Mâu thuẫn giữa người dân xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái và Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam ngày càng căng thẳng, có 5 người bị thương.
Dù lúa đã chín đầy đồng chờ thu hoạch nhưng suốt 4 ngày qua, hàng ngàn người dân xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái bỏ công việc đồng áng, thay nhau túc trực 24/24 giờ ở khu vực núi Nà Kèn (xã Lâm Thượng) để phản đối Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam tổ chức thăm dò, khai thác đá tại đây.
Gây ô nhiễm môi trường
Chiều 30-9, hàng trăm người dân vẫn túc trực tại các lều lán trên núi đá Nà Kèn để ngăn cản doanh nghiệp khai thác đá. Họ chuẩn bị kẻng báo động báo tin cho cả dân bản mỗi khi có tình hình mới.
Sự việc bắt đầu từ sáng 27-9 khi Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam đưa nhân viên cùng máy móc lên khu vực núi Nà Kèn tổ chức thăm dò khai thác đá. Theo người dân địa phương, trong số nhân viên công ty này có hàng chục người mặc trang phục bảo vệ mang theo nhiều dùi cui điện, công cụ hỗ trợ đi vào khu vực núi đá.
“Khi chúng tôi quyết ngăn cản, lực lượng này gí dùi cui điện làm 5 người bị thương, trong đó có 2 cháu nhỏ. Sau đó, những người mặc áo bảo vệ còn tạm giữ một người dân vì cho rằng có hành vi quá khích ném đá làm bảo vệ của công ty bị thương” – chị Hoàng Thị Khí (40 tuổi, ngụ bản Nà Kèn) kể.
Khi bà Nông Thị Thu Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Lục Yên, lên vận động người dân thì người dân đã “mời” bà Hà cùng đoàn của công ty ở lại bản, đồng thời yêu cầu chính quyền thả người dân bị tạm giữ. Đến sáng 28-9, khi chính quyền thả người thì bà Hà cũng được người dân đồng ý cho ra khỏi bản.
Nguyên nhân người dân phản đối dự án này, theo ông Hoàng Văn T. (trú ở bản Nà Kèn) là do bao đời nay, người dân trong bản dựng nhà sống dọc khu vực chân núi, nguồn nước trong lòng núi cũng chính là nguồn nước dùng để sinh hoạt của hàng trăm hộ dân trong bản.
Từ năm 2014, doanh nghiệp bắt đầu đưa máy móc lên núi Nà Kèn tiến hành thăm dò mà không có thông báo gì. Quá trình thăm dò, xúc rửa máy làm dầu loang xuống nguồn nước khiến cá trong ao và vịt nuôi thả của nhiều hộ dân bị chết. Thấy bất thường, người dân yêu cầu xã tổ chức tổ công tác lên núi kiểm tra thì doanh nghiệp tiến hành thăm dò khai thác không xuất trình được giấy phép.
Sau khi xảy ra sự cố nêu trên, doanh nghiệp đã tạm dừng việc thăm dò và đền bù cho người dân trong bản. Đến năm 2016, Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò khai thác đá tại núi Nà Kèn, thời hạn đến năm 2020.
“Người dân ở đây chủ yếu làm ruộng, thả cá, nếu mất đi nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân. Do vậy, người dân trong xã kiên quyết phản đối và yêu cầu chấm dứt hoạt động thăm dò, khai thác đá” – ông T. nhấn mạnh.
Thuyết phục, đối thoại với dân
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên, cho biết vụ xô xát đã khiến 3 người dân (trong đó có 2 trẻ em) và 2 bảo vệ của công ty bị thương. Ngay sau khi xảy ra sự việc, chính quyền đã cử nhân viên y tế vào sơ cứu và đưa những người bị thương đi bệnh viện chữa trị. Đến thời điểm này, sức khỏe những người này đã ổn định.
Theo ông Thịnh, ngày 29-9, UBND tỉnh Yên Bái đã ra quyết định tạm dừng hoạt động thăm dò khoáng sản đá hoa trắng tại khu vực Nà Kèn, đồng thời giao UBND huyện phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức đối thoại với người dân xã Lâm Thượng.
Theo ông Thịnh, Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam đã được Bộ Tài Nguyên và Môi trường cấp giấy phép để thăm dò đá hoa trắng với diện tích trên 101 ha tại khu vực núi Nà Kèn từ năm 2016. Tuy nhiên, do khiếu nại của người dân nên UBND tỉnh đã yêu cầu tạm dừng thăm dò từ đó đến nay. “Chính quyền địa phương đã phối hợp với các bộ, ban, ngành nhiều lần đối thoại trực tiếp tại cơ sở nhưng người dân bản Nà Kèn vẫn không đồng ý” – ông Thịnh nói.
Đến ngày 19-6-2018, UBND tỉnh Yên Bái tiếp tục đồng ý cho doanh nghiệp được phép thực hiện việc thăm dò theo giấy phép đã cấp. Doanh nghiệp mới chỉ thăm dò và nếu có thể thì 2 năm nữa mới quyết định cho khai thác hay không.
“Để có được giấy phép khai thác thì bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường, lúc đó sẽ có sự tham vấn, lấy ý kiến của người dân. Ngay từ bây giờ, công ty đã sẵn sàng cam kết bằng văn bản đáp ứng đủ nguồn nước đến khi được cấp giấy phép khai thác” – ông Thịnh nói.
Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam là công ty 100% vốn đầu tư của Tập đoàn R.K Marble Ấn Độ, được thành lập vào năm 2006, với số vốn trên 500 tỉ đồng. Theo công ty này, họ đã tạo việc làm cho hơn 600 lao động địa phương.
Hơn 600 học sinh bỏ học
Hơn 600 học sinh từ tiểu học đến THPT của cả xã Lâm Thượng đã không đến lớp để cùng người thân phản đối Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên đã yêu cầu các trường bên cạnh việc tổ chức dạy học trên lớp cần tổ chức các hoạt động ngoài giờ để thu hút học sinh đến trường. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tiếp tục nắm bắt tình hình, vận động học sinh ra lớp. |