Nếu dự án nhận được nhiều ý kiến của chuyên gia đầu ngành phản đối, chỉ ra quá nhiều điểm chết thì cần phải xem xét lại.
Liên quan đến những thông tin trái chiều xoay quanh dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé (Kiên Giang) trao đổi với Đất Việt, ĐBQH Phạm Văn Hòa – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, với các dự án lớn khi nhận được ý kiến phản hồi nhiều từ chuyên gia, các nhà khoa học cần phải dừng lại, đánh giá, xem xét, nhìn nhận về tính hiệu quả của nó.
Ông Hòa nói: “Hệ thống nước sinh hoạt, nước ngọt rất quan trọng với ĐBSCL từ nông thôn đến thành thị, nhất là khi tình hình biến đổi khí hậu rất khôn lường, như năm nay, không ai ngờ ĐBSCL có lũ, nhưng lại có lũ cao, rồi xâm nhập mặn ngày càng nhiều, dẫn tới thiếu nước dùng, nước tưới tiêu.
Cho nên, dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé của Kiên Giang nếu về mục đích thì sẽ được cho rằng là rất cần thiết phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt.
Tuy nhiên, các dự án thủy lợi hiện nay cần được xem xét thật kỹ lưỡng, chu đáo, nghe ý kiến từ nhiều ngành, nhiều địa phương, cũng như các chuyên gia đầu ngành, am hiểu biến đổi khí hậu, am hiểu thủy lợi, đóng góp ý kiến cho dự án.
Nhất là với dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé tiền đầu tư không phải là nhỏ cho nên cần phải tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia, để có quyết định thuận lợi, hiệu quả nhất, chứ không thể chủ quan. Có thể dự án trên không ảnh hưởng tới Kiên Giang nhưng lại ảnh hưởng đến khu vực ĐBSCL, các tỉnh xung quanh, thậm chí nước bạn Campuchia.
Nếu tác động có lợi nhiều hơn có hại thì triển khai, nhưng nhiều chuyên gia đầu ngành hiện nay đang phản đối chỉ ra quá nhiều điểm chết thì cần phải xem xét lại. Có thể đề xuất Chính phủ dừng lại việc triển khai thực hiện, vì người chịu hệ quả là nhân dân chứ không phải ai khác”.
Bên cạnh đó, cũng theo vị ĐBQH trên, phải xem xét thật kỹ lưỡng, chu đáo, vì thực tế, các tỉnh ĐBSCL làm thủy lợi nhiều, nạo vét kênh mương nhiều, không biết vì sao Kiên Giang lại triển khai.
Cách đây 2 năm dự án làm kè lấn sông Đồng Nai, các tỉnh cho rằng hiệu quả khả thi, nhưng các chuyên gia đầu ngành phân tích thì thấy hiệu quả thì ít, nguy hại thì nhiều. Và khi có quá nhiều ý kiến phản đối thì Chính phủ phải xem xét lại, tham khảo nhiều hơn.
Ở đây còn liên quan đến trách nhiệm, vai trò của Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, cho nên 2 Bộ ngành cần vào cuộc, phát biểu, cho ý kiến nên hay không nên thực hiện dự án trên và vì sao, đưa ra phân tích, lý lẽ cụ thể.
Phải đánh giá tác động toàn diện của các dự án có liên quan, cái được là gì, cái không được là gì. Hiện nay, chưa thấy 2 Bộ trên đưa ra ý kiến của mình một cách cụ thể, công khai.
Ba điểm mấu chốt
Ở góc độ khác, ông Hòa đặt ra nhiều nghi vấn, thứ nhất, vì sao các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi của dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lại không công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN-PTNT, mặc dù đã có nhiều đề nghị để những ai quan tâm đến dự án quan trọng này có thể góp ý kiến.
Nhất là khi phải có sự tham mưu thật khách quan, trung thực của Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT để đánh giá tác động môi trường. Ở đây không chỉ công khai cho cơ quan quản lý, cho chuyên gia, nhà khoa học mà còn phải cho người dân biết.
Trong khi, tất cả các dự án đều phải cho người dân biết, cứ giữ kín là không thể chấp nhận, làm sai quy định. Có khuất tất hay uẩn khúc gì bên trong hay không?.
Thứ hai, tính hiệu quả của dự án cụ thể thế nào hay kết quả chưa đủ sức thuyết phục, nên đã chọn giải pháp thẩm định ĐTM mà không cần được phản biện?. Một dự án mức đầu tư gần 10000 tỷ đồng là không hề nhỏ, thậm chí phải xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Con số nghìn tỷ đồng đã là con số không hề nhỏ, nhưng với dự án đang nhận được nhiều phản hồi thì chắc chắn Chính phủ sẽ rất thận trọng, rất chia sẻ, lắng nghe ý kiến chuyên gia đầu ngành.
Thứ ba, tất cả các dự án mới phải tuân thủ nghiêm túc Luật Đầu tư công và Nghị quyết 120 “Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Mọi dự án công trình phải được tính toán thật kỹ, được phản biện khách quan, khoa học bảo đảm không hối tiếc đầu tư. Trước khi chọn một giải pháp công trình, phải tính toán cán cân nhắc cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường tác động ra sao.
“Với các dự án đang còn quá nhiều ý kiến trái chiều thì cần thẩn trọng lắng nghe, chứ không nên cố đấm ăn xôi, xem lại vì sao chuyên gia phản đối, một người là ý kiến cá nhân, nhưng nhiều người thì là vấn đề.
Trong kỳ họp lần tới vấn đề trên nếu được đưa ra xin ý kiến thì chắc chắn tôi sẽ đưa ra quan điểm của mình dưới góc độ kinh tế – xã hội, thậm chí các ĐBQH khác chắc chắn sẽ có ý kiến”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.