Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) vừa gửi Tổng cục Lâm nghiệp và một số cơ quan liên quan Bản đề xuất và kiến nghị đối với Dự thảo phiên bản ngày 22/8/2018 của Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Đánh giá cao những nỗ lực của Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định trong việc xây dựng dự thảo Nghị định nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập của các văn bản pháp luật liên quan, đồng thời hướng đến việc đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ với những quy định của Công ước CITES, tuy nhiên, vẫn còn 07 vấn đề cần được làm rõ và sửa đổi gồm: 1/ phạm vi điều chỉnh của Dự thảo; 2/Thuật ngữ; 3/Xung đột giữa các quy định pháp luật liên quan đến phân loại các loài trong Phụ lục và Danh mục; 4/Việc nhân nuôi và buôn bán thương mại các loài thuộc danh mục các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và thuộc nhóm I và Phụ lục I CITES; 5/Sự chồng chéo về thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường; 6/ Xử lý mẫu vật là động thực vật, động vật rừng nguy cấp bị tịch thu; và 7/ Vấn đề về nuôi động vật rừng thông thường theo Điều 11 Dự thảo Nghị định.
Về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị định, theo PanNature, Dự thảo chưa có sự thống nhất giữa các điều khoản trong Dự thảo, giữa phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và hiệu lực thi hành. Cụ thể: Theo Điều 1, Phạm vi điều chỉnh chỉ quy định phạm vi hướng dẫn về việc “nuôi động vật rừng thông thường” nhưng Điều 41 về Hiệu lực thi hành lại bãi bỏ hiệu lực của toàn bộ Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT ngày 25/9/2012 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường từ ngày Nghị định này có hiệu lực pháp luật.
Trong khi đó, toàn bộ các nội dung về quản lý, khai thác các loài động vật rừng thông thường không được đề cập trong Dự thảo Nghị định. Điều này sẽ tạo khoảng trống lớn trong hệ thống pháp luật về quản lý các loài động vật rừng thông thường.
Quy định về việc “Đảm bảo nguồn gốc động vật rừng thông thường nuôi hợp pháp theo quy định của Pháp luật” nêu tại Điều 11 của Dự thảo cũng không có căn cứ pháp luật để thực hiện khi căn cứ đã bị chính Dự thảo Nghị định bãi bỏ.
Về thuật ngữ, mặc dù một số thuật ngữ được tham khảo theo các Nghị quyết và Bảng chú giải [1] của Công ước CITES nhưng vẫn còn một số định nghĩa tồn tại nhiều khác biệt tiềm ẩn khó khăn cho việc áp dụng pháp luật sau này.
Cụ thể: Theo Công ước CITES, việc buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp áp dụng đối với các “mẫu vật”, “bộ phận” và “dẫn xuất” của các loài thuộc Phụ lục I, II và III của Công ước CITES. Thuật ngữ “mẫu vật” đã bao gồm toàn bộ các cá thể (dù còn sống hay đã chết), bộ phận như dịch, máu, dịch mật, huyết thanh, huyết tương, các sản phẩm có sử dụng thành phần từ động, thực vật hoang dã nguy cấp như thuốc, nước hoa, dây đeo đồng hồ… Việc đưa ra định nghĩa thống nhất giữa pháp luật Việt Nam và Công ước CITES không chỉ giúp đồng bộ hóa pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế mà còn giúp hệ thống pháp luật Việt Nam đơn giản và dễ hiểu hơn cho tổ chức, cá nhân thực hiện. Ngoài ra, một số thuật ngữ như nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản theo Dự thảo cũng dễ gây hiểu nhầm về hoạt động nuôi sinh sản không bao hàm sinh trưởng hay ngược lại.
Về xung đột giữa các quy định pháp luật liên quan đến phân loại các loài trong Phụ lục và Danh mục, bản Đề xuất đã chỉ ra năm điểm còn xung đột:
Thứ nhất, Dự thảo Nghị định xây dựng Danh mục các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm có phân bố tự nhiên tại Việt Nam theo phân loại các Phụ lục của Công ước CITES, tương ứng các loài Phụ lục I phân bố tại Việt Nam thuộc Nhóm I và Phụ lục II phân bố tại Việt Nam thuộc Nhóm II. Tuy nhiên, danh mục này chỉ áp dụng đối với các loài động, thực vật rừng trong khi các loài thủy sinh sống ở biển được nêu tại Phụ lục CITES lại không được đề cập dù vẫn có vùng phân bố tự nhiên tại Việt Nam.
Thứ hai, theo khoản 3 Điều 41 Dự thảo Nghị định về hiệu lực thi hành có đưa ra ưu tiên áp dụng trong trường hợp có sự khác biệt về phân loại các loài theo các Danh mục. Theo đó, đối với những loài đồng thời thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP và thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Dự thảo Nghị định này thì ưu tiên bảo vệ theo Nghị định này. Như vậy, các loài thuộc cùng mức độ được bảo vệ theo Công ước CITES nhưng lại chịu sự quản lý và bảo vệ khác nhau theo pháp luật Việt Nam.
Thứ ba, do Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Dự thảo được ưu tiên áp dụng nên một số loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ sẽ bị “hạ cấp” bảo vệ.
Thứ tư, mặc dù Dự thảo Nghị định sẽ chấm dứt hiệu lực của Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT ngày 25/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường nhưng Phụ biểu kèm Danh mục của Dự thảo Nghị định không có Danh mục các loài thông thường như trong Thông tư 47.
Thứ năm, Dự thảo Nghị định chưa đề cập đến hoạt động quản lý các loài thuộc Phụ lục Công ước CITES không có vùng phân bố tự nhiên ở Việt Nam nhưng được nhập khẩu, nhập nội hợp pháp hoặc bất hợp pháp và hiện đang tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam ở các vườn thú, safari, trang trại… Các loài này do không có phân bố tự nhiên ở Việt Nam nên hệ thống pháp luật Việt Nam hiện không có quy định quản lý điều chỉnh.
Liên quan đến vấn đề nhân nuôi và buôn bán thương mại các loài thuộc danh mục các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và thuộc nhóm I và Phụ lục I CITES, PanNature cho rằng việc thúc đẩy thương mại hóa các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp thuộc nhóm I và Phụ lục I Công ước CITES trong khi các quy định về quản lý, giám sát và truy xuất nguồn gốc chưa rõ ràng về tính hiệu quả sẽ gây tác động bất lợi cho công tác bảo tồn các loài này trong tự nhiên, ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn và thực thi các cam kết của Công ước CITES. Từ đó, PanNature đề nghị Ban Soạn thảo và Tổ biên tập cân nhắc các nội dung liên quan đến thương mại hóa các loài nguy cấp, quý, hiếm của Dự thảo, duy trì việc đăng ký và thông báo với Ban Thư ký của Công ước CITES.
Về sự chồng chéo về thẩm quyền của Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT, PanNature nhận định việc phân công, thực hiện nhiệm vụ bảo tồn động vật, thực vật hoang dã còn trùng lắp giữa các bộ, ngành, cụ thể là Bộ N&PTNT và Bộ TN&MT dẫn đến tình trạng nguồn lực thực thi pháp luật bị phân tán, không tập trung và không đạt được kết quả cao nhất khi cùng thực hiện các cam kết quốc tế. Ngay chính trong Tổng cục Lâm nghiệp, việc phân công cơ quan quản lý các trại nuôi động vật hoang dã cũng không rõ ràng và thống nhất
Liên quan đến việc xử lý mẫu vật là động thực vật, động vật rừng nguy cấp bị tịch thu,PanNature cho rằng việc Dự thảo yêu cầu chuyển giao mẫu vật cho cơ quan Kiểm lâm là không phù hợp trong nhiều trường hợp. Do đó, đối với các cá thể sống khi bị tịch thu, cần ưu tiên chuyển giao cho các cơ sở cứu hộ, bảo tồn loài gần nhất song song với việc thông báo cho cơ quan kiểm lâm nhằm đảm bảo cơ hội sống tốt nhất cho các loài hoang dã nguy cấp.
Ngoài ra, theo PanNature, việc đem bán các mẫu vật của các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm bị tịch thu sẽ là việc hợp pháp hóa tang vật vi phạm trở lại lưu thông trên thị trường trong khi chưa có biện pháp quản lý một cách khoa học và đáng tin cậy nhằm xác định nguồn gốc mẫu vật từ tự nhiên với mẫu vật có nguồn gốc từ bán đấu giá tang vật. Điều này gây khó khăn trong việc thực thi pháp luật cũng như làm cho hoạt động “rửa” động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm thông qua cơ chế bán tài sản tịch thu sẽ tiếp tục phức tạp hơn.
Đối với vấn đề về nuôi động vật rừng thông thường, theo Điều 11 Dự thảo Nghị định thì việc khai thác các loài động vật rừng thông thường làm giống phải theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay điều kiện khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường được quy định tại Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT ngày 25/9/2012 – văn bản sẽ hết hiệu lực khi Dự thảo Nghị định được ban hành. Vậy các điều kiện về việc khai thác con giống, điều kiện cho gây nuôi không còn dẫn đến việc thiếu vắng các hướng dẫn pháp luật trong việc gây nuôi và phát triển các loài này không làm ảnh hưởng đến sự bền vững tự nhiên của chúng.