Liên quan đến những vụ án của ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), chiều 18.9, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã thực hiện lệnh khởi tố bị can đối với 4 cán bộ, nguyên là công chức TP.Đà Nẵng cùng 4 cán bộ khác nguyên lãnh đạo, công chức tại TP.HCM.
19 cán bộ, công chức đã bị khởi tố
Tại TP.HCM, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã thực hiện quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại TP.HCM, thực hiện quyết định tố tụng đối với 4 cán bộ liên quan. Như vậy, đến thời điểm này, ít nhất 19 cán bộ, công chức đã bị khởi tố vì liên quan đến Vũ “nhôm”.
Tại Đà Nẵng, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã công bố lệnh khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các bị can về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm ông Đào Tấn Bằng, sinh năm 1975, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, nay là Bí thư Đảng ủy khối các Khu công nghiệp TP Đà Nẵng; Ông Nguyễn Viết Vĩnh, sinh năm 1978, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND TP Đà Nẵng, nay là Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa.
Chiều tối 18.9 Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở của ông Bằng và ông Vĩnh tại Đà Nẵng.
Thời điểm này, 2 cán bộ khác gồm nguyên Chánh và Phó Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng Nguyễn Văn Cán và Phan Xuân Ít cũng bị khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tham mưu, mua bán, chuyển nhượng, thẩm định giá… trái luật
Cả 4 cán bộ nguyên là công chức tại Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng qua các thời kỳ của cựu Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh, Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến. Và các bị can lâm vào vòng tố tụng hôm nay được cho là có liên quan đến việc tham mưu, mua bán, chuyển nhượng, thẩm định giá… trái luật, gây thất thoát tài sản nhà nước đối với hàng loạt nhà công sản và các dự án liên quan đến Vũ “nhôm” mà Bộ Công an đang điều tra.
Trong đó, ông Đào Tấn Bằng được cho là có nhiều “dấu vết” tham mưu trái luật liên quan đến đất, nhà công sản và dự án giao cho Vũ “nhôm”.
Ngoài ra, tại bán đảo Sơn Trà, lô biệt thự tai tiếng có ký hiệu L09 với diện tích 300m2 nằm trong 41 lô đất biệt thự khu vực Suối Đá, quận Sơn Trà được Chủ tịch UBND thành phố đồng ý chuyển quyền sử dụng đất cho bà Lê Thị Ngọc Oanh – chị dâu của ông Đào Tấn Bằng (bà Oanh là vợ ông Đào Tấn Cường, người đã bị khởi tố về tội nhắn tin đe dọa Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng).
Đáng nói, quá trình sử dụng khu đất trên, bà Oanh đã mở rộng diện tích sử dụng sang phần diện tích đất rừng thuộc khu vực bán đảo Sơn Trà từ 300m2 lên đến 8.500m2 rồi lên đến 12.413m2. Trong đó, ngoài 300m2 đất ở dưới hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất còn có 8.200m2 đất thuê trả tiền hàng năm dùng để trồng cây, hồ nước, đường giao thông, phụ trợ và 3.913m2 đất giao không thu tiền sử dụng đất để phát triển hệ sinh thái rừng.
Dù lô đất này sau khi hoàn tất việc chiếm đất rừng, xây biệt thự, bà Oanh đã chuyển nhượng cho người khác, song “dấu vết” sự tham mưu của ông Bằng còn để lại rất rõ những sai phạm. Thời điểm đó, ông Bằng là Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị và sau đó là Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố phụ trách lĩnh vực đô thị.
Đây cũng chính là một trong những vấn đề gây mất ổn định xã hội, dư luận xã hội và báo chí liên tục thông tin trong thời gian qua liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất và quy hoạch bán đảo Sơn Trà.
Tại dự án khu du lịch sinh thái biển kết hợp nuôi trồng thủy sản của Công ty Cổ phần Đầu tư Mũi Nghê, tháng 10.2007, ngay sau khi thành lập 1 ngày, Cty có văn bản đề nghị được cấp 90 ha đất thuộc Khu Du lịch Bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang (trong đó có 30ha tại khu vực Mũi Nghê và 60 ha đối diện Bãi Nam) để làm khu du lịch sinh thái biển kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Dù hồ sơ hoàn toàn không có dự án đầu tư, không có ý kiến tham mưu của các sở, ngành liên quan như sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, và Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, nhưng ngay trong ngày tiếp nhận văn bản của Công ty Mũi Nghê, Phòng Quản lý đô thị đã lập phiếu trình Chủ tịch UBND thành phố xin báo cáo Thường trực Ủy ban và đến ngày 31.10.2007, Công ty được UBND thành phố đồng ý chủ trương cho chọn địa điểm đầu tư.
Sai phạm lộ rõ của ông Bằng là tham mưu cho TP giao đất trực tiếp mà không qua đấu thầu dự án và đấu giá quyền sử dụng đất; tham mưu trực tiếp để giao đất cho nhà đầu tư không thông qua các sở, ngành; tham mưu chuyển mục đích sử dụng đất rừng vượt thẩm quyền của UBND thành phố.
Tương tự, tại dự án 209 Trường Chinh và sân vận động Chi Lăng của Tập đoàn Thiên Thanh (trong vụ án Phạm Công Danh), ông Bằng, với tư cách Phó Chánh Văn phòng, đã duyệt phiếu trình của Phòng Quản lý Đô thị trình Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. Việc tham mưu đề xuất nêu trên đã vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 67 Luật Đất đai 2003, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Năm 2011, ông Đào Tấn Bằng cùng các cán bộ của Phòng Quản lý Đô thị – Văn phòng UBND thành phố là Trưởng phòng Phan Xuân Ít, chuyên viên Nguyễn Viết Vĩnh đã lập phiếu trình “Gấp” và dự thảo văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo yêu cầu của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, việc tham mưu nêu trên hoàn toàn không có sự tham gia của các sở, ngành chức năng.
Tháng 7.2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đã xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Phan Xuân Ít trong thời gian giữ chức vụ Trưởng phòng Quản lý đô thị, đã tham mưu lãnh đạo UBND TP ban hành các văn bản không đúng với quy định pháp luật về đất đai và kỷ luật cảnh cáo đối với ông Phan Xuân Ít.