Vụ phá rừng xây chùa: Hoàn trả hiện trạng trước tháng 3/2019

Kết luận của liên ngành về việc phá rừng làm đường, xây chùa… trong mỏ vàng Bản Ná xâm lấn khoảng hơn 10ha rừng đặc dụng.

Kết luận kiểm tra của đoàn liên ngành do Sở Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên chủ trì cho thấy, con đường “mượn danh nông thôn mới” là đường từ ngã ba Ngọc Sơn chạy vào xóm Xuyên Sơn nằm trong quy hoạch đề án xây dựng nông thôn mới tại xã Thần Sa.

Toàn tuyến có diện tích khoảng 3,85ha, trong đó diện tích rừng đặc dụng làm 3,24ha. Đây là phần diện tích đất rừng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác.

Thời gian làm tuyến đường này từ năm 2015, nay đã hoàn thành con đường dài 1.87km, mặt đường rộng 4m đổ bê-tông chạy đến moong khai thác của bãi vàng Bản Ná do công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long (công ty Thăng Long) là chủ mỏ.

Thái Nguyên kết luận việc làm đường, xây chùa, trụ sở văn phòng… tại bãi vàng Bản Ná xâm lấn hơn 10ha đất rừng phòng hộ.
Con đường “nông thôn mới” làm trên hơn 3,2ha đất rừng đặc dụng chưa được chuyển đổi

Về xây dựng tòa nhà văn phòng, điều hành của công ty Thăng Long có tổng diện tích khoảng 1,67 ha thuộc khu vực quy hoạch rừng đặc dụng. Công ty đã tự ý mua bán, chuyển nhượng nhà đất của 4 hộ dân, hiện tại cũng chưa có hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác.

Khu vực đền, chùa Bản Ná có tổng diện tích 0,12ha cũng là diện tích rừng đặc dụng. Khi thực hiện việc xây dựng các công trình tâm linh này, công ty đã có văn bản báo cáo lên các cơ quan chức năng, mục đích cũng để phục vụ đời sống tâm linh của người dân.

Tổng diện tích rừng đặc dụng theo kết luận của đoàn công tác liên ngành, các công trình làm đường, xây chùa, xây trụ sở văn phòng công ty… đã xâm lấn hơn 10,3ha rừng đặc dụng.

Doanh nghiệp phải hoàn trả hiện trạng 

Chủ tịch huyện Võ Nhai Dương Văn Tiến cho biết: Kết luận kiểm tra là căn cứ để UBND tỉnh có phương án xử lý.

DN được cấp phép khai thác mỏ vàng Bản Ná – công ty Thăng Long đã có sai phạm trong việc đổ thải lên 5,3ha rừng đặc dụng khi chưa hoàn tất các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ có trách nhiệm di chuyển khối lượng đất đá thải nói trên ra khỏi khu vực. Thời hạn hoàn thành trước tháng 3/2019.

Chủ tịch huyện Võ Nhai Dương Văn Tiến

Theo ông Tiến, với gần 80% người dân tộc, điều kiện địa hình khó khăn, đời sống người dân vẫn chưa xóa hết nghèo, việc doanh nghiệp có những đóng góp, tài trợ cho cộng đồng (hỗ trợ làm đường, xây chùa…) là những việc làm thiết thực, người dân được thụ hưởng.

Nhiều năm trước, Thần Sa là mỏ vàng thổ phỉ tồn tại hàng chục năm, với nhiều tệ nạn. Việc chính quyền dẹp bỏ nhức nhối này và giao cho DN khiến tình hình an ninh trật tự ổn định hơn.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi hàng năm ngân sách nhà nước thu được bao nhiêu từ bãi vàng này, người đứng đầu huyện Võ Nhai nói, huyện chỉ được trích lại tiền phí bảo vệ môi trường, còn đóng góp của DN cho tỉnh hàng năm thì huyện không được biết.

“Năm 2016, huyện đã tiến lập hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ lâm nghiệp sang mục đích khác, đã hoàn thành hồ sơ từ vào cuối năm 2017. Hồ sơ này đang nằm ở Sở Nông nghiệp. Để xảy ra sự việc xâm lấn rừng đặc dụng cũng do công tác quản lý, quy hoạch và phê duyệt chuyển đổi” – ông Tiến phân trần.

Nguồn: