Các công ty bảo hiểm dẫn đầu việc bán tháo các cổ phiếu than, dầu và khí đốt do lo ngại về biến đổi khí hậu và vấn đề tài chính, tuy nhiên, xu hướng này đang lan rộng ở nhiều quốc gia và nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính lớn.
Theo một báo cáo mới, hiện có hơn 6 tỷ USD được các quỹ cam kết thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch với gần 1.000 nhà đầu tư đã thực hiện cam kết.
Việc bán tháo các khoản đầu tư vào than, dầu và khí đốt được dẫn dắt bởi ngành bảo hiểm với tổng trị giá 3 nghìn tỷ USD nhưng nó cũng bao gồm quốc gia đầu tiên thoái vốn là Ireland, các thành phố lớn bao gồm cả New York và các tổ chức y tế chủ chốt. Các công ty dầu mỏ lớn như Shell trong năm nay đã thừa nhận việc thoái vốn là một rủi ro thực tế đối với hoạt động kinh doanh của mình.
Việc thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch bắt đầu tại các trường đại học ở Mỹ vào năm 2011 nhưng hiện giờ thì đã vươn ra 37 quốc gia trên thế giới. Những người ủng hộ thoái vốn nói rằng các nguồn nhiên liệu hóa thạch hiện tại đã vượt xa mức có thể sử dụng mà không gây ra biến đổi khí hậu thảm khốc và việc tiếp tục thăm dò, sản xuất nhiên liệu hóa thạch là sai trái về mặt đạo đức. Họ cũng nói rằng các công ty nhiên liệu hóa thạch là những khoản đầu tư mạo hiểm khi hành động toàn cầu về phát thải ngày càng mạnh mẽ hơn.
Một số nhà đầu tư cho rằng quyết định đầu tư là do cổ đông và thuyết phục các công ty nhiên liệu hóa thạch thay đổi có thể có hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, một báo cáo mới khác cho thấy cách tiếp cận này đã không mang lại bất kỳ thay đổi đáng kể nào cho đến nay.
Báo cáo mới về thoái vốn của Công ty Arabella Advisors tính toán rằng các nhà đầu tư có tài sản quản lý 6,2 nghìn tỷ USD đã cam kết thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch, tăng từ mức 5,2 nghìn tỷ năm 2016.
“Tôi biểu dương phong trào thoái vốn vì những bước tiến đáng kinh ngạc”, Mary Robinson, cựu Tổng thống Ireland, đồng thời là cựu cao ủy về nhân quyền của Liên hợp quốc, hào hứng chia sẻ.
Thị trưởng New York Bill de Blasio và Thị trưởng London Sadiq Khan, hai thành phố đang trong quá trình thoái vốn, cũng nêu quan điểm trong bài bình luận chung cho tờ Guardian rằng “chúng ta phải sử dụng kinh tế để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Thực hiện hành động như thế ngay từ bây giờ có thể giúp chúng ta tạo ra khác biệt quan trọng cho những người chúng ta đại diện và tương lai của hành tinh”.
Jeremy Grantham, đồng sáng lập GMO, một trong những công ty quản lý tài sản có ảnh hưởng nhất thế giới, cho biết việc thoái vốn là một xu hướng hấp dẫn. “Các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn nên tránh các cổ phiếu dầu mỏ. Họ phải đối mặt với xu thế chống đối bền bỉ. Các lập luận mang tính đạo đức về thoái vốn thật ra là không cần thiết. Đấy chỉ là phần thưởng thuần túy”.
Một báo cáo mới khác từ Genus Capital Management (Canada) cho biết trong 5 năm qua, quỹ Fossil Free CanGlobe Equity Fund của họ vượt chỉ số tiêu chuẩn của thị trường chứng khoán gần 2% mỗi năm. CEO Wayne Wachell tự tin rằng: “Sau 5 năm, chúng tôi có thể khẳng định thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch là đúng đắn”.
Báo cáo của Arabella Advisors lưu ý rằng Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) và Đại học Hoàng gia chuyên về đa khoa của Vương quốc Anh (Royal College of General Practitioners) đều đã tham gia vào thoái vốn.
“Thật không khôn ngoan khi sở hữu cổ phiếu dài hạn của các công ty nhiên liệu hóa thạch, sản phẩm của các công ty này gây hại cho sức khỏe con người qua việc tạo ra ô nhiễm không khí nguy hiểm và góp phần vào biến đổi khí hậu toàn cầu”, Tiến sĩ Todd Sack thuộc AMA cho biết.
Việc thoái vốn dường như khiến các công ty dầu khí lớn lo ngại. Báo cáo thường niên năm ngoái của Shell nêu rõ: “Hiện tượng này ảnh hưởng bất lợi đến giá chứng khoán cũng như khả năng tiếp cận thị trường vốn cổ phần của chúng ta”. Hơn nữa, Ngân hàng Thế giới đã cam kết ngừng tài trợ cho phát triển dầu khí, các công ty bảo hiểm lớn như Swiss Re cũng quyết định ngừng bảo lãnh các dự án than.
Báo cáo về sự tham gia của nhà đầu tư vào các công ty nhiên liệu hóa thạch, do nhóm cổ đông vận động As You Sow thực hiện, phát hiện ra rằng 160 nghị quyết về biến đổi khí hậu đã được đưa lên cho 24 công ty dầu khí của Mỹ trong giai đoạn 2012-2018.
Tuy nhiên, không công ty nào thông qua kế hoạch hoặc mục tiêu để cắt giảm phát thải khí nhà kính từ đốt nhiên liệu hóa thạch và hầu hết đang đầu tư để duy trì hoặc mở rộng sản xuất. Andrew Behar, CEO của As You Sow, chỉ rõ: “Ngành dầu khí chưa mạnh dạn giải quyết những rủi ro ngày càng tăng đối với các công ty trong ngành, với nền kinh tế rộng hơn và với hành tinh của chúng ta”.
Tháng 6 năm nay, Đức Giáo Hoàng Francis cũng ủng hộ lời kêu gọi đầu tư hợp lý, khi ngài đề cập đến những người đứng đầu các công ty dầu mỏ. Giáo Hoàng cho rằng lượng khí thải carbon vẫn gia tăng là “nguyên nhân gây nhiễu loạn và mối lo ngại thực sự”, đồng thời nói thêm: “Thậm chí còn đáng lo ngại hơn là việc tiếp tục tìm kiếm nguồn dự trữ nhiên liệu hóa thạch mới, trong khi rõ ràng Thỏa thuận chung Paris thúc giục chúng ta giữ hầu hết nhiên liệu hóa thạch dưới lòng đất.”
Ellen Dorsey thuộc Quỹ Wallace Global Fund cho biết áp lực thoái vốn sẽ tiếp tục. “Hôm nay, phong trào của chúng tôi cam kết sẽ tăng mức thoái vốn toàn cầu lên 10 tỷ USD vào năm 2020”.
Bà cho biết đầu tư vào năng lượng sạch cũng quan trọng như việc rút tiền khỏi các công ty gây ô nhiễm: “Các nhà đầu tư cũng nên cam kết ít nhất 5% danh mục của họ vào các giải pháp khí hậu để nhanh chóng đạt mức tiếp cận 100% năng lượng tái tạo và năng lượng bền vững trên toàn cầu”.
Cựu tổng thống Ireland Mary Robinson ủng hộ lời kêu gọi đầu tư sạch: “Đây là điều mà công lý khí hậu đòi hỏi”.