Chuyển hạt kiểm lâm VQG sang trực thuộc Chi cục Kiểm lâm sẽ mất rừng

“Chúng tôi đã góp ý cho dự thảo Nghị định về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là không đưa Hạt kiểm lâm vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên về Chi cục Kiểm lâm quản lý mà nếu chuyển thì chuyển về trực thuộc UBND tỉnh”.

Trên đây là khẳng định của ông Nguyễn Đại Phú, Giám đốc VQG Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước khi trao đổi với Phóng viên Baovemoitruong.org.vn về điểm mới quan trọng trong dự thảo Nghị định về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng – “Đối với các Vườn quốc gia, Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ có Hạt Kiểm lâm sẽ thuộc Cục Kiểm lâm hoặc Chi cục Kiểm lâm quản lý”.

Các VQG, KBT sẽ gặp khó nếu Hạt Kiểm lâm trực thuộc Cục Kiểm lâm hoặc Chi cục Kiểm lâm

Bảo vệ rừng gặp khó nếu kiểm lâm không trực thuộc quản lý của VQG, KBT

Lấy bằng chứng thực tế từ chính đơn vị mình quản lý trong vai trò GĐ Vườn, ông Phú cho hay: Năm 2010, VQG Bù Gia Mập đã thí điểm tách Hạt Kiểm lâm ra khỏi Vườn để đưa về trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước quản lý – theo đề nghị của Cục Kiểm lâm – nhưng chỉ sau hai năm thì phải nhập lại như cũ vì chi cục ở xa không thể bảo vệ được rừng trong khi Vườn không thể thực hiện nhiệm vụ này vì thiếu lực lượng.

Theo ông Phú, khi tách ra thì rừng mất nhiều hơn, không có người chịu trách nhiệm: “Hạt kiểm lâm họ nói họ chỉ đạo, hướng dẫn thôi, còn bảo vệ rừng là việc của Vườn nhưng Vườn không có Kiểm lâm, không còn lực lượng nữa. Kiểm lâm là bảo vệ tận gốc, phải nằm ở trong Vườn chứ bây giờ bắt Hạt thuộc Chi cục thì sẽ mất rừng. Tôi khẳng định điều đó”.

Lý giải về kiến nghị không đưa Hạt kiểm lâm Vườn trực thuộc Chi cục Kiểm lâm mà nếu phải chuyển thì nên đưa về trực thuộc UBND tỉnh, ông Phú cho hay nếu UBND tỉnh trực tiếp lãnh đạo thì sẽ có điều kiện thuận lợi hơn và hiệu quả hơn. Chẳng hạn khi xảy ra cháy rừng, Giám đốc Vườn trực tiếp làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh, tỉnh sẽ điều động lực lượng. Còn nếu thuộc Chi cục Kiểm lâm thì Chi cục báo Giám đốc Sở NN&PTNT, Giám đốc Sở lại báo cáo Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, Phó Chủ tịch tiếp tục báo cáo Chủ tịch, như vậy thì quá trễ.

“Mặt khác, khi Hạt Kiểm lâm Vườn thuộc Chi cục Kiểm lâm thì vị trí của Vườn sẽ giảm rất nhiều, uy lực không có nên rất khó hoạt động nếu không muốn nói là không hoạt động được. Thêm một khó khăn nữa là tư tưởng của các cán bộ của Vườn vì họ đều biết nếu Hạt không thuộc Vườn nữa thì chắc chắn thuận lợi hơn cho lâm tặc. Ngay cả lâm tặc cũng biết điều này. Vì vậy, tuyệt đối không thể đưa Hạt về Chi cục, về là mất rừng” – Giám đốc VQG Bù Gia Mập đặc biệt nhấn mạnh.

Bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chứa cháy rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Kiểm lâm

Riêng đối với 06 vườn quốc gia trực thuộc Bộ NN&PTNT, theo ông Phú có thể đưa Hạt kiểm lâm vườn về Cục Kiểm lâm quản lý vì trên thực tế, 06 vườn này vốn thuộc Bộ NN&PTNT và vẫn được sự hỗ trợ trực tiếp từ các tỉnh.

Liên quan đến nội dung này, Phóng viên Baovemoitruong.org.vn cũng đã liên hệ với ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm nhằm làm rõ một số điểm mới quan trọng của dự thảo cũng như quan điểm của Cục đối với những tâm tư, lo lắng của các vườn quốc gia, khu bảo tồn trước thông tin tách – nhập Hạt Kiểm lâm, tuy nhiên, ông Tùng xin phép thông tin lại sau. Cũng theo ông Tùng, hiện dự thảo Nghị định đang được hoàn thiện theo góp ý của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Phúc đáp Công văn số 2757/BNN-TCLN ngày 12/4/2018 của Bộ NN&PTNT về ý việc đề nghị góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp, ngày 24/5/2018, VQG Bù Gia Mập đã gửi Văn bản số 442/BQLV-TCHC với các ý kiến đóng góp cụ thể. Trong đó, Văn bản đặc biệt nhấn mạnh các ý kiến liên quan đến điểm mới trong dự thảo Nghị định về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng như sau:

“Tại Khoản 2, Điều 10 của dự thảo Nghị định Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng có ghi “Đơn vị trực thuộc: Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng; Hạt Kiểm lâm huyện hoặc liên huyện; Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ có Hạt Kiểm lâm thuộc địa phương quản lý”. Đề nghị sửa thành: “Đơn vị trực thuộc: Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR, Hạt Kiểm lâm huyện hoặc liên huyện (Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ chịu sự quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của Chi cục Kiểm lâm)

Lý do: Không để Ban Quản lý rừng đặc dụng, Ban Quản lý rừng phòng hộ trực thuộc Chi cục Kiểm lâm.

Lý do 1: Tại Khoản 1, Điều 6 Dự thảo Nghị định (1) Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp Tiêu chí rừng đặc dụng có ghi “Vườn quốc gia đáp ứng ít nhất một trong hai tiêu chí sau đây: Có ít nhất 01 mẫu chuẩn hệ sinh thái đặc trưng của một vùng sinh thái hoặc của quốc gia, quốc tế; có diện tích liền vùng tối thiểu trên 10.000 ha. Như vậy, tầm quan trọng của Vườn quốc gia (là một trong các loại hình đặc dụng) có tầm quan trọng Quốc gia nên việc quản lý phải là Uy ban Nhân dân tỉnh.

Lý do 2: Mặc dù việc quản lý hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên cả nước chưa thống nhất, các tỉnh khác nhau có sự quản lý khác nhau, song trong thời gian qua hệ thống các Vườn Quốc gia đa số trực thuộc UBND tỉnh quản lý và điều này đã chứng minh hiệu quả qua việc quản lý bảo vệ rừng của các Vườn quốc gia trong cả nước thời gian qua là rất tốt. Vì vậy, để phát huy hiệu quả của sự nghiệp bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học nên chọn mô hình này (tức là Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ có Hạt Kiểm lâm phải trực thuộc UBND tỉnh quản lý)

Lý do 3: Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ ngoài việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng thì còn rất nhiều nhiệm vụ quyền hạn khác có quy mô lớn, đa ngành đa nghề như : Nhiệm vụ phát triển vùng đệm, tổ chức du lịch sinh thái, chi trả dịch vụ môi trường rừng, nghiên cứu Khoa học và hợp tác Quốc tế (Đơn vị sự nghiệp công lập). Vì vậy, nếu trực thuộc Chi cục Kiểm lâm thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, không chủ động được trong công tác khi liên hệ làm việc với các cơ quan khác ngoài Ngành Lâm nghiệp. Mặt khác, theo Nghị quyết số 19 Hội nghị lần thứ 6 BCH TW Đảng khóa 12 của Đảng về Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập: Mục tiêu của Nghị quyết là đến năm 2030 các đơn vị sự nghiệp công lập phải giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 – 2025. Vì vậy, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chủ động quyết định các công việc, nhiệm vụ của mình, không phải báo cáo thông qua các cơ quan trung gian.

Lý do 4: Các Khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thường thuộc địa bàn vùng sâu vùng xa, xa trung tâm tỉnh lỵ, xa Chi cục Kiểm lâm, nhưng lại thuộc địa bàn của các huyện, các xã, vì vậy, khi có các sự cố xảy ra như cháy rừng, phá rừng quy mô lớn cần tăng cường lực lượng của huyện, xã một cách nhanh nhất thì chỉ có lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh mới kịp thời, mới hiệu quả, còn trực thuộc Chi cục Kiểm lâm thì phải thông qua nhiều trung gian mới huy động được lực lượng, mất thời gian, mất cơ hội.

Lý do 5: Về các phương tiện phục vụ công tác bảo vệ rừng cụ thể là các phương tiện chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm chỉ có đội Kiểm lâm cơ động, PCCCR không thể có đầy đủ các phương tiện chữa cháy rừng và lực lượng chữa cháy như ở cấp tỉnh, cấp huyện nên khả năng hỗ trợ các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là rất hạn chế, nếu trực thuộc UBND tỉnh thì việc điều động phương tiện lực lượng nhanh đủ và hiệu quả hơn.

Lý do 6: Về góc độ hạch toán kế toán. Nếu Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ trực thuộc Chi cục Kiểm lâm thì các đơn vị này thuộc hạch toán cấp III, phải qua trung gian Chi cục Kiểm lâm và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới tới UBND tỉnh. Như vậy khi thực hiện một số nghiệp vụ chuyên môn có liên hệ với các Sở, Ngành khác rất bị động. Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ là cơ quan có thu, nếu hạch toán thông qua hệ thống kế toán Chi cục Kiểm lâm sẽ gặp nhiều trở ngại bất cập, không phục vụ kịp thời cho các hoạt động của đơn vị lúc đó Chi cục Kiểm lâm lại trở nên gánh nặng cho đơn vị.”