Là quốc gia có tỉ lệ thải rác cao, Việt Nam đang đối mặt với các hiểm họa môi trường do việc xử lý rác gây ra.
Gần đây, cộng đồng mạng lan truyền một video tại một bờ kè biển Philippines, rác thải bị sóng biển đánh vào bờ, còn người trên bờ ra sức cầm xẻng xúc rác đẩy lại ra biển. Hình ảnh ấy đánh động tình trạng ô nhiễm biển do rác thải gây ra, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á, nơi Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia cùng với Trung Quốc thải nhiều rác nhựa ra biển hơn tất cả các nước còn lại trên thế giới cộng lại.
Biển Philippines nhiều rác vì ước tính còn 15% lượng rác ở thành phố và khoảng một nửa lượng rác ở vùng nông thôn chưa được thu gom. Dù vậy, nước này có tỉ lệ thu gom và xử lý rác cao hơn mức trung bình khi so với các quốc gia có điều kiện tương đồng và so với các nước trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Từ 15 năm trước, quốc gia này đã thông qua đạo luật về phân loại và xử lý rác thải. Việc thực thi đã mang đến tác động rõ rệt mà ngay cả du khách cũng nhận thấy được. “Một ngày, khu chợ gần khách sạn sạch không một vết rác, nhưng ngày hôm sau lại thấy một đống chất đầy”, chị Hoàng Anh quan sát trong một chuyến công tác 5 năm trước.
Điều gây ngạc nhiên cho chị hóa ra là do việc chia ngày thu gom rác ở đây, 7 ngày trong tuần được luân phiên chia 3 ngày thu rác hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học, 3 ngày thu rác vô cơ có khả năng tái chế và 1 ngày dành cho rác thải độc hại.
Hệ thống thu gom rác tại Philippines được công ty công lập và tư nhân đồng đảm nhiệm. Vẫn là những chiếc xe chở rác thô sơ, nhưng việc tách bạch chức năng và thời gian thu gom của các đơn vị vận hành khác nhau cho từng loại rác đã giúp hệ thống xử lý rác thải ở quốc gia này hoạt động hiệu quả.
Giống như Philippines, Việt Nam, một nước có tỉ lệ thải rác cao, cũng đang thử nghiệm và tiến hành các biện pháp phân loại và xử lý rác thải nhằm chống ô nhiễm môi trường. Tại khu vực thành thị, trung bình mỗi người Việt Nam thải ra 1,4kg rác thải mỗi ngày, cao gấp đôi so với mức trung bình của các nước cùng mức thu nhập. World Bank dự báo với tốc độ tăng trưởng gần 6%, lượng rác khu vực thành thị Việt Nam thải ra sẽ đạt 73.000 tấn mỗi ngày vào năm 2025.
Riêng tại TP.HCM, trong vòng 10 năm (2006-2016) khối lượng rác thải trên địa bàn tăng 38%. Hiện nay, 9 triệu người dân thành phố thải ra 8.300 tấn rác mỗi ngày và chiếm 21% tổng lượng rác thải đô thị phát sinh toàn quốc. 70-95% lượng rác thải đang được thu gom bởi cả hai hệ thống dân lập và công lập. Hệ thống công lập phụ trách các tuyến đường lớn và các cơ sở công cộng, trung tâm trong khi hệ thống dân lập đảm nhiệm các hẻm nhỏ và những cơ sở tư nhân.
Từ 2 năm nay, việc phân loại rác tại nguồn đã được thí điểm và bắt đầu nhân rộng trên một số quận huyện ở TP.HCM nhưng kết quả chưa khả quan, một cán bộ (giấu tên) thuộc Sở Tài nguyên Môi trường cho biết. Còn bà Nguyễn Trà Mi, sáng lập Precious Plastic Saigon, thì tỏ ra lạc quan hơn: “TP.HCM đã thực hiện phân loại rác tại nguồn ở một số nơi. Nhiều khả năng nhân rộng nhiều chỗ để cải thiện”.
Nghiên cứu của Asia Pacific Network for Global Change Research ưu tiên việc phân loại rác tại nguồn trước cả những phương án xử lý rác tiếp theo là tái chế, ủ phân, đốt thu năng lượng và cuối cùng là chôn lấp. Để thu được chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học và rác thải có khả năng tái chế sạch thì việc phân loại rác thải tại nguồn đóng một vai trò rất quan trọng.
Việc phân loại theo ngày thu gom sẽ giúp tái chế đến 80% tổng rác thải sinh hoạt của thành phố, tạo ra nguồn thu nhập lớn với việc sản xuất phân bón hữu cơ, khí sinh học (biogas) và chất dinh dưỡng cho đất, cũng như tái chế nhựa, giấy, cao su để tạo ra các sản phẩm giá trị khác. Đồng thời cũng giảm tải cho các bãi chôn lấp, hạn chế ô nhiễm nước và không khí do hoạt động chôn lấp rác gây nên.
Tuy nhiên, một trở ngại đối với việc phân loại rác thải tại nguồn là mặc dù các chương trình thí điểm trang bị 2 loại thùng chứa khác nhau cho rác hữu cơ và rác vô cơ, các loại rác này thường bị bỏ lẫn lộn cùng nhau. Thêm vào đó, khi các đơn vị dân lập thu gom chất thải tại nguồn, 2 loại chất thải sau khi đã được phân loại được đổ chung với nhau trong cùng một xe thu gom. Điều này có thể làm nản lòng người thực hiện việc phân loại chất thải. Hai công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực thu gom và tái chế rác thải là Tâm Sinh Nghĩa và Citenco đều từ chối bình luận.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Loan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng về Công nghệ và Quản lý Môi trường, nhận thức của cộng đồng đối với quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn thấp nên việc phân loại chất thải tại nguồn trở thành một thách thức lớn. Vì thế, hầu hết chất thải sinh hoạt của thành phố hiện nay không được phân loại tại nguồn.