Vấn đề nạo vét ở biển không chỉ liên quan đến môi trường, đến nuôi trồng thủy sản, chất lượng nước mà còn cả an ninh quốc phòng.
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phép nhấn chìm ở biển khoảng 15,5 triệu m³ vật chất và giao khu vực biển cho Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Băn khoăn trước đề xuất trên của Quảng Ngãi, PGS.TS Nguyễn Tác An – nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, Phó Chủ tịch Hội khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam đặt ra rất nhiều câu hỏi.
Trong dự án trên phải có các phương án xử lý chất thải, giờ mới xin ý kiến như vậy là sao?. Cách đây 3 tuần, khi họp đưa ra đánh giá về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án cũng nhiều ý kiến khác nhau từ các nhà khoa học.
Có 2 vấn đề cần làm rõ: ĐTM của dự án trên hiện nay các bất cập nhà khoa học đưa ra đã giải quyết được chưa, nếu chưa thì cần xử lý sao. Rõ ràng dự án trên không có lợi, lợi bất cập hại, nên các nhà khoa học chưa đồng tình.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai dự án, họ không tính toán đến phương án xử lý chất thải, tức không chuẩn bị đầy đủ.
“Vấn đề nạo vét ở biển là cả một vấn đề lớn. Việc này không chỉ liên quan đến môi trường, đến nuôi trồng thủy sản, chất lượng nước mà còn liên quan an ninh quốc phòng, nên cần xem xét rất kỹ, đằng sau việc nạo vét này là gì.
Đánh giá tác động môi trường phải có từng nhiệm vụ cụ thể, trong dự án phải làm ra sao? Cứ được đằng chân lân đằng đầu, xin được dự án rồi thì đưa nhà nước vào thế đã rồi, đâm phải lao vẫn theo lao là không đúng.
Chính việc này sẽ tạo ra thông lệ, đặt nhà nước vào những tình huống xấu, không có cách giải quyết. Bây giờ, Quảng Ngãi, chủ đầu tư dự án cần giải thích rõ như vậy ĐTM đã chứng minh được đó là dự án phát triển cho Dung Quất hay chưa?.
Cát biển hiện nay là một tài nguyên đang rất thiếu, vì sao không ai sử dụng, không đối tác nào mặn mà để xử lý cát nạo vét thì chắc chắn có uẩn khúc không rõ ràng ở đây.
Những vấn đề hiện nay chưa rõ ràng nên tôi tin chắc các lãnh đạo nhà nước chưa dám ra chỉ thị, đồng ý hay không đồng ý, vì đề xuất quá mập mờ, nhất là khi ĐTM dự án chưa được phê duyệt”, ông An nhấn mạnh.
Hậu quả ô nhiễm thì ai chịu?
Từ một khía cạnh khác, theo vị chuyên gia, Việt Nam hiện nay vấn đề quản lý, giám sát các dự án rất kém, nên chủ đầu tư dễ làm liều, thậm chí lơ đi vì lợi ích nào đó.
Với việc nhấn chìm từ bùn thải đến các hoá chất độc hại, việc xử lý chi phí rất cao. Nhiều người chấp nhận đánh liều, thử sức thiên nhiên, gây ra tổn hại khó lường cho hệ sinh thái dưới biển, cho cả vùng nước biển kéo dài cả vài tỉnh, thành phố.
Lúc nhận ra hậu quả thì không ai chịu trách nhiệm, cha chung không ai khóc, thiệt hại thì toàn xã hội chịu, an ninh quốc phòng bờ biển quốc gia bị đe dọa.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, đã có rất nhiều bài học về nhấn chìm bùn thải, như Formosa sả thải. Hàng loạt các dự án đang nhăm nhe xin được đổ chất thải xuống biển như Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO 3) thuộc Tập đoàn điện lực VN (EVN) đang xúc tiến xin giấy phép đổ xuống biển xã Vĩnh Tân – Bình Thuận 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau nạo vét (cách Hòn Cau khoảng 10 km); Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 cũng xin nhận chìm 2,5 triệu m3 đất, bùn thải nạo vét cảng than ra biển Hòn La (Quảng Bình)…
Quảng Ngãi nằm dọc biển miền Trung hệ thống động lực rất đặc biệt, tất cả đụng chạm đến biển khu vực này tác động lớn đến các khu vực khác.
“Trước mắt, theo tôi, dự án cần nêu rõ các nhiệm vụ của mình, muốn giải quyết nạo vét thì phải xem nhu cầu cần gì phải nạo vét.
Kiểm tra lại chất lượng từ công nghệ luyện thép, công nghệ xả thải, trong đó, giải quyết về nguồn nước, môi trường đã có các phương án ra sao.
Ngoài ra, phải thử trả lời câu hỏi, dự án có phải được đưa ra để cho sự phát triển của Việt Nam hay Quảng Ngãi không, hay bày dự án ra để lấy kinh phí”, ông An khẳng định.