Nguồn gỗ nguyên liệu từ trồng rừng của Việt Nam hoàn toàn có thể cung ứng được cho các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước, nếu 3 nhóm giải pháp: mở rộng diện tích rừng trồng; nâng cao năng suất rừng và chất lượng cây gỗ; và sử dụng nguyên liệu gỗ có hiệu quả – bền vững, được thực hiện đồng bộ.
70% nguồn nguyên liệu gỗ đang sử dụng từ nội địa
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) – ông Nguyễn Tôn Quyền- cho biết, tổng lượng gỗ quy tròn ngành công nghiệp chế biến gỗ sử dụng qua các năm đều tăng. Năm 2015 là trên 32 triệu m3, năm 2016 đã sử dụng trên 34 triệu m3 và năm 2017 đã sử dụng 38,4 triệu m3 gỗ quy tròn.
Về nguồn cung, hiện ngành gỗ sử dụng từ hai nguồn chính gồm gỗ nhập khẩu và gỗ nội địa. Cụ thể, trong giai đoạn 2015 – 2017, trung bình Việt Nam nhập khẩu trên 8.000.000 m3 gỗ quy tròn/năm từ các nước Mỹ, Canada, Châu Âu, Brazil, Nam Phi… Về gỗ trong nước, trong giai đoạn 2015 – 2017, tổng nguồn cung gỗ rừng trồng, gỗ cao su thanh lý, gỗ vườn rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp đạt 22.729.270 năm 2015 và 25.699.393 năm 2017.
Từ đó cho thấy, gỗ nhập khẩu để sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu chỉ chiếm dưới 30% (tương đương với hơn 8 triệu m3). Trong đó nguồn gỗ trong nước đã cung ứng cho chế biến gỗ xuất khẩu chiếm trên 70% (tương đương với trên 21 triệu m3). Điều này khẳng định, lượng cung gỗ trong nước đã và đang từng bước đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với khối lượng ngày càng lớn.
Đáng mừng hơn, các tổ chức, cá nhân cung ứng nguồn gỗ trong nước đã và đang tích cực đầu tư cho trồng rừng, hình thành các chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ khác nhau (chuỗi cung ứng gỗ rừng trồng; chuỗi cung ứng gõ cao su; chuỗi cung ứng gỗ vườn nhà, cây phân tán…).
Cần cơ chế để thúc đẩy phát triển nguồn nguyên liệu gỗ nội địa
Mặc dù vậy, theo phân tích của VIFORES, trừ gỗ cao su, gỗ vườn nhà, còn lại gỗ rừng trồng chủ yếu là gỗ có đường kính nhỏ, năng suất thấp và chất lượng không cao. Khối lượng gỗ lớn nhưng số lượng dùng để chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất thì rất nhỏ. Năm 2017, tổng sản lượng gỗ rừng trồng là 17 triệu m3 thì dăm mảnh xuất khẩu chiếm 11 triệu m3, gỗ bóc và các sản phẩm khác là 2,6 triệu m3; các loại ván công nghiệp là 1,7 triệu m3. Còn lại chỉ có hơn 2 triệu m3 cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu nội, ngoại thất. Các nút thắt này làm giảm giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm và kém cạnh tranh cho sử dụng gỗ rừng trồng trong nước.
Trong khi đó, đối với gỗ cao su thì sản lượng khai thác có hạn. Diện tích cây cao su đã định hình khoảng gần 1 triệu ha. Mỗi năm thanh lý trên dưới 15.000 ha, do đó lượng gỗ cao su cung cứng chỉ đáp ứng tối đa không quá 5 triệu m3/năm. Đối với gỗ keo do một số giống keo đang có nguy cơ giảm về năng suất và chất lượng. Vì vậy, rất cần thiết có kế hoạch đầu tư dài hạn, liên tục để nghiên cứu bổ sung thêm một số giống cây trồng nhằm cung cấp gỗ lớn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ có chất lượng.
Để có nguồn nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu ngày càng tăng của ngành chế biến gỗ, VIFORES đã đề xuất 3 nhóm giải pháp cơ bản gồm: Mở rộng diện tích rừng trồng; Nâng cao năng suất rừng và chất lượng cây gỗ; Sử dụng nguyên liệu gỗ có hiệu quả và bền vững.
Theo đó, về trồng rừng, VIFORES cho biết, qua khảo sát thực tế, hiện nay chỉ có thể mở rộng rừng từ diện tích rừng trồng trên đất đã giao cho người dân theo hình thức liên kết giữa doanh nghiệp chế biến gỗ với chủ rừng là hộ gia đình và hợp tác xã trồng rừng. Thực tế có nhiều mô hình liên kết như vậy đã và đang vận hành có hiệu quả (Scansia Pacific, Nafoco, Woodlands…). Chính quyền ở nhiều tỉnh như Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thanh Hóa… đã quan tâm và thực sự vào cuộc quản lý và hỗ trợ các mô hình liên kết này. Hộ gia đình và người dân đã bước đầu thay đổi nhận thức và ý thức về trồng rừng, tham gia vào mô hình liên kết có lợi hơn làm cá nhân nhỏ lẻ.
Tuy nhiên mô hình này, rất cần có các cơ chế, chính sách cụ thể để thực liên kết này có hiệu quả và bền vững. Cụ thể, về mặt pháp lý, dân cần được cấp sổ đỏ hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc xây dựng suất đầu tư trồng rừng này không phải để xin tiền ngân sách mà là căn cứ quan trọng để vay ngân hàng. UBND các tỉnh cần có bảng thống kê các loại đất; có bao nhiều loại hình đất, diện tích đất là bao nhiêu, loại hình đất đó để làm gì? Trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể và kêu gọi thu hút đầu tư… Bởi thực tế đã chỉ ra rằng chỉ có các nhà đầu tư có vốn, có thị trường, có công nghệ thiết bị… đầu tư trồng rừng mới có hiệu quả và phát triển bền vững.
Đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Theo VIFORES, để đảm bảo số lượng và chất lượng gỗ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ cần thiết phải nghiên cứu về giống và biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng nhằm tăng năng suất và chất lượng rừng trồng đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ chế biến gỗ và thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài cây keo và cây cao su, mỡ, bồ đề đang cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến, cần nghiên cứu bổ sung thêm một số loại cây mới đáp ứng nhu cầu của thị trường như cây xoan đào, keo hoa vàng, cây teak (giá tỵ)…
Cuối cùng là sử dụng nguyên liệu gỗ có hiệu quả và bền vững. Về đề xuất này, VIFORES cho rằng, đổi mới công nghệ cũ, lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng cần được chú trọng. Đặc biệt là cần tiến hành xây dựng các trung tâm giao dịch gỗ tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Hiện nay đã có Trung tâm giao dịch gỗ của Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu – TAVICO ở Biên Hòa, Đồng Nai. Trung Tâm này được doanh nghiệp đầu tư hàng 1.000 tỷ đồng, hoạt động rất có hiệu quả và đang có kế hoạch mở rộng quy mô lên 40 ha ở Đồng Nai.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Tôn Quyền, trung tâm giao dịch gỗ này không chỉ là đầu mối giao dịch buôn bán; là nơi cung cấp các loại gỗ cho các cơ sở chế biến gỗ; là nơi sơ chế các loại gỗ có các quy cách khác nhau theo nhu cầu của khách hàng… mà còn xây dựng các cụm xẻ sơ chế tập trung vào các Trung tâm giao dịch gỗ, Nhà nước chỉ cần cho cơ chế, doanh nghiệp sẽ đầu tư.