Một đại dịch tàn khốc có thể quét sạch những con sư tử châu Á cuối cùng còn sống trên thế giới.
Trong 1 tháng qua, ít nhất 23 con sư tử đã chết trong Khu bảo tồn động vật hoang dã Gir và Vườn quốc gia bang Gujarat phía tây Ấn Độ. Số sư tử bị chết gồm cả sư tử con và sư tử cái trưởng thành.
Ban đầu các quan chức Ấn Độ cho rằng những cái chết này là do những cuộc chiến giành lãnh thổ trong bầy sư tử hoang gây ra.
“Đó là một hoạt động tự nhiên của những con sư tử”, GK Sinha nhân viên tại Khu bảo tồn động vật hoang dã Gir cho biết.
Có 3 con sư tử đực từ nơi khác tới đã tiến vào rừng hồi tháng 9 và giết mấy con sư tử con để tranh lãnh địa, ông Sinha cho biết thêm.
Tuy nhiên, các thử nghiệm tại Viện Nghiên cứu y học quốc gia Ấn Độ cho thấy các con sư tử thực sự đã chết vì virus CDV chứ không phải do giành lãnh thổ.
“CDV là một virus cực kỳ nguy hiểm. Ở Serengeti (Vườn quốc gia Tanzania), virus này giết chết hơn 1.000 con sư tử trong 3 tuần. Dịch bệnh này giống như những thảm họa tự nhiên mà không có bất kỳ sự báo trước nào”, Ravi Chellam, một nhà khoa học bảo tồn, nói với tờ báo địa phương Mint.
Các nhà khoa học tin rằng sư tử châu Á phải ăn rác và sống chung với bọn chó hoang nên bị lây CDV.
Ấn Độ đã rất thành công trong việc bảo tồn sư tử khi tăng số lượng cá thể loài này từ 411 trong năm 2010 lên 523 vào năm 2015, và sau đó lên 600 con như hiện nay.
Tuy nhiên, số lượng sư tử gia tăng mà diện tích của Khu bảo tồn động vật hoang dã Gir lại không tăng khiến vấn đề bảo tồn loài này trở nên vô cùng khó khăn khi vùng sống của các con sư tử hẹp lại.
Hồi năm 2000 loài sư tử châu Á được liệt kê là loài “cực kỳ nguy cấp” trong sách đỏ, nhưng sau đó được chuyển thành có “nguy cơ tuyệt chủng” vào năm 2008 khi số lượng cá thể của loài tăng lên.