Từ ngày 8 – 13/10/2018, Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40, Hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN+3 (AMAF+3) lần thứ 18, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc lần thứ 6.
Hội nghị AMAF diễn ra tại Việt Nam lần này có ý nghĩa quan trọng vì đây là lần thứ ba Việt Nam giữ chức Chủ tịch AMAF, Chủ tịch AMAF+3 (3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 18 (từ tháng 10/2018 đến tháng 10/2019).
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã 2 lần nhận chức Chủ tịch AMAF và đăng cai tổ chức Hội nghị AMAF tại Việt Nam vào các năm 1998 và 2008.
Với vai trò là Chủ tịch AMAF lần thứ 40 và AMAF+3 lần thứ 18 từ tháng 10/2018 – tháng 10/2019, trong nhiệm kỳ này, Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm và các hoạt động, sự kiện như: Phối hợp với Ban Thư ký ASEAN để điều phối toàn bộ các hoạt động hợp tác của AMAF (hoạt động của 53 Nhóm công tác và hợp tác của AMAF với hơn 20 đối tác chiến lược của ASEAN).
Chủ trì và đăng cai tổ chức các Hội nghị quan trọng trong khuôn khổ AMAF và AMAF+3, gồm: Hội nghị quan chức cao cấp Nông Lâm nghiệp ASEAN (SOM-AMAF); Hội nghị quan chức cao cấp SOM-AMAF+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc); Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40; Hội nghị Bộ trưởng AMAF+3 lần thứ 18; Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc lần thứ 6 về Hợp tác ĐOA, Hội nghị cấp SOM-AMAF đặc biệt lần thứ 40 và Hội nghị cấp SOM-AMAF+3 đặc biệt lần thứ 18.
Bên lề các Hội nghị nêu trên sẽ có các chương trình thực địa, triển lãm và các cuộc họp song phương.
Tại Hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN lần thứ 40, các Bộ trưởng dự kiến sẽ xem xét và thông qua 23 Kế hoạch hành động, hợp tác và các văn kiện, tài liệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.
Tại Hội nghị Bộ trưởng AMAF và 3 nước đối tác (AMAF+3) lần thứ 18, Chủ tịch SOM-AMAF+3 (Việt Nam) sẽ trình bày Báo cáo về các hoạt động hợp tác của ASEAN+3 trong lĩnh vực lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp. Đồng thời, ký kết 3 Biên bản ghi nhớ.
Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc lần thứ 6 về Hợp tác SPS, đồng chủ tịch đầu mối ASEAN-Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực SPS (bảo vệ và kiểm dịch thực vật) sẽ báo cáo tiến độ thực hiện các hoạt động hợp tác ASEAN-Trung Quốc và giới thiệu Chương trình hành động năm 2019 – 2020 để Hội nghị xem xét và thông qua.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, cùng với xu hướng hội nhập chung của đất nước, Bộ NN&PTNT đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác với ASEAN trong khuôn khổ AMAF và các hoạt động hợp tác ASEAN liên quan khác. Sau 23 năm tham gia AMAF, Bộ NN&PTNT đã tham gia đầy đủ 53 Nhóm Công tác trong khuôn khổ AMAF, trong đó theo luân phiên hàng năm đã chủ trì hoạt động của nhiều Nhóm công tác.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, việc đăng cai tổ chức diễn đàn AMAF về nông lâm nghiệp trong khu vực ASEAN vừa là nghĩa vụ của Việt Nam nhưng cũng giúp nước chủ nhà nâng cao vai trò, uy tín và vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế, đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và góp phần tích cực vào thực hiện các mục tiêu đặt ra của ngành khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), từ đó góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Trong nhiệm kỳ 2018-2019, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Ban Thư ký ASEAN để điều phối toàn bộ các hoạt động hợp tác của AMAF (hoạt động của 53 Nhóm công tác và hợp tác của AMAF với hơn 20 đối tác chiến lược của ASEAN).
Tại kỳ họp lần này, các Bộ trưởng trong khối AMAF và các đối tác sẽ tập trung xem xét và thông qua 23 Kế hoạch hành động, hợp tác và các văn kiện, tài liệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Đồng thời, báo cáo thảo luận về các hoạt động hợp tác của ASEAN+3 trong lĩnh vực lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp và ký kết 3 Biên bản ghi nhớ.
Riêng đối với Hội nghị Bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc lần thứ 6 về Hợp tác SPS, đồng Chủ tịch đầu mối ASEAN-Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực SPS sẽ báo cáo tiến độ thực hiện các hoạt động hợp tác ASEAN-Trung quốc và giới thiệu Chương trình hành động năm 2019 – 2020 để Hội nghị xem xét và thông qua.