Ứng dụng điện mặt trời: Năng lượng sạch và kinh tế cho chế biến thủy hải sản

Ứng dụng điện mặt trời áp mái mang đến giải pháp có tính kinh tế và đa chiều cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kho lạnh và chế biến thủy hải sản, giúp giảm chi phí điện năng, giảm phát thải CO2, đảm bảo an ninh năng lượng, ”xanh hóa” chuỗi cung ứng hàng hóa và tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Đây là một trong các nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo tư vấn về điện mặt trời áp mái cho ngành kho lạnh và chế biến thủy hải sản Việt Nam diễn ra vào ngày 14/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.


Sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác giữa Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và Chương trình Phát triển Dự án (PDP) của  Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), theo ủy nhiệm của Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức trong khuôn khổ “Sáng kiến Giải pháp Năng lượng Đức”.

Tại sự kiện, các doanh nghiệp tham dự cũng được cập nhật các thông tin về chính sách Nhà nước cho các dự án năng lượng mặt trời, đặc biệt là cơ chế bù trừ điện năng  và tình hình phát triển ứng dụng điện mặt trời áp mái tại Việt Nam.

Tại các thị trường năng lượng tái tạo mới như Việt Nam, các doanh nghiệp tiêu thụ điện trọng điểm trong khối thương mại và công nghiệp hiện có nhu cầu nâng cao kiến thức về công nghệ điện mặt trời cũng như tìm kiếm các đối tác có kinh nghiệm để phát triển dự án một cách hiệu quả.

Chương trình Phát triển Dự án (PDP) đã và đang hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều doanh nghiệp công nghiệp trong việc đánh giá tính khả thi khi đầu tư vào điện mặt trời áp mái trong suốt quá trình triển khai dự án và kết nối với các đối tác Đức giàu kinh nghiệm.

Một ví dụ điển hình trong ngành cung ứng lạnh Việt Nam là hệ thống điện mặt trời áp mái công suất 308 kWp tại Emergent Cold Việt Nam, tỉnh Bắc Ninh hoàn thành vào tháng 7/2018. Hệ thống giúp đáp ứng 15% tổng nhu cầu năng lượng hàng năm và góp phần giảm 170 tấn CO2 phát thải cho doanh nghiệp.