Ngày 4/10, Hệ thống hưu trí giáo viên (TPK) và Hệ thống hưu trí nhân viên chính phủ Hàn Quốc (GEPS) chính thức phát hành thông cáo chung khẳng định chấm dứt hoàn toàn việc đầu tư vào các dự án than mới, bao gồm nhiệt điện than, cả ở trong và ngoài nước kể từ thời điểm phát hành thông cáo.
Đây là hai cơ quan tài chính đầu tiên của Hàn Quốc quyết định thoái vốn khỏi ngành than, tiếp bước một số ông lớn như Standard Chartered của Mỹ hay Marubeni của Nhật Bản. Đáng chú ý là thông cáo được đưa ra trong bối cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 48 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đang diễn ra tại thành phố Incheon, Hàn Quốc từ ngày 1-5/10 nhằm bàn về các giải pháp kìm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5°C.
Không chỉ nói không với ngành than, hai quỹ tài chính có tổng trị giá 22 tỷ USD này còn cam kết ủng hộ và tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời mở rộng các hoạt động đầu tư có trách nhiệm xã hội. Cụ thể:
i) TPK và GEPS sẽ tham gia và cung cấp hỗ trợ tối đa cho nỗ lực chung của nhân loại nhằm giữ cho sự ấm lên toàn cầu dưới mức 1,5 °C;
(ii) Công nhận than là đóng góp chính cho biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí, TPK/GEPS xác nhận cam kết không tham gia vào bất kỳ tài chính than nào trong tương lai thông qua tài trợ dự án hoặc trái phiếu doanh nghiệp…;
(iii) TPK/GEPS sẽ đầu tư bền vững bằng cách tài trợ cho các dự án tái tạo mới hoặc bằng cách mở rộng đầu tư hiện tại, để giúp chuyển sang nền kinh tế carbon thấp.
Được biết, không phải tới thời điểm hiện tại mà từ 2015, KTP đã đầu tư vào năng lượng tái tạo và dự kiến nguồn vốn mà Quỹ này dành cho phát triển bền vững sẽ còn tiếp tục tăng so với con số 90 triệu USD trong năm 2017.
Tại buổi họp báo và công bố Thông cáo ngày 4/10, ông Nam Joon Chung, Chủ tịch kiêm CEO GEPS chia sẻ: “Là hai tổ chức tài chính Hàn Quốc đầu tiên tham gia sáng kiến này, chúng tôi hiện đang trên một hành trình mới hướng tới đầu tư bền vững cho một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng tôi tin rằng giai đoạn thoái vốn khỏi ngành than và đầu tư phát triển năng lượng tái tạo là động thái cuối cùng hướng tới một tương lai bền vững. Nó cũng là trách nhiệm của chúng tôi để đáp ứng nỗ lực liên tục của nhân loại nhằm giữ cho sự nóng lên toàn cầu dưới mức 1,5 ° C. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để thực hiện nhiệm vụ với môi trường và xã hội với vai trò một cơ quan tài chính công và cũng khuyến khích các chính phủ cùng chung tay giảm lượng phát thải nhà kính”.
Ông Jong O Lee, Giám đốc Diễn đàn đầu tư bền vững Hàn Quốc (KoSIF) cũng nhấn mạnh “mặc dù đây là tuyên bố đầu tiên của các cơ quan tài chính Hàn Quốc về chính sách đối với hoạt động tài trợ ngành than, tuy nhiên, nó được xem là đòn bẩy để các cơ quan lớn trên thế giới cùng hành động và chấm dứt đầu tư vào ngành này”.
Cũng trong nội dung Thông cáo, hai Quỹ tài chính khẳng định hoạt động của con người là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu với việc sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch để phát thải khí nhà kính.
Trong số các nhiên liệu hóa thạch, sản xuất điện than là một trong những thủ phạm tồi tệ nhất khiến 800.000 ca tử vong mỗi năm. Đây cũng là lý do thôi thúc thế giới thực hiện các bước táo bạo để nhanh chóng đóng cửa các nhà máy than và chuyển hướng đầu tư sang năng lượng tái tạo.
Liên minh các nước coi than là quá khứ (Powering Past Coal Alliance) cũng chính thức được thành lập vào tháng 11/2017 dưới sự lãnh đạo của Canada và Anh nhằm cung cấp một tầm nhìn mạnh mẽ và chi tiết cho một sự thay đổi trong chiến lược phát triển năng lượng bền vững bằng cách xác định thời hạn cho đầu tư than và tổng lượng năng lượng tái tạo cần thay thế. Tính đến nay đã có 29 quốc gia, 17 chính quyền địa phương và 28 công ty tham gia Liên minh này.
Song song với đó, các doanh nghiệp toàn cầu cũng đang theo đuổi những sáng kiến riêng bằng cách chủ động lựa chọn năng lượng tái tạo. Hiện có 145 công ty toàn cầu đã đăng ký RE100 (Năng lượng tái tạo 100) tức cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
Đáng chú ý là các nhà đầu tư và tổ chức tài chính toàn cầu cũng đã và đang chuyển hàng tỷ đô la sang năng lượng tái tạo thay vì than đá. Xã hội dân sự cũng thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp than theo hướng kêu gọi họ siết chặt các hoạt động hơn, đồng thời khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo.
Có thể nói ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đang trong tình trạng khủng hoảng nếu không muốn nói là ngành công nghiệp chết và giá trị thị trường của than nói riêng cũng đang giảm dần.