Luật lâm nghiệp (số 16/2017/QH14) đã quy định rõ chính sách của nhà nước về lâm nghiệp (điều 4, điều 14). Tuy nhiên, để ứng dụng vào thực tế ở nước ta trong tương lai cần thể chế hóa những quy định này và đưa ra chính sách đảm bảo mỗi người dân, hộ gia đình đều có đất, có rừng để bổ sung vào “tài sản sinh kế” của họ. Coi đây là chế độ họ được hưởng.
Hướng đi nào cho ngành Lâm nghiệp nước ta: (Kỳ 1) – Cải thiện sinh kế người dân nhờ rừng
Hướng đi nào cho ngành Lâm nghiệp nước ta: (Kỳ 2) – Kỳ 2: Kỳ vọng ở Luật lâm nghiệp
Trong một hội thảo mới đây nhất về “Cải thiện sinh kế gắn với Bảo vệ và Phát triển rừng: Thực tế và khuyến nghị chính sách”, Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp và Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu – UNDP đã đồng chỉ ra và nêu rõ những khuyến nghị chính sách về rừng sinh kế; rừng bảo tồn có khai thác; lâm nghiệp cộng đồng; lâm nghiệp môi trường và văn hóa cùng Quỹ sinh kế quay vòng…
Chính sách rừng sinh kế
Chính sách giao đất, giao rừng theo Nghị định số 02/1994/NĐ-CP đảm bảo cho người dân ai cũng có đất, có rừng để sản xuất kinh doanh và hưởng lợi theo pháp luật nhà nước. Đảm bảo mỗi hộ gia đình ở vùng cao được ít nhất 1 – 2 ha “rừng sinh kế”; Không chỉ giao đất, giao rừng, mà cần trao quyền, bổ sung quyền tiếp cận, sử dụng đất đai của người dân tộc thiểu số (DTTS) vào chính sách sử dụng đất đai của quốc gia.
Trong đó, chú ý tới các nhóm nông hộ nhỏ hoặc phụ nữ người DTTS. Quá trình xây dựng chính sách, cần tổ chức tham vấn cộng đồng, xem đây là diễn đàn để người dân đóng góp vào quá trình thay đổi về sử dụng tài nguyên đất. Để người DTTS nói ra những vấn đề xảy ra đối với họ; tự tin đưa ra những vấn đề liên quan đến họ; Bổ sung vào luật BV&PTR quy định để người dân sinh sống trong khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được chia sẻ những lợi ích từ rừng, như tham gia bảo vệ rừng và được hưởng các lợi ích của chính sách bảo vệ và phát triển rừng, có quyền tiếp cận rừng, khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm trồng xen dưới tán rừng… nhưng không làm ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học rừng (đi kèm là cơ chế giám sát); Hỗ trợ người nghèo mua đất lâm nghiệp để bổ sung vào tài sản sinh kế và phát triển kinh tế rừng; Hỗ trợ người dân, hộ gia đình, cộng đồng thuê đất lâm nghiệp chưa có rừng để sản xuất kinh doanh lâm nghiệp, cho phép khai thác rừng và hưởng lợi toàn bộ từ hoạt động này.
Để giải quyết phần nào nhu cầu trên, nghiên cứu khuyến nghị chuyển giao 2 triệu hecta rừng và đất lâm nghiệp do UBND xã đang quản lý cho người dân, hộ gia đình hoặc cộng đồng quản lý, bảo vệ, phát triển và hưởng lợi; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng cho người đã được giao.
Có cơ chế hưởng lợi gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ rừng: Xác định rõ “tài sản rừng” khi khoán bảo vệ rừng hoặc cho thuê rừng, thuê môi trường rừng. Hoàn thiện hồ sơ, hợp đồng khoán bảo vệ, cho thuê rừng; quy định rõ cơ chế hưởng lợi từ rừng trong các hợp đồng khoán bảo vệ rừng, cho thuê rừng; Sửa đổi Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg về cơ chế hưởng lợi từ rừng.
Hỗ trợ cho người dân, hộ gia đình, cộng đồng trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng sinh kế của họ; Nâng cao nhận thức làm chủ rừng cho cộng đồng và cho hộ gia đình; Hỗ trợ về mặt kĩ thuật, quản lý và kinh doanh rừng; Hỗ trợ người dân tự học thông qua các bộ tài liệu học tập cho cộng đồng. Tài liệu nên được biên soạn song ngữ (tiếng dân tộc và tiếng kinh), phù hợp với từng địa phương, không nên sử dụng một bộ sách chung; Khuyến khích người dân, hộ gia đình gia tăng tài sản rừng sinh kế thông qua cơ chế hưởng lợi (được hưởng bằng tiền đối với tài sản rừng gia tăng, được hưởng các sản phẩm đã đầu tư kinh doanh, và được hưởng các dịch vụ môi trường rừng – nếu có).
Chính sách rừng bảo tồn có khai thác
Nội dung cơ bản của chính sách này là tạo cơ chế cho việc phát triển và khai thác các lâm sản ngoài gỗ (LSNG) từ rừng. Phát triển LSNG để tận dụng ưu thế đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng, và sự đa dạng sản phẩm lại tạo ra sự cân bằng trên cơ sở bảo tồn có khai thác. Thu hút người dân tích cực tham gia vào các hoạt động phát triển LSNG vì cuộc sống của mình và cộng đồng. Nó là một phần hiệu quả của chiến lược phát triển toàn vẹn tài nguyên rừng, tham gia vào việc cải thiện kinh tế địa phương, khích lệ quản lý tài nguyên dài hạn và bền vững. Đây cũng là lý do nói lên sự cần thiết của việc khai thác tiềm năng và lợi ích kinh tế của LSNG để đáp ứng tối đa các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và là một phương hướng thiết thực của chính sách “rừng bảo tồn có khai thác”.
Nhóm nghiên cứu kiến nghị. Đối với rừng đặc dụng được phép phát triển và kinh doanh LSNG tại phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ – hành chính. Đối với rừng phòng hộ được làm giàu rừng bằng cây LSNG, khai thác bền vững. Đối với rừng sản xuất được trồng cây LSNG dưới tán rừng và được khai thác LSNG; Hỗ trợ chủ rừng lập quy hoạch, thiết kế và thi công phát triển, kinh doanh LSNG gắn với bảo tồn hệ sinh thái rừng. Đối với hộ gia đình cộng đồng và doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ áp dụng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính Phủ quy định hỗ trợ trồng cây LSNG.
Nghị quyết 30a/NQ-CP, đề nghị cho phép UBND các tỉnh quyết định áp dụng các hình thức thanh toán tiền cho bảo vệ rừng (300.000 đ/ha/năm) phù hợp với từng đối tượng như hỗ trợ cho kinh doanh LSNG dưới tán rừng, hỗ trợ đo đạc tài sản rừng để cho thuê môi trường rừng, tạo quỹ cho cộng đồng thôn để hỗ trợ thiên tai hoặc cho vay để sản xuất, tổ chức tổ đội bảo vệ rừng…
Chính sách lâm nghiệp cộng đồng
Chính sách này nhằm hỗ trợ các hình thức và biến thể khác nhau của lâm nghiệp cộng đồng, gồm: lâm nghiệp cộng đồng, lâm nghiệp xã hội, lâm nghiệp dựa trên cơ sở cộng đồng, quản lý rừng liên kết, đồng quản lý rừng, hợp tác công tư trong quản lý rừng có yếu tố cộng đồng. Về bản chất, phải là sự tôn trọng đối với sự tham gia, quyền tiếp cận rừng và quyền hưởng lợi từ rừng của người dân và cộng đồng trong hoạt động lâm nghiệp.
“Sở hữu cộng đồng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Nhà nước chỉ trực tiếp bảo vệ rừng ở vùng lõi của khu rừng đặc dụng hoặc vùng trọng điểm phòng hộ, nên mở rộng diện tích khoán bảo vệ rừng đối với các diện tích rừng còn lại; Không nên xem người dân tộc thiểu số là nhóm người yếu thế, họ chính là nhân vật trung tâm trong thời kỳ biến đổi khí hậu, bởi họ sinh ra ở vùng rừng và có đời sống gắn bó với rừng; Cần xây dựng những mô hình cụ thể để nhân rộng.
Trước tiên, nên hỗ trợ bằng cách giúp cộng đồng thử nghiệm, nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số có niềm tin, an tâm phát triển và bảo vệ rừng; Hỗ trợ cho việc nâng cao năng lực tổ chức cộng đồng. Phát triển một cơ chế tài chính cho tổ chức hoạt động của lâm nghiệp cộng đồng; Hỗ trợ cộng đồng điều tra, đo tính tài sản rừng và chuyển tải thông tin về kết quả điều tra rừng; Đầu tư nghiên cứu, công bố loài cây trồng vật nuôi có lợi thế cho từng điều kiện lập địa và chuyển giao cho cộng đồng…” – Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Hỗ trợ cộng đồng tiêu thụ sản phẩm bằng những việc làm như: Đầu tư chọn giống tốt, cung ứng giống tốt cho cộng đồng; Đầu tư phát triển các trung tâm học tập ở các cụm cộng đồng; Tập huấn nâng cao năng lực cho các nhóm đối tượng có liên quan và xúc tiến sự hợp tác giữa họ với nhau; kiểm lâm địa bàn, lãnh đạo xã, Ban quản lý thôn, đại diện của chủ rừng cộng đồng, thành viên Hợp tác xã và nông dân nòng cốt; Khuyến khích người có công tuần tra, phát hiện lâm tặc vào rừng khai thác gỗ, lâm sản, đặc sản trái phép báo với chính quyền địa phương và cơ quan kiểm lâm để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật; Tạo cơ hội về việc làm, đào tạo và những dịch vụ khác cho cộng đồng.
Chính sách Lâm nghiệp môi trường và văn hóa cùng Quỹ sinh kế quay vòng
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng: Lâm nghiệp môi trường và văn hóa là một hướng đi tất yếu để tạo thu nhập cho các chủ rừng và giữ rừng dựa trên giá trị môi trường của rừng và hành vi văn hóa của con người. Nó bao gồm hai nhóm chính là dịch vụ môi trường rừng và dịch vụ cho du lịch.
Cần khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ môi trường rừng, trong đó có loại hình sử dụng không gian của rừng để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục; Chi trả dịch vụ môi trường rừng: nên hình thành một nguồn Quỹ từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cộng đồng địa phương, Hội chủ rừng có thể sử dụng một phần tiền chi trả DVMT rừng vào các hoạt động gắn kết cải thiện sinh kế với bảo vệ và phát triển rừng; REDD+ nên được thực hiện ở cả quy mô quốc gia. Chính phủ đóng vai trò là trung gian giữa người chi trả và các cấp địa phương; Tăng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng về giá trị thực (chẳng hạn giá trị dịch vụ thủy văn của rừng từ 500.000 – 700.000 đồng/ha/năm).
Việc thực hiện tốt chính sách “lâm nghiệp môi trường và văn hóa” sẽ góp phần giúp Nhà nước chuyển từ việc “thuê bảo vệ rừng” sang “cho thuê rừng”, vừa tạo động lực và nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng, vừa giảm ngân sách nhà nước để thực hiện 2 tăng – 1 giảm.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu khuyến nghị. Quỹ sinh kế quay vòng do cộng đồng đề xuất, xác định mục tiêu và cơ chế vận hành với sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông, chuyên gia tư vấn hoặc chính quyền địa phương. Sự hình thành của Quỹ này cần được sự hỗ trợ của nhà nước, từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện nay hoặc từ REDD+. Quỹ quay vòng là cơ sở để huy động các nguồn tài trợ khác; cũng là một nhân tố để nâng cao năng lực quản lý và hoạt động kinh tế của cộng đồng. Từ sự hỗ trợ của nhà nước sẽ dần chuyển sang mô hình cộng đồng góp vốn và vận hành quỹ theo cơ chế riêng (không theo cơ chế của tài chính công).