Từ thùng rác, thau chậu, can nhựa, chai nhựa… tất cả những gì có thể chứa, đựng đều trở thành vật dụng để tích trữ nước ở mảnh đất luôn “khát nước” – xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu, vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai) – mảnh đất lâu nay được ví như “Trường Sa cạn” với nhiều cái nhất.
Sống bằng “nước trời”
Tháng Chín kết thúc! Những cơn mưa của mùa hạ đã bớt dần, người dân vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai) lại bước vào nỗi lo của mùa thiếu nước trầm trọng với đỉnh điểm là hai xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu. Nơi đây từ lâu được ví như “Trường Sa cạn” với 3 cái nhất: Xa huyện nhất, ít dân nhất huyện và thiếu nước nhất huyện.
Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu Khổng Hữu Huân chia sẻ, với địa hình chia cắt mạnh, rửa trôi, xói mòn, địa chất đặc thù núi đá nhiều hơn đất nên tình trạng thiếu nước trầm trọng đã diễn ra nhiều năm nay.
Hạn hán đặt người dân và người lính, đặc biệt là các thầy cô giáo và các cháu học sinh nơi đây trước vô vàn khó khăn, từ việc đảm bảo nguồn nước sinh hoạt hàng ngày đến tăng gia sản xuất cải thiện cuộc sống, đặc biệt là vào mùa khô từ tháng 11 năm nay đến tháng 5 năm sau hằng năm.
Việc tiềm kiếm nước tại đây vô cùng khó khăn khi có rất nhiều đoàn công tác đã lên đây khoan thăm dò nhưng không có nguồn nước. Mùa khô, người lớn có thể thức trắng đêm để chờ hứng tại các bể nước trung tâm hoặc đi xuyên rừng tìm các mó nước nhỏ rỉ ra từ vách đá.
Cô giáo Đỗ Thị Tươi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dìn Chin lo lắng: Mùa khô đến, tại nhiều điểm trường, bất kể vật dụng nào cũng có thể đem ra chứa nước.
Nữ hiệu trưởng cho biết, có những thời điểm vào mùa “khát” nước, các thầy cô giáo khi đi làm phải tự chở theo hai bình nước to, nhà trường cũng phải vận động mỗi học sinh mang theo bình nước 1,5 lít để phục vụ việc nấu ăn, vệ sinh trường lớp, tưới vườn rau liên đội.
Để vùng đất “khát” bớt khát
Có mặt cùng đoàn công tác đi khảo sát, lắp ráp bồn nước, túi nước cho người dân nơi đây, kĩ sư Nguyễn Văn Vượng – Tập đoàn Sơn Hà chia sẻ: “Tôi đã đi vào từng điểm trường, hộ dân khó khăn nhất để tìm hiểu nguyên nhân tại sao người dân khó tích trữ nước. Các dự án trong nước và ngoài nước đã xây dựng cho xã một số bể to để hứng nước mưa và lấy nước dẫn từ trên núi về. Tuy nhiên, nhiều bể hiện nay đều bỏ không do sử dụng không hiệu quả, nhanh hư hỏng…”
Qua khảo sát nghiên cứu, kĩ sư Nguyễn Văn Vương cho rằng, nếu sử dụng bồn nước inox để chứa nước sẽ hiệu quả và phù hợp hơn với địa hình ở đây. Bình nước inox hay túi chứa nước có chi phí rẻ hơn, thời gian bảo hành hàng chục năm, không ảnh hưởng đến chất lượng nước và việc vận hành dễ dàng hơn.
“Đến đây, chứng kiến cảnh các thầy cô giáo phải sử dụng tất cả vật dụng như thau chậu, thậm chí là… thùng rác để chứa nước mới có thể thấu hiểu hết nỗi vất vả của người dân, đặc biệt là thầy và trò nơi đây. Chính vì thế, Tập đoàn Sơn Hà chúng tôi đã trao tặng và lắp đặt 35 bồn nước cho 2 xã với kinh phí 240 triệu”, kĩ sư Vượng cho hay.
Anh Vàng Seo Pao ( 30 tuổi, thôn Lùng Sán Chồ, xã Dìn Chin) cho biết vào mùa khô thì hiếm, các hộ phải đi bộ vài trăm mét mới hứng được những thùng nước chảy ra từ khe đá. Nhà tôi chỉ có 1 xô chứa được 35 lít nước nên hết lại phải đi lấy. Thiếu nước, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn, thậm chí, hơn tuần mới tắm 1 lần.
Anh Pao cho biết, có bình nước và được hỗ trợ lắp đặt sử dụng máy bơm để bơm nước lên nên anh không phải lo dùng sức để vác nước mỗi ngày nữa.
Được biết, trong 11 thôn bản của Dìn Chin có 2 khu vực thiếu nước trầm trọng. Xã Tả Gia Khâu với 12 bản và gần 3.000 hộ dân cũng trong tình trạng tương tự, tất cả đều thiếu đất, thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt.
Mọi sự giúp đỡ khó khăn của người dân nơi “Trường Sa cạn” – hai xã Tả Gia Khâu và Dìn Chin, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai xin gửi về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng, số 6 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232748. Hoặc chuyển khoản về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng, STK: 113000000758 tại Vietinbank chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ủng hộ miễn phí tại Vietcombank chi nhánh Hà Nội, STK: 0021000303088. |