Lãnh đạo hàng chục thành phố, các khu vực và doanh nghiệp trên thế giới đã cam kết nói “Không” với năng lượng hóa thạch, ôtô thải khí, rác thải, khí thải CO2… nhằm bảo vệ môi trường.
Đó là nội dung cam kết “Zero” được đưa ra ngày 13/9 tại Hội nghị Hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra ở thành phố San Francisco, Mỹ.
Các thị trưởng, thống đốc bang và chủ doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đã cam kết những hành động cụ thể trong bối cảnh các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc nhằm thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đang rơi vào thế bế tắc và Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ các chính sách của Mỹ về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo các nhà khoa học, Trái Đất đang tiếp tục nóng lên với tốc độ nhanh hơn: nhiều trận bão lớn đang hoành hành tại bờ biển miền Đông nước Mỹ và Philippines, trong khi cháy rừng đang tàn phá bang California, những bằng chứng không thể chối cãi của tình trạng biến đổi khí hậu.
Thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti khẳng định: “Điều này là có thực và chúng ta sẽ phải hành động ngay cả khi Washington không làm như thế.”
Là sự kiện do Thống đốc bang California Jerry Brown, cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg đồng chủ trì, hội nghị ba ngày nói trên là nơi đưa ra các sáng kiến lớn nhỏ nhằm giảm tác động của CO2 đối với con người.
Tại hội nghị, lãnh đạo hàng chục bang, vùng và thành phố lớn đã cam kết trong vài thập kỷ tới sẽ chỉ cho phép loại xe không thải khí tham gia giao thông.
Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) và Rotterdam (Hà Lan), cùng với Paris (Pháp), London (Anh), Barcelona (Tây Ban Nha) và Mexico City (Mexico) đã cam kết chỉ sử dụng xe buýt điện vào năm 2025.
Tập đoàn điện tử và giải trí Sony của Nhật Bản có sáng kiến “Con đường tới Không” gồm các chiến dịch toàn cầu với năng lượng tái tạo. Sony đã hòa cùng một nhịp với hơn 140 tập đoàn đa quốc gia khác, đưa ra các cam kết tương tự vào năm 2030.
Bên cạnh đó, hơn 20 thành phố, là nơi cư trú của 54 triệu người, thông báo lượng thải khí CO2 của mình đã đến mức đỉnh và đưa ra cam kết.
Người đứng đầu Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu và môi trường Grantham (có trụ sở tại London), ông Nicholas Stern cho biết: “Mới cách đây một thập kỷ, những cam kết trên là không tưởng. Ai dám nghĩ rằng những người đứng đầu các tập đoàn xe hơi lớn lại có thể nhất trí rằng kỷ nguyên của động cơ đốt trong sắp kết thúc.”
Tại Mỹ, các quyết định có ảnh hưởng nhất đến nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính không do chính phủ liên bang đưa ra, mà do các thị trưởng, thống đốc bang – những người muốn cung cấp năng lượng rẻ hơn, tạo thêm việc làm và làm sạch không khí hơn – và các chủ doanh nghiệp, vốn muốn tiết kiệm chi phí năng lượng và đầu tư vào các cơ hội kinh doanh mới.
Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, dự kiến công bố tháng 10 tới, sự nóng lên toàn cầu có thể sẽ vượt quá giới hạn đầy tham vọng là 1,5 độ C đặt ra trong Hiệp định Paris.
Các nhà khoa học tính toán rằng cần giảm khí thải toàn cầu trước năm 2020 để tránh những hậu quả nghiêm trọng nhất của việc Trái Đất nóng lên, như những đợt nóng chết người, hạn hán và nước biển dâng.
Ông Stern nhấn mạnh: “Việc chuyển đổi sang nền kinh tế thực sự nói ‘không’ với khí thải là câu chuyện tăng trưởng của thế kỷ 21. Đó không phải là câu chuyện khí CO2 tăng cao về lâu dài.”
Về phần mình, Thủ tướng đảo quốc Barbados, Mia Mottley khẳng định: “Chúng ta đang trong một cuộc chiến vì sự sinh tồn của chính mình. Vì lý do đó, chúng ta đặt mục tiêu năm 2030 sẽ có một nền kinh tế không sử dụng nhiên liệu hóa thạch”.