Theo kết quả công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2017, tổng diện tích có rừng 14.415.381 ha, trong đó rừng rừng tự nhiên hiện có là 10.236.415 ha, tăng 5.726 ha so với năm 2016 rừng trồng 4.135.541 ha, tăng 43.425ha so với năm 2016 và tăng 292.628 ha so với năm 2015. Con số này cho thấy diện tích rừng trồng tăng lên theo các năm. Và chất lượng rừng đang được nâng lên như hiện nay, trong tương lai gỗ rừng trồng sẽ thay thế gỗ rừng tự nhiên.
Hướng đi nào cho ngành Lâm nghiệp nước ta: (Kỳ 1) – Cải thiện sinh kế người dân nhờ rừng
Hướng đi nào cho ngành Lâm nghiệp nước ta: (Kỳ 2) – Kỳ vọng ở Luật lâm nghiệp
Hướng đi nào cho ngành Lâm nghiệp nước ta: (Kỳ 3) – Những chính sách đi vào lòng dân
Những tồn tại và thách thức
Tại một số tỉnh trung du và miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc…hiện nay rất dễ bắt gặp hình ảnh rừng trồng cây keo, bạch đàn bị khai thác khi còn non, chưa đủ tuổi để khai thác, thân gỗ nhỏ nên chất lượng gỗ thấp. Đặc biệt dọc tuyến đường quốc lộ 70 từ Phú Thọ đến Lào Cai và quốc lộ 2 từ Vĩnh Phúc – Tuyên Quang – Hà Giang rất nhiều xưởng chế biến gỗ thu mua những cây gỗ chỉ to bằng bắp tay về bóc rồi ép thành những tấm để bán, những cây gỗ quá nhỏ không bóc được nghiền thành dăm gỗ đem bán cho các nhà máy giấy.
Chứng kiến những hình ảnh đó nhiều người am hiểu về gỗ rừng trồng cho rằng khai thác gỗ như vậy là quá sớm, khối lượng gỗ cũng như chất lượng kém hơn so với gỗ ở rừng trồng đủ độ tuổi, đủ kích thước mới khai thác. Tuy nhiên, theo người dân trồng rừng thì có người mua hoặc gia đình cần tiền là bán chứ không quan tâm đến khối lượng và chất lượng.
Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Thái Bình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái – cho biết: “Để người dân mặn mà với trồng rừng, coi đây là một nghề để nuôi sống gia đình, phát triển kinh tế. Tiến tới cần hỗ trợ phát triển các vùng trồng rừng gỗ lớn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có khoảng 11.875 ha rừng gỗ lớn, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu; đưa năng suất bình quân rừng trồng chuyển hóa sang kinh doanh gỗ lớn đạt từ 12 m³/ha/năm trở lên. Đồng thời, tăng tỉ lệ gỗ lớn từ 30 – 40% hiện nay lên 50 – 60% vào năm 2020 và trên 60% từ năm 2020 trở đi”.
“Cùng với đó là hàng loạt các chính sách hỗ trợ và các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ người dân trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn; thực hiện tốt các chính sách về khuyến nông, tiếp cận thị trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển cây gỗ lớn nhằm thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư được thuê đất, liên kết trồng rừng gỗ lớn gắn với xây dựng các nhà máy chế biến và tiêu thụ sản phẩm… Đề án này được kỳ vọng là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”– ông Bình kỳ vọng.
“Gỗ rừng trồng ở nước ta bên cạnh những thành tựu còn những tồn tại, thách thức như: Chất lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng trong nước còn thấp; Chi phí của nền kinh tế còn cao đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Nguồn nhân công lao động dồi dào nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, năng suất lao động thấp, hiện đang thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề cao cho nhu cầu sản xuất; Yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc nhiều nước ban hành các quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ đảm bảo 100% hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; Chưa có chính sách tổng thể, đồng bộ để tạo sức bật cho toàn ngành, do đó ngành chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn mang tính tự phát …” – Lãnh đạo Bộ NN-PTNT chia sẻ tại Hội nghị về gỗ được tổ chức hồi đầu tháng 8 năm 2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng những loại gỗ lâm nghiệp đang được trồng phổ biến hiện nay đang bị người dân khai thác từ rất sớm. Thời gian trung bình cho một chu kỳ phát triển đến thu hoạch chỉ khoảng 4 đến 5 năm. Đây được xếp vào những nhóm cây non chỉ phục vụ cho mục đích làm dăm, sản xuất bột giấy, không có giá trị trong chế biến các đồ thủ công, gia dụng. Nếu tính trung bình, 1 ha rừng trồng của Việt Nam mỗi năm chỉ cho thu nhập trung bình khoảng 12 đến 15 triệu đồng.
Theo phân tích của đại diện Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, những loại cây lâm nghiệp nếu phát triển theo mô hình rừng trồng có chứng nhận nguồn gốc, phát triển thành cây gỗ lớn với chu kỳ khai thác trung bình 7 đến 8 năm thì hiệu quả thu nhập trung bình cao hơn từ 2 đến 3 lần khai thác gỗ non. Điều này không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho người trồng rừng mà còn mang đến nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho chế biến, xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thế cạnh tranh của gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Từ tiềm lực hiện có và nhu cầu thị trường, Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu cụ thể cho việc phát triển chế biến gỗ và lâm sản trong những năm tới là phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong nước, đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, tiến tới thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu; nâng thị phần thương mại đồ gỗ thế giới của Việt Nam từ 6% hiện nay lên khoảng 10% vào năm 2025.
Thủ tướng đặt mục tiêu, năm 2018 phải phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản tối thiểu 9 tỷ USD 2019 đạt 10-11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12-23 tỷ USD; 2025 đạt 18-20 tỷ USD.
Tiến tới gỗ rừng trồng thay thế gỗ tự nhiên
Theo kết quả công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2017, tổng diện tích có rừng 14.415.381 ha, trong đó rừng rừng tự nhiên hiện có là 10.236.415 ha, tăng 5.726 ha so với năm 2016 rừng trồng 4.135.541 ha, tăng 43.425ha so với năm 2016 và tăng 292.628 ha so với năm 2015. Con số này cho thấy diện tích rừng trồng tăng lên theo các năm. Và chất lượng rừng đang được nâng lên như hiện nay, trong tương lai gỗ rừng trồng sẽ thay thế gỗ rừng tự nhiên.
Tại Báo cáo Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp trong thời gian tới ngày 10 tháng 10 năm 2017 Bộ NN&PTNT cho thấy giá trị lâm nghiệp tăng bình quân 6,75%/năm trong giai đoạn 2013-2016 so với 5,03%/năm trong giai đoạn 2010-2012; sản lượng gỗ rừng trồng tăng hơn 3,3 lần, từ 5,6 triệu m3 năm 2011 lên 17,3 triệu m3 năm 2016; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng hơn 2 lần, từ 2,8 tỉ USD/năm giai đoạn 2006-2010 lên 6,52 tỉ USD/năm giai đoạn 2012-2015, năm 2016 đạt 7,3 tỉ USD, xuất siêu 5,4 tỷ USD;…
Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 6/2018 ước đạt 750 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu chung trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 4,13 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,86 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020: Nâng cao năng suất rừng trồng lên 20 m3/ha/năm Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 8,0 đến 8,5 tỷ USD Duy trì ổn định 25 triệu việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.
Mới đây nhất, tại Hội nghị diễn ra ở TP HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.
Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương nông dân trồng rừng, doanh nhân và người lao động trong ngành chế biến gỗ đã đóng góp công sức cho sự phát triển của ngành chế biến gỗ và lâm sản. Và giao Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm chính phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản sao cho trong 10 năm tới ngành này phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, XK của nền kinh tế đất nước.
Được biết, năm 2018 này kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD đồ gỗ. Xuất siêu trong lĩnh vực Lâm nghiệp là khoảng 5 tỷ USD trong khi cả nước mới xuất siêu được 8 tỷ USD, vậy nên, nếu không có Lâm nghiệp nước ta sẽ trở thành nước nhập siêu. |
Thủ tướng nhấn mạnh: Trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc đến công nghệ chế biến nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng, đáp ứng nguyên liệu ngày càng cao của chế biến gỗ phải xem là khâu then chốt. Gỗ non, đường kính quá thấp đang bị khai thác như hiện nay dẫn tới hiệu quả thấp. Việc trồng rừng đang mang nặng tính ăn xổi ở thì khiến hiệu quả sử dụng đất đai thấp, thu nhập của người nông dân vì thế cũng thấp. Truyền thông ngăn chặn triệt để phá rừng tự nhiên, tiến tới sử dụng gỗ rừng trồng thay thế gỗ tự nhiên theo cam kết quốc tế.
Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, những thành tựu của ngành gỗ trong 10 năm qua đã đạt được thành tựu lớn. Năm 2008, cả nước có khoảng 2.500 doanh nghiệp, thì đến nay đã có khoảng 4.500 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng từ 2,3 tỷ USD năm 2007 lên hơn 8 tỷ USD vào năm 2017, đưa ngành chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới, đứng thứ 2 châu Á và lớn nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ.
Như vậy, về tổng quát, bằng nhiều cơ chế, chính sách mới và sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo vệ, phát triển rừng, diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng lên, hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Người dân sẽ “sống” được bằng nghề rừng.