TP Đà Nẵng đã xây dựng một kế hoạch chi tiết để thực Thoả thuận Paris theo Quyết định số 2053-QĐ/TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 28/10/2016.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng, kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của thành phố được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 kéo dài từ 2016 – 2020, Đà Nẵng tiếp tục thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã phê duyệt, chuẩn bị về thể chế, chính sách và nguồn lực để sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ do Thỏa thuận Paris quy định vào năm 2020.
Từ năm 2021 – 2030, thành phố sẽ tập trung vào các nội dung trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và các nhiệm vụ mới theo quy định của Thỏa thuận Paris.
Kế hoạch của TP Đà Năng có 5 nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, chuẩn bị nguồn lực, thiết lập hệ thống công khai, minh bạch (MRV) và xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách.
Để thực hiện 5 nhiệm vụ trên, Đà Nẵng sẽ triển khai tổng cộng 68 dự án với 3 mức độ ưu tiên thực hiện. Với các nhiệm vụ đã nêu, mục tiêu tổng quát của thành phố trong giai đoạn đến năm 2020 sẽ là thực hiện có hiệu quả công tác ứng phó với BĐKH, góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chủ động ứng phó với thiên tai, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế – xã hội và an toàn của người dân thành phố.
Trước khi bước sang giai đoạn 2 của Kế hoạch vào năm 2021, Đà Nẵng cần hoàn thành 5 mục tiêu cụ thể, bao gồm: Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về BĐKH và tăng trưởng xanh (TTX); Cập nhật, thiết lập mới các kế hoạch về thích ứng, giảm nhẹ, TTX; Tăng cường năng lực về thích ứng, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ BĐKH, TTX; Xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi trong sử dụng, phát triển theo hướng TTX, giảm nhẹ BĐKH; Xác định được các nguồn lực tài chính và thiết lập được hệ thống giám sát.
Đối với hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK), Đà Nẵng đã đề ra nhiệm vụ bắt buộc là thực hiện kiểm kê KNK định kỳ cho các năm cơ sở 2014, 2016 và 2018.
Ngoài ra, thành phố sẽ ưu tiên thực hiện các đề xuất giảm nhẹ phát thải KNK và tăng trưởng xanh, phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) đối với các lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tuy nhiên, kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris của TP Đà Nẵng cũng được dự báo sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Trước hết, thành phố cần nhận được hướng dẫn từ Trung ương đối với việc tổ chức triển khai kế hoạch ở địa phương trong một số vấn đề như công cụ kiểm kê KNK, phạm vi kiểm kê KNK hay định hướng lập kế hoạch TTX cấp địa phương.
Sự liên kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các Sở, ban, ngành cấp thành phố trong công tác ứng phó với BĐKH tại Đà Nẵng cũng vẫn còn hạn chế khi các cơ quan chỉ tập trung thực hiện các nhiệm vụ của ngành phụ trách.
Thời gian thực thi, triển khai kế hoạch ở cấp địa phương cũng được nhận định là ngắn, khó khăn trong việc chuẩn bị cả về nhận thức lẫn nguồn lực (nhân lực và tài chính) để hoàn thành mục tiêu đã đề ra đạt được mục tiêu đề ra.
Để có thể thực hiện thành công Thỏa thuận Paris tại địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng có đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ như chuẩn hóa Hệ thống dữ liệu kiểm kê KNK và xây dựng Kế hoạch TTX cấp Trung ương, địa phương; Kết nối các tổ chức, đối tác hỗ trợ, tài trợ về công nghệ, giải pháp ít phát thải KNK trong các lĩnh vực xây dựng, năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp; Tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo chuyên sâu về ứng phó với BĐKH theo mỗi ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cũng mong muốn Chính phủ cụ thể hóa các các chính sách thúc đẩy, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc ứng dụng các giải pháp, công nghệ mới, ít phát thải khí nhà kính, thân thiện môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, năng lượng, giao thông vận tải…