Dù không căng thẳng như tranh chấp tại Biển Đông, nhưng sông Mê Kông có tầm quan trọng lớn hơn.
Làm khác Trung Quốc
Theo Nikkei Asian Review, ngày 9/10/2018, trong cuộc họp thượng đỉnh tại Tokyo, lãnh đạo của Nhật Bản và 5 nước vùng sông Mê Kông (Campuchia, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Myanmar và Việt Nam) đã thông qua một chính sách mới thúc đẩy việc thực hiện trên 150 dự án sử dụng viện trợ phát triển chính thức của Nhật.
Các dự án nằm trong khuôn khổ “Tokyo Strategy 2018” sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính : kết nối khu vực, xây dựng các xã hội đặt trọng tâm vào người dân, và bảo vệ môi trường, xử lý thiên tai.
Các khu vực ưu tiên, được Nhật Bản và các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mê Kông gồm Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar nhất trí, bao gồm từ việc xây dựng cảng biển nước sâu, đường sắt và đường bộ đến phát triển lưới điện liên kết tất cả năm nước trong khu vực và xuất khẩu các công nghệ năng lượng sạch của Nhật Bản đến khu vực, bao gồm cả điện hạt nhân.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mê Kông – Nhật Bản, các lãnh đạo của 5 nước vùng sông Mê Kông cũng bày tỏ sự ủng hộ mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, do Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khởi xướng.
Các nước Đông Nam Á hiện đang nhận rất nhiều đầu tư của Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Nhật Bản cố gắng làm khác Trung Quốc bằng cách tập trung viện trợ vào việc hỗ trợ bảo vệ môi trường và phát triển nguồn nhân lực, cũng như trợ giúp tài chính.
Theo Nikkei Asian Review, tại cuộc họp thượng đỉnh Tokyo, các lãnh đạo của Nhật Bản và 5 nước vùng Mê Kông cũng đã thảo luận các vấn đền liên quan đến Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện quân sự để áp đặt chủ quyền lên vùng biển này.
Tuy không nêu tên Trung Quốc, tuyên bố chung của thượng đỉnh “ghi nhận” một số quan ngại về các dự án bồi đắp đảo và các hoạt động ở Biển Đông gây căng thẳng và có thể gây tổn hại cho hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Nửa lát cắt salami
Tiểu vùng Mê Kông có vị thế chiến lược đối với an ninh, hợp tác phát triển của các quốc gia trong khu vực; giữ vị trí quan trọng trong chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương” của Mỹ. Do vậy, các nước lớn đang không ngừng điều chỉnh chính sách để gia tăng ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của mình ở Tiểu vùng.
Sự can dự của Nhật Bản vào việc phát triển khu vực Mê Kông cần được hiểu từ hai khía cạnh khác nhau. Thứ nhất, nó thể hiện một yếu tố của sự hợp tác kinh tế của Nhật Bản với các nước đang phát triển. Khía cạnh thứ hai liên quan đến chiến lược ngoại giao của Nhật Bản nhằm đóng góp chung vào hòa bình, ổn định và sự phát triển trong khu vực chứ không phải nhắm tới vai trò của Trung Quốc.
Những nỗ lực của Nhật Bản đi ngược lại ý định của Trung Quốc khi nước này khăng khăng rằng ASEAN+3 cần phải là nền tảng cho một trật tự khu vực ở Đông Á. Trung Quốc cũng đã dần giành được nhiều ảnh hưởng hơn đối với các quốc gia ASEAN sau sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nước này. Đáng chú ý là ASEAN và Trung Quốc đã ký hiệp định khung về việc thành lập Khu thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA).
Dù không căng thẳng như tranh chấp tại Biển Đông, nhưng sông Mê Kông có tầm quan trọng lớn hơn. Bởi vì, dòng sông này như một tuyến hàng hải chính ra biển, tưới tiêu cho các vựa lúa Đông Nam Á, tạo ra một hệ sinh thái khổng lồ với tài nguyên cá phong phú, và cũng là một điểm đến du lịch.
Trung Quốc, hiện là cường quốc lớn nhất trong khu vực, cũng là nơi dòng Mê Kông khởi thủy, đang sử dụng ưu thế kinh tế để gây ảnh hưởng nhiều hơn. Trung Quốc cam kết dành các khoản vay lên tới 12 tỷ USD cho các đối tác tại hạ nguồn sông Mê Kông, gồm Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam.
Tăng cường kiểm soát dòng Mê Kông, hay còn được gọi là Lan Thương ở Trung Quốc cho phép Bắc Kinh có tiếng nói lớn hơn về việc sử dụng các nguồn lực quan trọng của con sông, và lôi kéo các nước về phía mình.
Chuyên gia Thitinan Pongsudhirak thuộc Đại Học Chulalongkorn của Thái Lan so sánh như sau: “Không giống như trường hợp Biển Đông, vùng sông Mê Kông không có các cường quốc khu vực quan trọng khác… Vì vậy, Trung Quốc không phải tranh đấu với Hoa Kỳ hay Úc hoặc Ấn Độ và tất cả các quốc gia khác, như là ở Biển Đông”. Bắc Kinh còn có kế hoạch mở rộng và đào sâu một số khúc sông để cho tàu bè lớn hơn cho thể di chuyển được, từ Vân Nam xuống đến tận Luang Prabang ở Lào, phục vụ cho lợi ích thương mại của Trung Quốc.
Elliot Brennan, một nghiên cứu viên tại Viện An ninh & Bảo tồn tại Bangkok, nhấn mạnh tới chiến lược “lát cắt salami” gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hệ thống sông, thông qua các đập thượng lưu và các đập liên doanh trên sông Mê Kông. Nửa còn lại là gia tăng xây dựng trái phép một chuỗi đảo nhân tạo, cơ sở hạ tầng và khả năng quân sự.
Matt Busch, một nhà nghiên cứu tại chương trình Đông Á của Viện Lowy cho rằng: “Với các cấu trúc quản trị hiện tại cho sông Mê Kông, chúng ta có thể sẽ chứng kiến nhiều nước hành động một mình để đảm bảo những gì họ nhận thức được vì lợi ích ngắn hạn của họ”.