Trải qua quá trình lịch sử tròn ¼ thế kỷ, việc “đóng cửa rừng tự nhiên” đã được nhìn nhận một cách thấu đáo, không dừng lại ở các chỉ thị mang tính chất định hướng mà đã tiến tới luật hóa trong văn bản có hiệu lực cao nhất của ngành lâm nghiệp. Điều này thể hiện sự quan tâm cũng như quyết tâm của Chính phủ Việt Nam mong muốn chấm dứt nạn phá rừng và bảo vệ vốn rừng tự nhiên còn lại.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, bất chấp những quyết tâm và mệnh lệnh của Chính phủ, tại nhiều địa phương trên cả nước, tình trạng “phá sơn lâm,” làm suy giảm diện tích rừng tự nhiên vẫn diễn biến hết sức phức tạp, trong đó nhiều vụ việc diễn ra trong suốt thời gian dài, gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Điều đáng nói là, nạn phá rừng, khai thác gỗ trái phép trên không chỉ diễn ra ở các khu vực vùng lõi, mà thậm chí còn diễn ra phổ biến ở nơi được mệnh danh là “giữ rừng tốt nhất của Tây Nguyên” tại tỉnh Kon Tum – khu vực đã được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững về gỗ có kiểm soát đối với rừng tự nhiên tại Việt Nam.
Trong suốt nhiều năm qua, hàng ngày, lâm tặc cùng các phương tiện khai thác gỗ trái phép vẫn vô tư vào rừng chặt hạ cây cổ thụ rồi tẩu tán ra khỏi lâm trường, trước sự “bất lực” của chủ rừng và các cấp chính quyền, lực lượng chức năng.
Những ngày đầu tháng Bảy, bầu trời Tây Nguyên lúc nào cũng trực mưa ầm ào, vậy mà những khu rừng nơi đây vẫn bị quấy phá liên hồi bởi tiếng cưa xăng và xe gầm rú. Nhức nhối nhất là sào huyệt phá rừng tại lâm phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đắk Tô, nằm trên khu vực giáp ranh giữa ba huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi và Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum.
Dù rằng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đắk Tô lại là đơn vị đầu tiên nhận được Chứng chỉ quản lý rừng bền vững về gỗ có kiểm soát đối với rừng tự nhiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, nơi được xem là giữ rừng tốt nhất Tây Nguyên này lại đang ngày đêm bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc.