Các nhà đầu tư nội như Kosy, TTC đã, đang và sẽ đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng mới. Song cuộc chơi tốn kém này cần có sự đồng hành của các “trợ thủ” đắc lực.
Kế hoạch tỷ USD
Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Tập đoàn Kosy vừa kết thúc chuyến đi 5 ngày khảo sát và đánh giá công nghệ điện mặt trời và điện gió tại Hàn Quốc. Chuyến đi giúp ông có sự so sánh để đưa ra những quyết định lựa chọn công nghệ phù hợp với các dự án điện mặt trời và điện gió của Tập đoàn sẽ khởi công trong thời gian tới tại tỉnh Bình Thuận và một số tỉnh phía Nam.
Theo đó, Tập đoàn Kosy sẽ khởi công một số dự án thủy điện, điện mặt trời và điện gió trong thời gian tới. Trong tháng này, Tập đoàn Kosy sẽ khởi công Nhà máy Thủy điện Nậm Pạc (Lai Châu). Với tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng, Dự án có công suất 34 MW, mục tiêu sau 2,5 năm sẽ phát điện, hòa vào mạng lưới điện quốc gia.
Trong khi đó, Tập đoàn TTC và Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC) vừa đưa Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền (Huế) vào hoạt động. Với công suất 35 MW, đây là nhà máy điện mặt trời đầu tiên được khánh thành tại Việt Nam.
Với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dự án này có 145.560 tấm pin năng lượng mặt trời đã được lắp đặt với công nghệ và thiết bị hiện đại, sản lượng khoảng 60 triệu kWh/năm.
Dự kiến đến năm 2019, nhà máy này sẽ mở rộng công suất thêm 29,5 MW, với diện tích 38,5 ha, đáp ứng được một phần nhu cầu tiêu thụ điện năng trong tương lai.
Ngoài việc khánh thành Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền, dự kiến quý IV/2018, Công ty cổ phần Điện Gia Lai sẽ chính thức đưa vào hoạt động Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa (Gia Lai). Dự án có công suất 49 MW, tổng vốn đầu tư trên 1.406 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng trong mảng năng lượng mặt trời này, TTC đang triển khai 6 nhà máy được bổ sung quy hoạch, vận hành trước tháng 6/2019. Kế hoạch chiến lược đến năm 2020, TTC sẽ nâng tổng công suất lên khoảng 1.000 MW tại các tỉnh, thành phố có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời…
Theo kế hoạch, TTC sẽ đầu tư 22.000 tỷ đồng để xây dựng và vận hành 20 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam. Đến năm 2020, Tập đoàn TTC sẽ trở thành tổ chức tư nhân đầu tư hàng đầu về năng lượng sạch ở Việt Nam.
Để đạt mục tiêu đó, TTC sẽ đầu tư mạnh vào điện năng lượng mặt trời và điện gió. Theo kế hoạch đến năm 2020, tổng công suất 4 lĩnh vực trong ngành năng lượng của TTC sẽ đạt 1.422 MW, tăng gần 5 lần so với mức 289 MW năm 2017. Trong đó, điện mặt trời dự kiến đạt 1.000 MW (chiếm 70%), thủy điện 230 MW (chiếm 16%), nhiệt điện 152,1MW (chiếm 11% ) và điện gió 40 MW (chiếm 3%).
Cuộc chơi đắt đỏ cần có các “trợ thủ”
Mục tiêu của TTC là rất lớn, nhưng vốn tự có của doanh nghiệp này tại các dự án chỉ chiếm khoảng 30%, nên phần còn lại sẽ được Tập đoàn đàm phán với các ngân hàng, tổ chức tài chính… Trong đó, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) sẵn sàng cung cấp nguồn tài chính và các hỗ trợ khác về kỹ thuật, đồng thời kêu gọi các đối tác cùng đầu tư vào ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch tại Việt Nam.
Trong khi đó, đối với “tân binh” như Kosy, để theo đuổi cuộc chơi tốn kém này, ông Cường lên kế hoạch vay vốn và bắt tay với đối tác nước ngoài. Cụ thể, đối với mảng dự án thủy điện, ông vay vốn ngân hàng trong nước và tự phát triển; với năng lượng mặt trời, ông chọn hướng bắt tay với đối tác Trung Quốc; với điện gió, ông thiên về hợp tác với đối tác Đức.
Dự báo, đến năm 2030, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam là 506 tỷ kWh, cao gấp khoảng 3 lần hiện nay (170 tỷ kWh).
Mặc dù lĩnh vực này còn khá mới mẻ, nhưng với chính sách tích cực của Chính phủ và những nỗ lực của doanh nghiệp, Việt Nam có đủ tự tin khi phát triển các nguồn năng lượng sạch.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo đó, đối với các dự án điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh (tương đương 8,5 UScents/kWh); với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (tương đương 9,8 UScents/kWh). Ngoài ra, dự án điện mặt trời còn được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… theo quy định hiện hành.
Động thái này càng khiến các nhà đầu tư đến từ Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức muốn đặt cược vận mệnh vào dự án trong lĩnh vực này.
Theo ông Steve Sawyer, Tổng thư ký Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC), dù Việt Nam đã có khung chính sách năng lượng quốc gia và các mục tiêu rất thực tế, song cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm, quy trình phê duyệt dự án đơn giản, rõ ràng.
Trong khi đó, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia của IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào cho rằng, việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là gió và điện mặt trời, vẫn được xem là đắt đỏ khi so sánh với năng lượng hóa thạch. Các tổ chức cho vay địa phương không biết hoặc chưa biết làm thế nào để thẩm định năng lượng tái tạo, dẫn đến định giá sai lệch các rủi ro. Để giảm chi phí, Việt Nam cần khuyến khích các nhà phát triển có kinh nghiệm và nguồn lực. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đấu thầu cạnh tranh năng lượng tái tạo, cung cấp khuôn khổ hợp đồng đầy đủ để thu hút nhà đầu tư có năng lực chuyên môn và vốn.