Với chủ đề “Địa kỹ thuật và Địa chất công trình trong ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng”, trong 2 ngày 21-22/9, tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) Hội Địa chất Công trình và Môi trường Việt Nam, Trường Đại học Mỏ-Địa chất phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ Quảng Bình đã tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế Vietgeo lần thứ IV năm 2018 .
Hội thảo Quốc tế VietGeo được tổ chức 2 năm một lần, với mục đích tạo ra diễn đàn và là cầu nối cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng nhau thảo luận về các xu thế và thách thức mới trong lĩnh vực Địa chất công trình – Địa kỹ thuật, môi trường ở Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới.
Trong thời gian 2 ngày từ ngày 21 – 22/9, Hội thảo tập trung thảo luận các nội dung như: Trượt sườn dốc – mái dốc và dự báo; Địa kỹ thuật bờ biển, bờ sông thích ứng với biến đổi khí hậu; Hồ móng sâu và thi công, xây dựng công trình ngầm; công nghệ, cải tạo nèn đất yếu phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng; Quan trắc địa kỹ thuật và vật liệu địa kỹ thuật. Bên cạnh đó cũng giới thiệu về các thiết bị kỹ thuật, những sáng chế mới trong kỹ thuật công trình…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã bày tỏ sự vui mừng khi Quảng Bình là địa điểm được lựa chọn để tổ chức Hội thảo VietGeo lần thứ 4 – một Hội thảo mang tầm Quốc tế và nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Thực tế trong nhiều năm qua, Việt Nam đã phải đương đầu với nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan, nhiều tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu với tần suất và cường độ ngày càng tăng. Quảng Bình cũng là một trong những địa phương chịu nhiều tổn thất về con người, tài sản và công trình hạ tầng do thiên tai gây ra. Chính vì vậy, Hội thảo lần này là cơ hội, là diễn đàn để các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi kinh nghiệm, công bố các kết quả nghiên cứu mới nhất về Địa chất công trình, Địa kỹ thuật trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những hiện tượng khí hậu cực đoan khác”.