Quỳ Hợp (Nghệ An): Nhiều Doanh nghệp “vô tư” gây ô nhiễm môi trường

Môi trường tự nhiên xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nhiều xưởng xẻ đá gây ra suốt một thời gian dài. Trong khi đó, Thọ Hợp là xã chuẩn bị về đích NTM, muốn làm được điều này, cấp ủy, chính quyền cần khẩn trương khắc phục tình trạng trên để hoàn thành tiêu chí về môi trường.

Đi một vòng quanh khu vực Thung Khẳng, đây là nơi quy hoạch cụm công nghiệp Thọ Hợp 2, chúng tôi thấy hành chục xưởng chế biến đá trắng đang hoạt động hết công suất. Trên nhiều trục đường ở cụm công nghiệp này, vẫn còn tình trạng đổ rác thải rắn (chủ yếu là đá vụn, đá phế phẩm) bên lề đường, chất đống nham nhở. Tại nhiều xưởng sản xuất, tồn tại nhiều đám bột đá nằm phơi ngoài hàng rào của doanh nghiệp.

Nước thải từ xưởng đá cho tràn ra môi trường ở cụm công nghiệp Thọ Hợp 2

Theo chỉ dẫn của một người dân, men theo con đường nhỏ cạnh bờ rào UBND xã Thọ Hợp, chúng tôi phát hiện ra điểm xả nước thải xẻ đá cách đó không xa. Một khe nước chứa bột đá trắng chảy ra từ một số nhà xưởng xuống một ao lắng bờ đắp sơ sài, mặt ao sủi bọt trắng. Xung quanh, nước bột đá chảy tràn sang cả vườn cây của các hộ dân ở gần đó.

Ông N.V.T ở xóm Thọ Sơn, xã Thọ Hợp bức xúc: Ao chứa nước chỉ làm tạm thời, đối phó chứ nước vẫn chảy tràn, môi trường gây ô nhiễm. Không chỉ thải ở đây mà có nhiều điểm doanh nghiệp chế biến đá xả nước bừa bãi, thậm chí tràn ra cả đường đi.

Nước thải đổ tràn khắp nơi

 

Cụm công nghiệp Thọ Hợp 1 nằm ven QL 48C, cách UBND xã Thọ Hợp chưa đầy 1km. Đây là khu vực có nhiều doanh nghiệp lớn chế biến đá tồn tại hơn 10 năm nay. Nơi đây, các xưởng cưa xẻ đá được đặt cách bờ sông Dinh không xa. Nhiều con đường nhỏ nơi đây đã ngập bột đá. Thời điểm chúng tôi có mặt, những dòng nước thải từ các xưởng đá theo mương xây chảy thành dòng đậm đặc màu nâu đục. Có nhiều đoạn đường, nước bột đá chảy tràn đọng thành nhiều vũng. Tại những đám đất hoang, bột đá, chất thải được tập kết từng đống, do lâu ngày, một phần đã bị nước mưa rửa trôi đọng thành từng đám. Cũng tại khu vực này, nhiều điểm nước thải đã chảy xuống ruộng của người dân.

Nước thải cho ra mương ngay sát đường rồi đổ ra môi trường

Một người dân cho biết, nước thải, bột đá chảy ra tràn vào nhiều ruộng mía khiến người dân canh tác khó khăn, năng suất giảm. Nguy hiểm hơn, lâu ngày nước chảy thải lan xuống hòa vào nước sông Dinh gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Bà Trương Thị Giang, Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp khẳng định, việc ô nhiễm cũng một phần do lịch sử để lại. Xã cũng đang tiến hành xử lý rác thải rắn nhưng cũng chưa xong, chỉ tranh thủ làm thứ bảy chủ nhật. Tại các doanh nghiệp, chính quyền cũng đã cho kiểm tra, sắp tới, sẽ họp các doanh nghiệp để họ có cam kết bảo vệ môi trường khi đó mới có căn cứ để xử lý sai phạm. Trước đây, cũng do quản lý lỏng lẻo, cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp không có, hồ sơ lưu tại ủy ban cũng không nhiều nên hiện nay, việc tiến hành kiểm tra doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Còn có một số doanh nghiệp không hợp tác với chính quyền trong việc xử lý chất thải.

Chất thải rắn cũng được chất đống bên đường

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, trên địa bàn có 39 doanh nghiệp hoạt động khai thác và chế biến đá trắng gây tiếng ồn, bụi bặm, ô nhiễm nguồn nước. Trời nắng bụi phát tán nhiều trong không khí, trời mưa nước cuốn theo bột đá chảy tràn vào một số nhà dân khiến nhiều người dân bức xúc. Phần nhiều các doanh nghiệp đều có dấu hiện vi phạm về bảo vệ môi trường, một số doanh nghiệp đã khắc phục nhưng chưa triệt để. UBND xã Thọ Hợp năm qua đã xử lý một số doanh nghiệp vi phạm môi trường với số tiền phạt 30 triệu đồng. Ngoài ra, những sự việc vượt quá thẩm quyền xử lý của UBND xã nên địa phương phải kiến nghị huyện xử lý.

Nước thải chảy tràn ra cả ngoài đường gây ô nhiễm môi trường

Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp còn cho biết thêm, khó khăn về cán bộ ở địa phương thời gian qua cũng ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường. Bà mới về làm chủ tịch xã được một thời gian nên chưa thể giải quyết xong ô nhiễm môi trường. Năm nay, xã phấn đấu cuối năm về đích NTM nhưng với tình trạng môi trường hiện tại ở địa phương để giải quyết được vẫn là bài toán đau đầu cho cấp ủy, chính quyền nơi đây.

Ông Nguyễn Minh Khôi, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp cho biết: Thời gian tới, ngành TN&MT sẽ tiến hành kiểm tra và tham mưu cho UBND huyện giải quyết vấn đề này. Vấn đề đặt ra là hàng loạt doanh nghiệp chế biến đá tại cụm công nghiệp vừa phản ánh ở trên hoạt động đã hàng chục năm nay, thế nhưng vấn đề xử lý môi trường vẫn đang bị xem nhẹ. Việc này đã gây ra những hệ lụy về ô nhiễm môi trường cho người dân sống xung quanh.

Rất mong các ngành chức năng huyện Quỳ Hợp cần phải nhanh chóng kiểm tra, có giải pháp xử lý, đưa các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

 Phạm Tuân – Tưởng Cao

Nguồn: