Rừng tự nhiên có vai trò, vị trí, giá trị rất quan trọng, có nhiều tiềm năng, cơ hội để đóng góp cho phát triển kinh tế quốc gia và cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, cải thiện sinh kế cho cộng đồng và người dân sống dựa vào rừng. Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng tự nhiên là trách nhiệm của thế hệ hiện tại đối với thế hệ tương lai…
Nguồn thu lớn từ rừng tự nhiên
Được biết, năm 2017 cả nước có 10,2 triệu ha rừng tự nhiên, trong đó có 2 triệu ha diện tích rừng đặc dụng, 3,9 triệu ha rừng phòng hộ, 3,9 triệu ha rừng sản xuất. Ngoài ra, sau kiểm kê rừng còn có 400 nghìn ha rừng tự nhiên ngoài quy hoạch.
Rừng tự nhiên ở nước ta hiện nay đang mang lại nguồn thu đáng kể bởi những chính sách đúng đắn, hiệu quả như Dịch vụ môi trường rừng, hiện trên cả nước có khoảng 6 triệu ha rừng có cung ứng DVMTR, năm 2018 dự kiến thu từ DVMTR là 1.800 tỷ đồng.
Hướng đi nào cho ngành Lâm nghiệp nước ta: (Kỳ 1) – Cải thiện sinh kế người dân nhờ rừng
Hướng đi nào cho ngành Lâm nghiệp nước ta: (Kỳ 2) – Kỳ vọng ở Luật lâm nghiệp
Hướng đi nào cho ngành Lâm nghiệp nước ta: (Kỳ 3) – Những chính sách đi vào lòng dân
Nhờ có tiền chi trả DVMTR mà hàng trăm hộ dân ở thôn Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai được hưởng lợi từ việc bảo vệ rừng, “ý thức của người dân được nâng lên, bảo vệ rừng tốt hơn, số vụ phá rừng gần như không xảy ra ở thôn này trong ba năm trở lại đây” – ông Vàng A Sáu, thành viên tổ Bảo vệ rừng thôn Cát Cát cho biết.
Ông Khương Quang Hạnh, Trưởng trạm Kiểm lâm Núi Xẻ, xã San Sả Hồ cho rằng: “Trước khi có tiền DVMTR các thôn bản vẫn thành lập các tổ bảo vệ rừng nhưng ít thành viên, chỉ 2 -3 người, khi có tiền dịch vụ tổ bảo vệ đã tăng lên từ 40 – 60 người”. “Có tiền thì công tác tuyên truyền người dân nghe được thường xuyên, nên ý thức, suy nghĩ, hành động của người dân có sự thay đổi” – ông Nguyễn Viết Huấn, Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Hoàng Liên vui mừng nói.
Ông Nguyễn Thanh Lĩnh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai cho biết: “Tổng diện tích rừng toàn tỉnh là: 353.043 ha. Trong đó, diện tích rừng cung ứng cho các nhà máy thủy điện; cung ứng nước sạch; kinh doanh du lịch; sản xuất công nghiệp; nuôi cá nước lạnh là: 215.456,73 ha, chiếm 61% diện tích rừng toàn tỉnh. Số tiền DVMTR thu từ năm 2012- 6 tháng 2018 đạt 268,7 tỷ đồng.
Năm 2017 chi 51,6 tỷ đồng cho 17.087 chủ rừng (Tổ chức: 19 đơn vị; Hộ gia đình, cá nhân: 16. 956 hộ, UBND xã: 112 xã). Thu nhập thực tế bình quân của các hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán bảo vệ rừng đã có những cải thiện cao, có những hộ thu nhập tiền DVMTR đạt 10 triệu – 15 triệu đồng/hộ/năm. Cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng, tiền DVMTR đã góp phần tạo công ăn, việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, giúp người dân gắn bó với rừng”.
Theo thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp: Không chỉ có nguồn thu từ DVMTR, những năm gần đây du lịch sinh thái gắn với rừng cũng được đông đảo khách du lịch quan tâm. Hiện trên cả nước 61/176 khu rừng đặc dụng có tổ chức du lịch sinh thái, năm 2017 có 1,6 triệu lượt khách thu khoảng 136 tỷ đồng. Ngoài ra còn nguồn thu lớn từ khai thác lâm sản ngoài gỗ trong rừng tự nhiên với tổng giá trị ước đạt 1 tỷ USD năm 2017, trong đó khoảng 330 triệu USD từ xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ.
Trao đổi với phóng viên, Lãnh đạo tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Dù đem lại nguồn thu lớn nhưng vấn đề đặt ra đối với việc tạo thu nhập từ rừng tự nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi cần được trả lời trong tương lai như: Lợi ích và tổn thất do mất rừng là bao nhiêu và chúng được phân bổ như thế nào? Khâu giám sát tài sản và giá trị môi trường rừng cũng như cân bằng giữa lợi ích và chi phí của việc duy trì rừng được đảm bảo thông qua những chính sách. Lựa chọn giá trị dịch vụ môi trường rừng hay giá trị lâm sản?…
Chính sách cho phát triển kinh tế bền vững dựa vào rừng tự nhiên
Khuyến nghị chính sách cho phát triển kinh tế bền vững từ rừng tự nhiên sau khi phân tích cho thấy phương án cho lựa chọn được ưu tiên hơn là lâm nghiệp môi trường bởi lợi ích của việc bảo vệ rừng tự nhiên mang lại đó là nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Để làm tốt được những việc này cần hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Hai là phát triển thị trường và quan hệ đối tác trong các mô hình kinh tế dựa vào rừng tự nhiên. Tạo ra những cơ chế, diễn đàn trao đổi giữa khu vực công tư giữa nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và những công ty, hợp tác xã Lâm nghiệp để tạo ra chuỗi cung cầu lâm sản ngoài gỗ. Không chỉ vậy mà hệ thống dự báo, khai thác, chia sẻ thông tin thị trường cần được công khai, minh bạch.
Chính sách hỗ trợ và huy động nguồn lực tài chính như chính sách giao rừng. Hiện nay ở nước ta có rất nhiều khu rừng được đồng bào dân tộc bảo vệ một cách nghiêm ngặt, cấm mọi ình thức xâm hại đến. Đó là những khu rừng thiêng, rừng quản lý và bảo vệ theo hương ước, lệ làng, luật tục…gắn với thúc đẩy thiết chế cộng đồng. Khoán bảo vệ rừng tự nhiên hiện nay có khoảng 11,5% số hộ gia đình dân tộc thiểu số được giao. Tiến tới thí điểm các mô hình trồng rừng thay thế bằng phục hồi rừng tự nhiên để thay thế…
Khuyến khích thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng và hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn, tăng cường trữ lượng các bon rừng và quản lý bền vữn tài nguyên rừng gắn với chính sách về điều tra theo dõi diễn biến rừng. Xem xét, xây dựng các cơ chế thế chấp, đảm bảo phù hợp với mô hình quản lý đất rừng tự nhiên hiện có để giúp nông dân và cộng đồng tiếp cận vốn vay. Thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài phát triển kinh tế dựa vào rừng tự nhiên đối với một số mô hình kinh doanh phù hợp.
Cuối cùng, các sáng kiến địa phương và trung ương về các qui trình, tiêu chuẩn đã được thử nghiệm thành công để xây dựng các tiêu chuẩn chính thức, tiến tới thể chế hóa các quy trình, tiêu chuẩn. Với các sản phẩm từ rừng tự nhiên và gắn với văn hóa địa phương cần có các tiêu chuẩn tích hợp và hệ thống giám sát truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với loại hàng hóa này để tăng tính cạnh tranh về sự khác biệt có yếu tố “tự nhiên – cảnh quan” và “văn hóa bản địa” và phát triển bền vững, không gây mất rừng. Đồng thời thúc đẩy thực thi nghiêm túc Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và các qui định có liên quan, kể cả các dự án sử dụng đất và các sản phẩm cạnh tranh ngoài rừng tự nhiên theo Quyết định 2242/TTg năm 2014.
Theo Quyết định 2242/TTg ngày 11/12/2014 về Tăng cường quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 – 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên, với mục tiêu Quản lý chặt chẽ việc khai thác gỗ rừng tự nhiên, hạn chế tình trạng khai thác gỗ trái pháp luật, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, góp phần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường… Nhằm nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, sau năm 2020 sẽ tạo được những khu rừng sản xuất có chất lượng tốt đủ điều kiện khai thác bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu gỗ rừng tự nhiên cho tiêu dùng trong nước và từng bước thay thế gỗ nhập khẩu.
Rừng tự nhiên có vai trò, vị trí, giá trị rất quan trọng, có nhiều tiềm năng, cơ hội để đóng góp cho phát triển kinh tế quốc gia và cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, cải thiện sinh kế cho cộng đồng và người dân sống dựa vào rừng. Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng tự nhiên là trách nhiệm của thế hệ hiện tại đối với thế hệ tương lai. Phát triển lâm nghiệp môi trường và lâm nghiệp bảo tồn có khai thác là những hướng đi có triển vọng cho việc tạo thu nhập kinh tế bền vững từ rừng tự nhiên. Những chính sách được đề xuất nếu như đã nêu là rất cần thiết và có ý nghĩa.