Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) hôm qua (24-9) bước vào giai đoạn căng thẳng chưa từng có khi hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đã chính thức kích hoạt vòng đánh thuế thứ ba, lớn nhất kể từ khi hai nước đối đầu.
Áp dụng vòng đánh thuế mạnh nhất
Chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng mức thuế 10% với lượng hàng hóa TQ trị giá 200 tỉ USD, dự kiến sẽ tăng lên 25% vào cuối năm nay, kèm theo lời đe dọa sẽ đánh thuế nốt “phần còn lại” hàng TQ nhập vào Mỹ trị giá 267 tỉ USD nếu Bắc Kinh vẫn tìm cách trả đũa. Lệnh đánh thuế lần này nhằm vào hàng ngàn mặt hàng của TQ, bao gồm gia vị thực phẩm, găng tay bóng chày, thiết bị phát sóng Internet, linh kiện máy móc công nghiệp.
Chính quyền Bắc Kinh cũng không “ngồi yên”. TQ ra lệnh trả đũa 60 tỉ USD hàng hóa nhập từ Mỹ với mức thuế 5%-10% tùy loại, bao gồm thịt, hóa chất, quần áo, linh kiện ô tô. Bắc Kinh còn khẳng định “sẽ không đàm phán với Mỹ nếu Washington vẫn tiếp tục lên tiếng đe dọa”. “Cánh cửa đàm phán thương mại vẫn mở nhưng các chương trình đàm phán chỉ có thể diễn ra trong một môi trường mà hai bên tôn trọng lẫn nhau. Không thể tiến hành đàm phán dưới sức ép của lời đe dọa đánh thuế” – hãng thông tấn Tân Hoa Xã TQ dẫn lời chính phủ nước này.
Cho đến nay, Mỹ đã đánh thuế lên tổng lượng hàng trị giá 250 tỉ USD, khoảng một nửa hàng hóa Mỹ nhập từ TQ hằng năm. Trong khi đó, lệnh đánh thuế 60 tỉ USD của TQ nhằm vào hàng Mỹ được xem là nỗ lực cuối cùng của Bắc Kinh trên chiến trường thuế, vì TQ là nước xuất siêu sang Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng TQ vẫn còn nhiều giải pháp như tăng mức thuế nhập khẩu hoặc dùng các biện pháp phi thuế quan như rào cản kỹ thuật, hạn chế dòng người du lịch khổng lồ hằng năm từ TQ sang Mỹ.
Ông Aninda Mitra, chuyên gia phân tích cao cấp thuộc BNY Mellon Investment Management, cuối tuần trước bình luận trên CNN rằng: “Chúng ta đang bước vào giai đoạn gần chạm mốc tồi tệ nhất trước khi tình hình có thể trở nên tốt hơn”. Cuộc chiến thương mại Mỹ-TQ “không thể quay đầu” và “khó lường hết hậu quả”.
Bế tắc trong thời gian tới
Các quan chức chính quyền Trump nói rằng mục tiêu cuối cùng của Mỹ khi tiến hành chính sách thương mại hiện nay với TQ là đưa cả hai bước vào giai đoạn thương mại tự do, tức bãi bỏ rào cản thuế hai chiều, bãi bỏ sự can thiệp của nhà nước với các doanh nghiệp nội địa (như TQ đã làm nhiều năm qua). Nói cách khác, Washington cho rằng “ông Trump có một mối quan hệ tốt đẹp với ông Tập”, việc đánh thuế TQ là điều “Mỹ không mong muốn” nhưng Nhà Trắng không có cách nào khác khi Bắc Kinh vận hành chính sách thương mại không công bằng, bao gồm chống lưng cho doanh nghiệp nội địa và gây sức ép với doanh nghiệp Mỹ, buộc chuyển giao công nghệ nếu muốn làm ăn ở TQ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh ngày càng nghi ngờ mục tiêu thực sự của Mỹ. “TQ đang ngày càng lo ngại động lực thật sự sau các hành động của Mỹ chính là nỗ lực kìm hãm và hạ bệ TQ. Tôi e rằng chúng ta đang rơi vào tình thế bế tắc trong thời gian tới” – ông Timothy Stratford thuộc công ty luật Covington & Burling tại Bắc Kinh nhận định.
Trong khi đó, Fitch Ratings – một trong ba cơ quan xếp hạng tín dụng nổi tiếng nhất thế giới – mới đây đã đưa ra nhận định dù bất kể là Mỹ hay TQ đúng trong cuộc xung đột thương mại thì tình thế hiện nay cho thấy lập luận đanh thép của mỗi bên đang dần bị thay thế bởi những hành động gây tổn thương nền kinh tế thế giới. “Cuộc chiến tranh thương mại giờ đây đã trở thành hiện thực” – nhà kinh tế trưởng Brian Coulton của Fitch Ratings nói. Cơ quan xếp hạng tín dụng này đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 giảm 3,1%, đồng thời cảnh báo các nguy cơ suy giảm tăng trưởng vẫn có thể tiếp tục diễn ra.
Tính đến hôm qua (24-9), chứng khoán Hong Kong suy giảm, trong khi sức mua ở nhiều thị trường châu Á thấp hơn mức trung bình, nhất là ở các thị trường lớn nhất như TQ, Nhật Bản. Tuy nhiên, tác động từ vòng đánh thuế mới nhất giữa Mỹ-TQ dự kiến sẽ hiển hiện vào giữa đêm thứ Hai theo giờ Mỹ, tức trưa hôm nay theo giờ Bắc Kinh, ảnh hưởng lên các mặt hàng từ thịt đến linh kiện điện tử, truyền hình.
Hàng ngàn doanh nghiệp Mỹ lên tiếng
Theo CNN, nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Mỹ đồng ý rằng các hoạt động thương mại của TQ cần phải được điều chỉnh. Tuy nhiên, họ phản đối việc sử dụng chính sách đánh thuế của chính quyền Trump khiến chính các doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu hàng TQ phải chịu thiệt hại. Nhiều giám đốc điều hành của Mỹ giờ đứng trước một quyết định khó khăn: Chấp nhận chịu thiệt hại hay chia sẻ các mức thuế với người tiêu dùng. Một số doanh nghiệp đang xoay xở tìm kiếm các nhà cung cấp mới nhưng để thay thế các nhà cung cấp từ TQ thì cần phải có thời gian. Hàng ngàn doanh nghiệp yêu cầu Mỹ loại bỏ một số mặt hàng ra khỏi danh sách bị đánh thuế vì không thể tìm kiếm nhà cung cấp nào thay thế TQ. Nhưng chưa có yêu cầu nào được chấp thuận. |