạt được thỏa thuận nào.
Cuối cùng, ngày 1/10/2018, sau hai ngày đàm phán “nước rút”, Mỹ và Canada đã đạt được thỏa thuận giúp NAFTA vẫn là một thỏa thuận 3 bên, thay vì bị chia lẻ thành những thỏa thuận song phương như lo ngại. Thỏa thuận đạt được ngay trước thời hạn chót, giúp NAFTA hồi sinh với tên gọi mới – Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).
Những nội dung mới và quan trọng nhất của USMCA so với NAFTA bao gồm: Vấn đề mở cửa thị trường bơ sữa; sản xuất và nhập khẩu ôtô; kìm hãm tỷ giá hối đoái; giải quyết các tranh chấp; bổ sung vấn đề thương mại kỹ thuật số; quyền lợi của người lao động; ký kết thỏa thuận thương mại tự do với “nền kinh tế phi thị trường” và hiệu lực thi hành của thỏa thuận.
Theo giới chuyên gia, sự ra đời của USMCA là một thành công lớn của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Thỏa thuận này có lợi hơn cho Mỹ so với NAFTA, giảm thâm hụt thương mại hằng năm với Mexico (khoảng 60 tỷ USD) và với Canada (khoảng 10 tỷ USD), tạo nhiều việc làm cho người dân. Đồng thời, có thể chặn “sân sau” của các sản phẩm từ Trung Quốc muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ thông qua các nước láng giềng.
Một là, tìm sự “công bằng” thông qua gây sức ép và bất bình đẳng. Quá trình đàm phán lại NAFTA thể hiện chính sách thương mại cứng rắn của Washington, bằng cách đưa ra các biện pháp thuế quan đối với các sản phẩm hàng hóa của Mexico và Canada; dùng chiến thuật đàm phán song phương với Mexico và đẩy Canada vào thế bí. Mỹ muốn có một hiệp định “công bằng” nhưng với biện pháp thiên về gây sức ép, thiếu “bình đẳng”.
Hai là, gia tăng mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh. Nhìn vào các điều khoản trong USMCA, có thể thấy Mỹ vẫn dùng chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc và tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài với Bắc Kinh, đồng thời lôi kéo cả Canada và Mexico vào cuộc chiến này. Một điều khoản đặc biệt trong USMCA giúp Washington có thể chặn “sân sau” của các sản phẩm từ Trung Quốc muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ thông qua các nước láng giềng.
Ba là, tạo tiền lệ và áp lực với các đối tác. Nếu Mỹ đưa điều khoản tương tự vào các FTA đang đàm phán với EU và Nhật Bản, thì Trung Quốc gần như sẽ rơi vào trạng thái bị cô lập về kinh tế, bởi đây là những đối tác thương mại lớn của Bắc Kinh, có thể bù đắp những tổn thất khi đối đầu với Mỹ. Và mô hình đàm phán cứng rắn sẽ được áp dụng đối với cả đồng minh như: EU, Nhật Bản và có thể với cả Brazil và Ấn Độ.
USMCA và 6 tác động tới Việt Nam
Đối với Việt Nam, USMCA cũng sẽ tác động trên mọi bình diện của vấn đề an ninh quốc gia, bao gồm cả an ninh chính trị, an ninh quân sự, an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, môi trường… nhất là an ninh kinh tế và an ninh môi trường.
Thứ nhất, ở cấp độ vĩ mô, USMCA có thể tác động đến tổng thể nền kinh tế thông qua hoạt động thương mại, đầu tư, chẳng hạn như nhập siêu, nợ nước ngoài… Ở cấp độ vi mô là tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một ngành nghề, một đơn vị, một doanh nghiệp.
Khi tiến hành hoạt động thương mại, đầu tư từ USMCA, đồng nghĩa với việc chấp nhận sự cạnh tranh bình đẳng giữa kinh tế nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế của khối này. Với tiềm lực mạnh, các tập đoàn kinh tế có thể thao túng, chi phối một phần của nền kinh tế.
Thứ hai, USMCA có điều khoản quy định, nếu một trong những đối tác trong hiệp định tham gia một thỏa thuận thương mại tự do với một nền kinh tế “phi thị trường” nhằm cô lập và ngăn chặn Trung Quốc sử dụng Canada, Mexico làm nơi trung chuyển để xuất khẩu vào Mỹ. Theo đó, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp.
Thứ ba, theo điều khoản của USMCA, chuỗi cung ứng sản phẩm sẽ được chuyển về Bắc Mỹ, điều này cũng gây nên khó khăn cho Việt Nam, chẳng hạn, USMCA yêu cầu, 40-45% các bộ phận xe hơi được mua bởi các quốc gia ký kết phải được sản xuất bởi các công ty mà người lao động được trả ít nhất 16 USD/giờ, hoặc hàng dệt may, việc sử dụng chỉ khâu… cũng phải có nguồn gốc từ một trong 3 quốc gia ký kết.
Thứ tư, theo điều khoản “không phá giá đồng nội tệ” của USMCA, không nhằm vào nội bộ mà nhằm vào những quốc gia bên ngoài, tạo lợi thế cho Mỹ trong đàm phán thương mại với các đối tác khác, trong đó Việt Nam cũng chịu tác động. Trong bối cảnh vị thế quốc tế của đồng USD có xu thế tăng, khiến cho vấn đề an ninh tài chính, tiền tệ của Việt Nam cũng cần phải quan tâm.
Thứ năm, USMCA có điều khoản quy định bổ sung thương mại kỹ thuật số, cấm đánh thuế hải quan đối với hàng hóa được phân bổ thuộc dạng số hóa như phần mềm, trò chơi điện tử, sách điện tử, âm nhạc và phim ảnh. Điều này có thể có tác động đến an ninh mạng của Việt Nam. Nên Việt Nam cần chủ động khai thác mặt tích cực của thương mại điện tử, nhưng cũng cần quan tâm đến bảo đảm an ninh mạng theo Luật an ninh mạng mới được ban hành năm 2018.
Để khai thác có hiệu quả quan hệ kinh tế, thương mại với các thành viên Hiệp định USMCA và hạn chế những tiêu cực có thể ảnh hưởng đến an ninh kinh tế Việt Nam, chúng ta cần thực hiện tốt Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 5/1/2017 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế”.
Theo đó, cần chủ động tìm hiểu và tăng cường các hoạt động tuyên truyền, làm rõ những nội dung liên quan đến những vấn đề mới có tác động đến Việt Nam cả mặt tích cực và tiêu cực, nhất là việc thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực… nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế và đảm bảo an ninh quốc gia.