Trong những năm gần đây, giá bán sâm củ Ngọc Linh tăng cao, nhờ thế, đời sống người trồng sâm ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) được cải thiện, nhiều hộ thu được hàng tỷ đồng từ sâm Ngọc Linh. Vậy nhưng, lâu nay, sâm Ngọc Linh chưa được khai thác hết giá trị vốn có của nó. Do vậy, để bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh đòi hỏi phải mở rộng liên kết, tạo ra chuỗi giá trị đối với cây dược liệu quý hiếm này.
Mở rộng diện tích trồng sâm
Qua khảo sát mới đây cho thấy, Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều lợi thế về cây dược liệu, nhất là cây sâm Ngọc Linh. Ðây là loại dược liệu quý hiếm được xếp vào một trong bốn loại sâm quý nhất thế giới và được đánh giá rất cao cả về giá trị kinh tế lẫn y, dược học. Với tầm quan trọng như vậy, những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân và doanh nghiệp phát triển cây sâm Ngọc Linh. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cho biết, vào giữa tháng 9-2015, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh – Sâm Việt Nam” đến năm 2030, với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Và đến tháng 6-2017, cây sâm Ngọc Linh chính thức được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia. Trước đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ… Ðây là cơ hội lớn để tỉnh Quảng Nam đầu tư, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My trở thành sản phẩm công nghiệp có giá trị cao.
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu chia sẻ, thời gian qua, Trung ương và tỉnh đã có nhiều giải pháp về bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh. Cách đây bốn năm, tỉnh Quảng Nam đã ban hành cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2014-2020; qua đó, tập trung bảo tồn chủ động nguồn gien, sản xuất cây giống; đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành cây hàng hóa có lợi thế cạnh tranh cao, nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng cao. Ðến năm 2016, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, tổng diện tích quy hoạch lên đến 15.568 ha; trong đó, quy hoạch bảo tồn 2.238 ha, quy hoạch phát triển 10.256 ha; diện tích trồng và bảo tồn 2016-2020 đạt 665 ha, giai đoạn 2020-2030 trồng khoảng từ 400 đến 500 ha/năm, diện tích khai thác ổn định hằng năm từ 200 đến 300 ha, sản lượng khai thác khoảng từ 150 đến 200 tấn/năm.
Theo đồng chí Hồ Quang Bửu, hiện tại, nhận thức của người dân thay đổi rõ rệt; người dân địa phương đã biết giữ rừng để trồng sâm Ngọc Linh; từng hộ dân biết tận dụng diện tích đất dưới tán rừng; biết cách sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư trồng sâm, có hộ vay đến hàng tỷ đồng để trồng cây dược liệu này. Ðến nay, số hộ trồng sâm tại bảy xã lên đến hơn 1.500 hộ, với diện tích đăng ký trồng sâm hơn 2.500 ha. Có bảy doanh nghiệp đăng ký trồng sâm Ngọc Linh, với tổng diện tích đăng ký gần 300 ha…
Tạo ra chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh là loài cây đặc hữu, chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh thuộc ranh giới giữa hai tỉnh: Quảng Nam và Kon Tum, phân bố tự nhiên ở độ cao từ 1.500 m trở lên tại địa bàn xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) và hai xã của huyện Ðác Glei, Tu Mơ Rông (Kon Tum). Vậy nhưng, qua thời gian nghiên cứu và trồng thử nghiệm cho thấy, sâm Ngọc Linh có thể trồng được ở những nơi có độ cao từ 1.000 m trở lên. Nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương di thực cây sâm Ngọc Linh (mọc ở độ cao 1.500 – 2.000 m ở đỉnh Ngọc Linh) ra vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng ở vùng núi có độ cao từ 1.000 m trở lên là một hướng đi đúng. Bởi trong thực tế, thời gian qua, chính quyền và người dân huyện Nam Trà My đã di thực cây sâm Ngọc Linh từ trên núi Ngọc Linh xuống các vùng thấp hơn. Hiện tại, huyện đã di thực loài cây này đến trồng tại bảy xã, với số lượng hàng triệu cây và đang phát triển tốt. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, muốn di thực sâm Ngọc Linh phải có căn cứ khoa học và thực tiễn, đánh giá hiệu quả trong thực tế rồi mới nhân rộng.
Ðể phát triển chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh, cần đầu tư đồng bộ, từ cơ sở hạ tầng, cho đến giống sâm, di thực sâm và các sản phẩm từ sâm. Trước hết là tháo gỡ khó khăn về giống, bởi hiện chưa có nguồn giống chuẩn phục vụ trồng tạo vùng nguyên liệu hàng hóa. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng cho rằng, cây sâm Ngọc Linh là kết tinh của các giá trị: dược liệu, kinh tế, bảo vệ môi trường rừng và cả sự kết tinh văn hóa. Do vậy, sắp tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng chiến lược về thương hiệu, quy trình quản lý, chứng nhận chất lượng về phát triển vùng dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh nói riêng nhằm tạo đà cho phát triển kinh tế bền vững vùng đồng bào DTTS. Trước mắt, các địa phương có lợi thế cần tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, gắn với xây dựng nhà máy chế biến, tạo ra các dòng sản phẩm chất lượng cao, đưa sâm Ngọc Linh vươn ra thị trường thế giới.
Việc đầu tư phát triển chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế đơn thuần mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống vùng đồng bào DTTS. Qua đó, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi, miền xuôi và góp phần phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, để việc xây dựng, tạo chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh đạt kết quả như mong muốn, trước hết cần phát triển trồng trọt chuẩn, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, bảo đảm nguồn gien. Và phải có sự hợp tác giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân dưới sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.