Chiều 19/9, Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có buổi giám sát công tác triển khai thực hiện chính sách pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Cà Mau.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục được chú trọng thường xuyên, sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, doanh nghiệp và nhân dân trong công tác quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hàng năm, tỉnh Cà Mau xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng như: các dự án nâng cấp đê biển, trồng rừng phòng hộ, xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão, các khu tái định cư, xây dựng kè chống sạt lở…
Mỗi năm, tỉnh bố trí hơn 1% tổng chi ngân sách địa phương hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường. Từ năm 2012 – 2017, tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường khoảng 350 tỷ đồng và đã giải ngân 285 tỷ đồng, đạt trên 81%.
Tỉnh Cà Mau đang sở hữu một số khoáng sản nằm trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt, cấm khai thác như: Than bùn, cát san lấp, sét gạch ngói…Tỉnh mới tổ chức quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, nhưng chưa cấp phép khai thác khoáng sản cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Việc thẩm định, cấp phép thủ tục môi trường được các cấp, ngành, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Địa bàn tỉnh hiện có một khu kinh tế, hai khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp với các loại hình sản xuất, kinh doanh đang hoạt động chủ yếu là chế biến thủy sản, sản xuất bột cá, sản xuất chitin, nhiệt điện, phân bón hóa học, khí hóa lỏng…
Tình trạng ô nhiễm do khí thải công nghiệp phát sinh chủ yếu từ loại hình chế biến chitin, sử dụng nguyên liệu đầu vỏ tôm và chế biến bột cá. Chất thải y tế trên địa bàn tỉnh đều được các bệnh viện, trung tâm y tế thu gom và xử lý. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý khoảng 87%; ở nông thôn được thu gom, xử lý khoảng 20%.
Tuy nhiên, Cà Mau cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nguồn ngân sách chưa đảm bảo đầu tư thỏa đáng cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là đầu tư xây dựng công trình kè cơ bản chống sạt lở đất ven sông, ven biển. Một bộ phận nhân dân xây cất nhà lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, làm mất an toàn tuyến đê biển, chặt phá cây rừng để sử dụng…
Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh đã phát hiện 24 trường hợp khai thác trái phép đất mặt và đất bùn dưới lòng sông. Các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm và phục hồi môi trường. Từ năm 2012 – 2017, tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 810 trường hợp, qua đó xử lý hành chính 585 trường hợp, với số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, bà Bùi Thị Thanh Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp giám sát, Trưởng đoàn Giám sát cho rằng, trong tình hình ngân sách còn nhiều khó khăn, tỉnh đã có sự cố gắng, nỗ lực rất lớn trong thực hiện công tác triển khai, thực hiện chính sách pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Cà Mau còn quan tâm bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách địa phương hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lưu ý, thời gian tới, tỉnh Cà Mau cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thực hiện chính sách pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường hiệu quả, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tỉnh cần phát huy vai trò giám sát của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đối với công tác khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về bảo vệ môi trường.
Đoàn công tác ghi nhận một số ý kiến của UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là đầu tư nguồn kinh phí cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bổ sung hoàn thiện một số quy định về quản lý đặc thù đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.
Tỉnh đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép được áp dụng cơ chế ngân sách Trung ương cấp phát toàn bộ số vốn ODA đầu tư cho các dự án xây dựng đê biển, xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu; huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè, tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển, kết hợp với đầu tư khai thác du lịch sinh thái, điện gió, điện năng lượng mặt trời.