Liên quan đến thông tin tình trạng cá bớp nuôi lồng tại vùng biển của huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị chết với số lượng lớn đã khiến gần 100 hộ nuôi thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng, chiều 8/10, đại diện lãnh đạo Huyện ủy Bình Sơn thông tin, qua kiểm tra, tiếp cận hiện trường, bước đầu khẳng định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cá “sốc phản vệ” bởi môi trường nước bị thay đổi đột ngột.
Mấy ngày qua trên địa bàn huyện có mưa lớn, nước từ thượng nguồn sông Trà Bồng đổ về chảy ra khu vực lồng nuôi của người dân. Do cá nuôi tại vị trí giao thoa giữa nước lợ và nước mặn nên khi lượng nước ngọt lẫn vào nhiều sẽ khiến cá không thích nghi kịp dẫn đến hiện tượng lờ đờ.
Thấy vậy, các hộ nuôi đã di chuyển lồng bè từ vị trí nuôi ban đầu tại cửa biển Sa Cần, xã Bình Thuận ra vùng biển thuộc thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận. Cá yếu lại gặp môi trường 100% nước mặn nên xảy ra hiện tượng chết hàng loạt.
Để rõ thêm, huyện cũng đã yêu cầu cơ quan chức năng của huyện lấy mẫu cá chết gửi đi Cơ quan Thú y vùng IV Đà Nẵng để phân tích, xét nghiệm sớm tìm ra nguyên nhân, dự kiến 3 ngày sau sẽ có kết quả, đại diện lãnh đạo huyện cho biết thêm.
Vùng nuôi cá bớp lồng của người dân là mang tính tự phát bởi vùng biển các thôn Tuyết Diêm 1 (xã Bình Thuận), Sơn Trà (xã Bình Đông) thuộc vùng biển Dung Quất không nằm trong diện quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh do mang nhiều yếu tố bất lợi.
Tuy nhiên, người dân vẫn cố tình thả nuôi với mật độ dày đặc lên tới gần 1.000 lồng lớn, nhỏ.
Trước đó, ngày 18/5/2017, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã có Công văn số 2911/UBND-NNTN về việc chấm dứt tình trạng nuôi trồng thủy sản lồng bè tự phát tại thôn Sơn Trà, xã Bình Đông.
Công văn nêu rõ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bình Sơn phải có trách nhiệm tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn, Ủy ban Nhân dân huyện Bình Đông tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chấm dứt tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát không theo quy hoạch theo ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 1422/UBND-NNTN ngày 20/3/2017.
Tổ chức thông báo các hộ nuôi phải tháo dỡ lồng bè, không được tiếp tục sản xuất; trong đó xác định cụ thể thời điểm phải tháo dỡ, sau thời gian này nếu chưa tháo dỡ hoặc tiếp tục vi phạm thì xử lý nghiêm theo Quy định tại Nghị định số 103/2013/NĐ- CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, kể cả những trường hợp phát sinh mới.