Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh cho nên đêm 28-9 và sáng 29-9 ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính đến trưa 29-9 ở Hoành Sơn (Hà Tĩnh) là 188 mm, Tuyên Hóa (Quảng Bình) là 144 mm.
Dự báo, từ ngày 30-9 đến 1-10 ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 40 đến 70 mm/ngày). Từ ngày 29-9 đến 1-10, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện lũ nhỏ với biên độ từ 1 đến 3 m, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp tại các tỉnh nêu trên. Nam Bộ, mây thay đổi, có mưa rào và dông vài nơi, chiều tối 30-9 có mưa rào và dông rải rác. Gió tây đến tây nam cấp 2, cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 60 đến 98%. Nhiệt độ thấp nhất từ 24 đến 27oC, nhiệt độ cao nhất từ 31 đến 340C.
* Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai các tỉnh: Lào Cai, Bắc Cạn, Nghệ An cho biết, mưa lớn do ảnh hưởng của không khí lạnh đã gây thiệt hại như sau: Có 25 nhà tại tỉnh Lào Cai bị thiệt hại (trong đó: 22 nhà bị ngập nước, ba nhà bị ảnh hưởng do sạt lở). Trên quốc lộ 7A đoạn km110+830 xã Lạng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) xảy ra sạt lở đất cục bộ tại ta-luy dương với khoảng 2.000 m3 đất (hiện quốc lộ 7A đã được thông tuyến). Có 75,95 ha lúa, hoa màu thiệt hại (Lào Cai 75,1 ha; Bắc Cạn 0,85 ha). Về chăn nuôi, thủy sản: 445 con gia cầm bị chết, 1,1 ha diện tích thủy sản bị thiệt hại tại tỉnh Lào Cai.
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, mực nước sông Cửu Long đang xuống, sau đó sẽ lên lại theo triều vào ngày 4-10. Đến ngày 10-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 3,92 m (dưới báo động – BĐ2 0,0 8 m), tại Châu Đốc ở mức 3,6 m (trên BĐ2 0,1 m), mực nước tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên lại ở mức BĐ2-BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2, cấp 3.
* Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện tại khu vực Bắc Bộ có 185 trong số 289 hồ chứa lớn và 2.133 hồ chứa nhỏ tích đầy nước. Không có hồ nào vận hành xả lũ. Khu vực Bắc Trung Bộ có 33 trong số 135 hồ chứa lớn và 1.185 hồ chứa nhỏ tích đầy nước. Vận hành xả lũ của các hồ có cửa van: Hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa) xả 270 m3/giây (bao gồm xả qua tràn 100 m3/giây), hồ Tả Trạch (Thừa Thiên – Huế) xả qua phát điện 15 m3/giây.
* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Bến Tre, hiện toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 138 km; hiện UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục năm điểm sạt lở khẩn cấp; trong đó có ba dự án vừa được T.Ư hỗ trợ vốn 140 tỷ đồng bao gồm: Kè chống sạt lở cồn Phú Đa – Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Lách; kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri; kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Bửng, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.
* Theo UBND tỉnh Kiên Giang, thực hiện công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, sự cố môi trường và giám sát biến đổi khí hậu, trên địa bàn tỉnh hiện có ba trạm khí tượng, ba trạm thủy văn cấp 3, hai trạm hải văn và 17 trạm đo mực nước và mưa tự động, sáu trạm đo độ mặn vào mùa khô. Hiện tỉnh đang tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
* Theo Sở NN và PTNT tỉnh Gia Lai, đến nay diện tích nhiễm bệnh trắng lá mía là gần 3.000 ha. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã khuyến cáo người dân dùng các biện pháp thủ công (cày, cuốc) tiêu hủy nguồn bệnh trên đồng ruộng; dùng thuốc có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl, Cypermerthrin để diệt trừ rệp trắng hại bẹ lá mía, vệ sinh đồng ruộng, đốt mía sát gốc sau khi thu hoạch, cày vùn, tăng độ tơi xốp cho đất quanh gốc mía…
* UBND tỉnh Trà Vinh vừa giao Sở NN và PTNT tỉnh chịu trách nhiệm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ với tổng kinh phí hơn 26,6 tỷ đồng. Cụ thể từ nay đến cuối năm 2018, tỉnh sẽ hỗ trợ hơn 1.000 hộ chăn nuôi lợn sinh sản, với số lượng hơn 2.410 con lợn nái được miễn phí gieo tinh giống lợn chất lượng cao, với khoảng 12 nghìn liều tinh; miễn phí gieo tinh các bò giống Red Sindhi, SahiWal, Bradman, Red Angus cho khoảng 6.300 hộ chăn nuôi, với tổng số liều tinh hơn 16 nghìn liều.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa ký quyết định xuất cấp vắc-xin, hóa chất sát trùng dự trữ quốc gia cho tỉnh Ninh Thuận. Cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN và PTNT xuất cấp (không thu tiền) 100 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng hai type (O và A), 10.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid và 20 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% từ nguồn hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phòng, chống dịch bệnh động vật. UBND tỉnh Ninh Thuận chịu trách nhiệm tiếp nhận và hỗ trợ kịp thời số vắc-xin, hóa chất nêu trên theo quy định hiện hành. |