Việt Nam thuộc 11 nước tăng trưởng vượt trội ở mức 5% trong 20 năm nhưng…
Không cần một thứ thuốc thần giúp nền kinh tế Việt Nam tạo nên những động lực tăng trưởng mới. Hãy bắt đầu bằng việc trả nền kinh tế về cho thị trường.
Sau chiếc áo đẹp
Sau kỳ tích tăng trưởng GDP đạt 7,38% trong quý I/2018, tăng trưởng tương ứng của quý II thấp hơn 0,59 điểm phần trăm. Đây là lần đầu tiên tăng trưởng quý sau thấp hơn quý trước sau nhiều năm. Điều khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang đối diện với xu hướng suy giảm?
Nghi ngại trên càng có cơ sở khi soi chiếu số liệu kinh tế 8 tháng đầu năm 2018. Dù đã được coi là động lực của nền kinh tế, doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy phá sản, vốn đã bắt đầu từ nhiều năm nay.
Theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 8 tháng đầu năm là 63.235 doanh nghiệp, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo…
Vậy mà, trong số doanh nghiệp thành lập mới, vốn chỉ tăng 2,4% về số lượng, bất động sản là ngành nghề đón chào thêm nhiều người mới nhất, tăng tới 42% so với cùng kỳ năm trước. Dễ thấy, mảnh đất bất động sản vẫn rất màu mỡ và đầy sức hấp dẫn. Trong khi đó, công nghiệp chế biến chế tạo lại đối diện với muôn vàn khó khăn, điều mà đương nhiên không thể coi là tín hiệu vui. Kể cả khi thị trường bất động sản có phát triển vượt bậc, tạo nên kỳ tích tăng trưởng GDP, nền kinh tế vẫn không chắc chắn.
Độ trễ thông tin về doanh nghiệp nhà nước khiến chúng ta chưa nhìn thấy niềm hy vọng ở khu vực kinh tế này. Vì thế, nỗi buồn về đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) càng thêm trĩu nặng.
Theo đó, những đóng góp không tương xứng với thảm đỏ mà người Việt đã hào phóng chào đón doanh nghiệp FDI chưa phải là điều đáng buồn nhất. Nhìn thẳng vào nền kinh tế Việt Nam, mức tăng trưởng đột biến trong năm 2017 và quý I/2018 là nhờ vào Samsung, Formosa… Nếu tách khu vực FDI, thành tích xuất siêu hóa ra chỉ là một giấc mộng đẹp. Dường như chúng ta đã trả giá rất cao cho chiếc áo lộng lẫy phủ lên một nền kinh tế không thể nói là đã cường tráng, mạnh giàu.
Trong tình thế này, tiếng nói phản biện vang lên không đơn độc. Trong 2 năm 2017-2018, hơn một lần cảnh báo về thực trạng động lực tăng trưởng của Việt Nam đã tới hạn được đưa ra tại các cuộc hội thảo nghiêm túc, công khai. Điều này vừa được nhắc lại tại một cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức đầu tháng 9 chứng tỏ nỗi trăn trở này đang trở nên thường trực.
Chỉ cần đối xử bình đẳng và minh bạch
Quả thật, bất chấp những dấu chỉ không tươi sáng của bức tranh kinh tế, nhiều tổ chức tài chính nước ngoài vẫn đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức trung bình xấp xỉ 6,5% trong 3 năm tới. Dù viễn cảnh tươi sáng của nền kinh tế nhắm tới mục đích cuối cùng là khuyến khích thêm các khoản vay mới theo kiểu bệnh nhân dùng “thực phẩm chức năng” thì vẫn phải thừa nhận, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng. Một sự khởi đầu mới xem chừng chưa quá muộn.
Rõ ràng, động lực của mọi hoạt động kinh tế là lợi nhuận. Ở quy mô một nền kinh tế, mục tiêu tối thượng của nó là tạo ra lợi nhuận tối đa, một phần để nuôi bộ máy vận hành nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu giáo dục – xã hội và tái đầu tư để có được lợi nhuận tốt hơn. Vòng quay đó không thể đảo ngược.
Thế nhưng, vì những điểm nghẽn trong việc cổ phần hóa nhằm trả lại nền kinh tế về cho thị trường cùng với những ưu ái cho FDI để đạt được mục tiêu thành tích tăng trưởng ngắn hạn, nền kinh tế Việt Nam đang dồn sức cho các nhân tố không tạo nên tăng trưởng thực và bền vững. Khu vực kinh tế tư nhân lẽ ra phải là động lực thì teo tóp, đem lại sức sản xuất hạn chế và không có khả năng liên kết tạo ra chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị thương hiệu.
Tệ hơn, những động lực phản phát triển, theo cách nói của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam, là tham nhũng, lãng phí làm cho nền kinh tế thâm thủng, chảy máu. Nếu không loại bỏ các yếu tố phản phát triển này, nguồn lực đổ vào nền kinh tế sẽ giống như “tiền vào nhà khó”.
Như vậy, không cần thuốc thần cho nền kinh tế Việt Nam. Đơn giản hơn, hãy cho cơ thể sống ấy được uống thứ nước mát lành, không bị vấy tạp bởi những mưu đồ, lợi ích cá nhân…, trở thành một nền kinh tế thị trường hoàn thiện theo đúng định hướng đã đề ra. Khi mọi chủ thể kinh doanh được đối xử bình đẳng và minh bạch, sẽ xuất hiện môi trường cạnh tranh công nghệ, khoa học, nâng cao sức sản xuất và năng suất lao động, tạo ra những động lực tăng trưởng mới