Dự án Cái Lớn-Cái Bé: Lý do không thể phê duyệt

Góp ý tâm huyết của GS Nguyễn Ngọc Trân về Cơ sở khoa học và lý do không thể phê duyệt Dự án thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé.

                CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ LÝ DO KHÔNG THỂ PHÊ DUYỆT DỰ ÁN HỆ THỐNG THỦY LỢI CÁI LỚN – CÁI BÉ[1]                                                                        GS. Nguyễn Ngọc Trân[2]

1. Trích QĐ 498/ TTg, 14.07.2017 về Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé

Mục tiêu đầu tư

– Kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang và tỉnh Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn – Cái Bé. Đồng thời, góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang;
–  Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng, đặc biệt trong những năm hạn hán, góp phần phát triển kinh tế xã hội ổn định;
– Tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua cải tạo đất phèn;    – Kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ trong vùng dự án.

Quy mô đầu tư:

Xây dựng cụm công trình giai đoạn 1, gồm các hạng mục:
– Cống Cái Lớn, cống Cái Bé;
– Đê nối hai cống Cái Lớn, Cái Bé với Quốc lộ 61;
– Kênh nối sông Cái Lớn – Cái Bé;
– Sửa chữa cống âu Tắc Thủ.

Tổng mức đầu tư dự kiến: 3.309,5 tỷ đồng

7 vấn đề lưu ý ở giai đoạn sau: (1) Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của dự án; (2) Nghiên cứu tác động của công trình đến vùng hưởng lợi; (3) Về công tác quản lý vận hành, (4) Bổ sung đánh giá, phân tích so chọn giải pháp bao lớn và bao vừa; (5) Xác định vị trí âu thuyền Ninh Quới, (6) Đề xuất giải pháp lấy nước mặn cho vùng sản xuất lúa tôm; (7) Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Chúng tôi đã viết 4 bài báo liên quan đến dự án:

Những âu lo về dự án 3000 tỷ cống Cái Lớn-Cái Bé
http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/nhung-au-lo-ve-du-an-3000-ty-cong-cai-lon-cai-be-3335949/

Hai dự án đầu tư công ngàn tỷ cần soi kỹ
http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/hai-du-an-dau-tu-cong-ngan-ty-can-soi-ky-3344861/

Làm rõ vì ngân sách và vì quản lý nhà nước
http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/lam-ro-vi-ngan-sach-va-vi-quan-ly-nha-nuoc-3345231/

Dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé và NQ 120
http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/du-an-thuy-loi-cai-lon-cai-be-va-nghi-quyet-120-3363756/

vì theo chúng tôi:

(1) 7 vấn đề lưu ý ở giai đoạn sau quyết định thành bại của Dự án. Khi chưa làm rõ triển khai giai đoạn 1, bắt tay xây dựng các cống có nguy cơ đâm lao sẽ phải tiếp tục phóng theo lao. Phải tiết kiệm từng đồng ngân sách nhà nước, nợ công đã rất cao.

(2) Cần thực hiện đúng Nghị quyết 120 của CP về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu;

(3) Không thể họp hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM khi dự án chưa được “phản biện khoa học và khách quan”. Sau phản biện, Hội đồng sẽ có thêm cơ sở để thẩm định.

2. Môi trường vật lý của địa bàn dự án

Vùng dự án trãi ra từ phía Nam của đồng lũ mở Tứ Giác Long Xuyên, đồng lũ nửa kín Tây Nam sông Hậu, trũng treo U Minh và trũng trung tâm Bán đảo Cà Mau[3]. Hình 1.

Gọi là đồng lũ mở là vì lượng nước vào, sau một thời gian ngắn thoát ra khỏi đồng lũ. Về phía Nam, việc thoát nước khó dần chuyển tiếp sangđồng lũ nửa kín, úng ngập dài ngày. Sông Cái Lớn, sông Cái Bé là cửa thoát nước duy nhất của đồng lũ ra Biển Tây.

Hình 1. Môi trường vật lý ĐBSCL và vùng dự án HTTL CL-CB

Treo là vì địa hình cao hơn xung quanh. Trũng vì là một bồn chứa than bùn dày đến hơn 5-6 mét. Trũng than bùn “ngậm” nước mùa mưa và “nhả” nước ngọt trở ra màu nước trà vào mùa khô, đặc biệt qua sông Trẹm và sông Cái Tàu.

Trũng trung tâm, địa hình rất thấp, là nơi giao thoa giữa triều Biển Đông, Biển Tây và sông Hậu. Rất khó thoát nước, vào mùa khô nước mặn trên mặt và mao dẫn từ dưới đất sắc lại, độ mặn rất cao.

Địa hình vùng dự án

Nước chảy về chỗ trũng là một quy luật. Vì vậy trong một dự án liên quan đến thủy lợi, yếu tố địa hình là quan trọng hàng đầu.

Trong các đơn vị môi trường vật lý đã hàm chứa địa hình: trũng, treo, đồng lũ, … Địa hình cụ thể của vùng của dự án được sưu tầm từ Chương trình 60-02, 60-B và gián tiếp qua bản đồ các tỉnh có nguy cơ bị ngập do BĐKH, nước biển dâng (Bộ TNvMT công bố năm 2009, và 2012).

Hình 2a là bản đồ địa hình liên quan đến một của vùng dự án mà CT 60-B đã xây dựng từ các mãnh bản đồ mộc tỷ lệ 1/50000 có cấy điểm độ cao. Sơ đồ cho thấy phía Tây Nam của đồng lũ nửa kín Tây sông Hậu là vùng trũng nhất và đường tháo của nước là cửa hai sông Cái Bé và Cái Lớn.

Địa hình còn gián tiếp được thể hiện qua bản đồ những địa bàn có nguy cơ bị ngập tĩnh khi mực nước biển dâng dâng lên 65 cm do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố[4]. Hình 2b.

Hình 2a
Hình 2b

Hoạt động kiến tạo đã qua tại châu thổ sông Mekong giúp hiểu địa hình trong vùng dự án. Đó là đứt gãy kéo dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam từ dãy Cardamones (Campuchia) sang trong địa bàn Cái Lớn – Cái Bé; đứt gãy sông Hậu cũng theo hướng Tây Bắc – Đông Nam; đới nâng Hòn Khoai theo hướng Nam – Bắc dọc theo bờ biển Tây; và đới nâng Sóc Trăng theo hướng Tây Nam – Đông Bắc. Hình 3.

Hình 3: Hoạt động kiến tạo đã qua liên quan đến địa bàn dự án

Mưa và bốc hơi

Mưa được đề cập khá nhiều trong báo cáo tóm tắt: phân bố lượng mưa theo không gian, trong vùng hưởng lợi của dự án, trong mô hình mặn ngọt luân canh, chống ngập úng mùa mưa… Rất tiếc báo cáo chỉ đưa ra những con số bình quân chung chung (như “rất cao từ 2200 – 2400 mm/năm”, trang1). Báo cáo dường như không quan tâm đến diễn biến của lượng mưa trên địa bàn ra sao trong các thập niên qua, mặc dù sự diễn biến này ảnh hưởng đến việc chống ngập úng, đến mô hình luân canh mặn ngọt.

Tìm hiểu từ kho số liệu khí tượng thủy văn hết sức quý báu, chúng tôi thu nhận được một số thông tin đáng quan tâm, xin giới thiệu để hội thảo tham khảo và cùng suy nghĩ về ý nghĩa đằng sau các con số.

Hình 4. Diễn biến của lượng mưa năm tại các trạm thủy văn Xẽo Rô, Vĩnh Thuận, Cà Mau, Gành Hào.

Hình 4 thể hiện diễn biến của lượng mưa năm tại bốn trạm Xẽo Rô, Vĩnh Thuận, Cà Mau và Gành Hào.

Nếu lượng mưa ở trạm Xẽo Rô tăng (∆ = 12,8 mm/năm, trong các năm 1987-2017), ở Gành Hào tăng (∆ = 29,7 mm/năm trong các năm 1988-2008) thì ngược lại tại Cà Mau giảm (∆ = – 32,0 mm/năm) trong thời đoạn (1996-2017); ở Vĩnh Thuận giảm (∆ = -37,8 mm/năm) trong thời đoạn 1990-2013.

Việc sụt giảm lượng mưa tại Cà Mau và tại Vĩnh Thuận có liên quan đến việc chặt phá rừng tràm tại U Minh Hạ và U Minh thượng hay không? Nếu có, việc phá rừng tràm để trồng lúa tại U Minh, chẳng những làm giảm lượng nước ngọt trữ trong trũng treo U Minh, làm thiếu hụt nước ngọt vào mùa khô, mà còn làm giảm nguồn cung nước ngọt từ mưa trên địa bàn.

Việc chặt phá rừng tràm chắc chắn còn làm gia tăng độ bốc hơi. Rất tiếc chúng tôi chưa tìm được số liệu tại địa bàn cần tìm.

3. Địa bàn dự án đã được khai thác ra sao trong các thập niên đã qua

Sợi chỉ đó xuyên suốt trong khai thác vùng ĐBSCL là đưa nước ngọt về, và ngọt hóa nơi nào có thể, để sản xuất lúa gạo, mở rộng diện tích canh tác, tăng vụ, tăng năng suất.

3.1. Khai thác nước ngọt của Trũng treo U Minh

Ảnh vệ tinh cho thấy sau năm 1975, diện tích rừng tràm giảm nhanh chóng, nhường chỗ cho diện tích canh tác lúa ngày càng mở rộng trong Trũng treo U Minh. Nhiều kinh đã được đào trong hai rừng tràm U Minh Thượng và U Minh Hạ. Cháy rừng tràm đã xảy ra thường xuyên. Bề dày của các tầng than bùn mỏng dần, thậm chí có nơi hầu như “chạm đáy”. Khả năng ngậm nước ngọt giảm dần cùng với nguy cơ cháy rừng tăng[5]. Hình 5.

Hình 5. Ảnh vệ tinh Landsat vùng trũng treo U Minhvào các năm 1973, 1979, 1993 và 2017

Trũng treo U Minh với hệ sinh thái rừng tràm ngập nước, một nơi cung cấp nước ngọt, với dịch vụ hệ sinh thái đa dạng, phong phú, ngày càng kiệt quệ trong nhiệm vụ cung cấp nước ngọt, ngay cả để chống cháy cho chính mình. Kênh Cán Gáo nối với sông Trẹm cung cấp nước ngọt cho mạng lưới kênh xương cá ngày càng dày về phía các huyện An Minh, An Biên và sông Cái Lớn. Điều này thể hiện rõ qua các ảnh vệ tinh dưới đây vào các thời điểm 1973, 1979, 1993 và 2017.

Việc khai thác nước ngọt quá mức trong trũng treo U Minh phục vụ canh tác lúa có ít nhất ba hậu quả nghiêm trọng.

Trước tiên đó là sự cạn kiệt dần và nhanh chóng nguồn nước ngọt trong trũng treo, kéo theo hậu quả thứ hai là sự kiệt quệ hệ sinh thái ngập nước ngọt ở đây như đã đề cập. Hậu quả thứ ba là mặn xâm nhập vào từ hai phía, theo kênh Cán Gáo và từ bờ Biển Tây, nhất là vào mùa khô.

Cần đánh giá khách quan và toàn diện các mặt việc khai thác trũng treo U Minh thay vì đỗ lỗi một cách dễ dãi cho sự thiếu đầu tư đồng bộ và từ đó dấn thêm vào việc hũy hoại hệ sinh thái tự nhiên vốn có của nơi này.

3.2. Các tác động lên các đồng lũ ở hữu ngạn sông Cái Lớn

Từ cuối thập niên 1980, sau thành công của việc chuyển nước sông Tiền sang sông Vàm Cỏ Tây, bằng kênh Hồng Ngự – Long An (còn được gọi là “Kênh Trung ương”) đưa nước từ sông Tiền sang sông Vàm Cỏ Tây để khai thác một vùng rộng lớn của Đồng Tháp Mười còn hoang hóa, Bộ Thủy lợi đã tìm cách làm điều tương tự, dẫn nước ngọt từ sông Hậu về để tăng diện tích canh tác lúa.

Hàng chục kênh các cấp đã được đào trong vùng Tây sông Hậu là minh chứng cho nỗ lực này. Tuy nhiên kết quả không như mong đợi, thậm chí còn tạo ra rất nhiều hậu quả bất cập, mặc cho hàng trăm cống các cỡ, hàng trăm trạm bơm đã được xây dựng. Hình 6.

Có ít nhất ba hậu quả.

Hậu quả trước tiên là tăng cường úng ngập trong lưu vực sông Cái Bé, Cái Lớn với lượng nước từ sông Hậu cuối cùng đổ về đây mà bây giờ mục tiêu thứ ba của dự án HTTL Cái Lớn Cái Bé là phải tiêu úng giảm ngập.

Hình 6. Mang lưới kênh các cấp và các cống trong đồng lũ Tây sông Hậu

Có thể nhận thấy trong mạng lưới kênh trong hình trên đây, hầu hết các kênh trước 1975 được đào theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, song song với sông Hậu. Hậu quả thứ hai là các kênh đào sau này tạo ra rất nhiều điểm giáp nước (nước đứng) mà các cống, rất nhiều, không tháo ra được. Môi trường nước bị ô nhiểm, trầm tích lắng đọng, lục bình sinh sôi nãy nở, giao thông thủy gặp thêm khó khăn ngoài các cống đóng mở.

Hậu quả thứ ba là lượng nước trước đây theo các kênh hướng Tây Bắc – Đông Nam chảy về lung Ngọc Hoàng, về lâm trường Phương Nam, và xa hơn nữa về trũng trung tâm rất cần nước ngọt, nay bị các điểm nước đứng ngăn chận lại.

Một lần nữa, chúng tôi nghĩ cần phải đánh giá khách quan và khoa học những bất cập này là từ đâu ra để có hướng giải quyết đúng.

3.3. Ngọt hóa BĐCM: hàng loạt cống, âu thuyền tác động lên Trũng trung tâm được xây dựng nhưng hầu hết chưa bao giờ hoạt động đúng như thiết kế

Dự án Ngọt hóa BĐCM được triển khai, một mặt bằng đào Kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp và bơm nước ngọt từ sông Hậu vào kênh này. Mặt khác bằng xây dựng 11 cống dọc theo QL 1A, và cống Bạch Ngưu, cống Cà Mau và âu thuyền Tắc Thủ để ngăn không cho mặn vào vùng ngọt hóa.

Các cống xây dựng và vận hành không đồng bộ là một lẽ, nhưng chủ yếu vì nước ngọt về không đủ vào mùa khô, nên ngoại trừ phần phía Đông Bắc (về phía Sóc Trăng) nằm ngoài Trũng trung tâm, dự án ngọt hóa không thành công. Mùa mưa phải mở cống để Trũng trung tâm không bị ngập úng. Mùa khô phải mở cống để lấy nước mặn nuôi tôm và để tránh nẻ đất, xì phèn. Chức năng “theo thiết kế” của các công trình thủy lợi của Dự án Ngọt hóa BDCM về cơ bản có thể xem là chỉ thành công về phía Sóc Trăng, thất bại ở phía Cà Mau. Ngoài ra còn có những vùng nước đứng, như ở huyện Phước Long, gây ô nhiểm nặng môi trường nước.

Đây là một bài học rất đắt giá về quy hoạch duy ý chí, không tôn trọng các quy luật, hoặc nghiên cứu khả thi làm không có chất lượng, thiếu trách nhiệm.

Hình 7. Hoạt động của các CTTL trong dự án Ngọt hóa BĐCM trên thực tế

4. Biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng thực tế tại địa bàn dự án

Một trong những mục tiêu đầu tư của dự án là “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, …”

Căn cứ vào dự báo mực nước biển dâng mà Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố để chạy mô hình là chưa đủ, bởi lẽ trên thực địa, không phải MNBD mà Bộ TNvMT công bố, mà là MNBD thực tế[6].

MNBD thực tế = MNBD tương đối + Độ sụt lún tự nhiên + Độ sụt lún gia tốc

trong đó độ sụt lún tự nhiên là do quá trình nén dẽ nền đất và do canh tác; độ sụt lún gia tốc là do khai thác nước ngầm, khoáng sản trong lòng đất, do xây dựng nhà máy, sân bay, phát triển đô thị , … Độ sụt lún gia tốc càng quan trọng khi nền đất càng yếu.

Hiện nay, theo hiểu biết của chúng tôi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang có một dự án đo đạc độ sut lún để xây dựng bản đồ sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khi chờ đợi, chúng tôi trích dẫn một nghiên cứu (mà chúng tôi cho là nghiêm túc hiện có), đánh giá tốc độ tụt của mặt nước trong các giếng khoan và tốc độ sụt lún mặt đất tại đồng bằng sông Cửu Long[7]. Hình 8.

Theo nghiên cứu này, địa bàn của dự án sụt lún với tốc độ bình quân từ 2 đến 2.75 cm/năm. Địa bàn đã thấp, lại còn bị lún khá nhanh. Điều này ảnh hưởng ra sao đến tính khả thi mục tiêu của dự án cần được đánh giá.

Hình 8. Tốc độ tụt của mực nước trong các giếng khoan (trái), Tốc độ sụt lúb mặt đất tại đồng bằng sông cửu Long (phải).

5. Diễn biến của các mực nước đặc trưng tại các trạm thủy văn ven Biển Tây và tại Gành Hào (Biển Đông)

Mực nước biển dâng thực tế tai bờ biển đồng bằng sông Cửu Long được phản ánh trong mực nước đo đạc liên tục bằng máy tự ghi tại các trạm thủy văn ven biển. Từ mực nước này, sẽ tính được mực nước trung bình năm, đỉnh triều cao nhất năm, chân triều thấp nhất năm và biên độ triều cao nhất năm[8].

Liên quan đến địa bàn của dự án, xin trình bày kết quả đo đạc và tính toán tại các trạm thủy văn ven Biển Tây là Xẽo Rô, Rạch Giá, và ven Biển Đông là Gành Hào trong 29 năm từ 1988 đến 2016, và tại Sông Đốc từ 1993 đến 2016.


Hình 9. Diễn biến của đỉnh triều cao nhất và chân triều thấp nhất tị Gành Hào và Xẽo Rô

∆ là tốc độ gia tăng bình quân năm (xu thế tuyến tính)

Tại Xẽo Rô, mực nước trung bình năm, đỉnh triều cao nhất năm, chân triều thấp nhất năm, và biên độ triều lớn nhất năm đều tăng. Để theo dõi biến động theo thời gian, nhất là trong những năm gần đây, thời gian 29 năm được phân thành hai giai đoạn 1988 – 2016 và 2003 – 2016. Hình 9.

Tốc độ gia tăng bình quân năm tại Gành Hào khá cao, cao hơn trong giai đoạn 2003-2016. Tại Xẽo Rô và Rạch Giá tăng nhưng giá trị tuyệt đối ∆ không lớn bằng phía Biển Đông. Tuy nhiên so với biên độ triều Biển Tây (75–110 cm) ∆ có ý nghĩa không kém ở Biển Đông. Tại Sông Đốc, do chịu ảnh hưởng từ Biển Đông nên ∆ thấp hơn tại Gành Hào, nhưng cao hơn tại Xẽo Rô và Rạch Giá.

Đỉnh triều cao nhất năm tăng có nghĩa là lượng nước biển vào nội đồng qua trạm tăng. Chân triều thấp nhất năm tăng có nghĩa là lượng nước trong châu thổ tháo ra biển theo triều rút trở nên khó khăn hơn. Hệ lụy đến các mục tiêu của dự án không khó để suy ra.

6. Bốn lý do để không phê duyệt BC NCKT của dự án HTTL Cái Lớn, Cái Bé

(1) Lý do 1. Về mặt phương pháp luận, cho dù là một dự án thủy lợi, báo cáo NCKT phải xem xét dự án trong một khung khổ toàn diện các yếu tố của môi trường, với quan điểm hệ thống (tác động giữa các yếu tố) và động (nhịp điệu và biến động theo thời gian). Có như vậy giải pháp và việc khai thác tài nguyên để phát triển mới có thể bền vững.

Vì địa bàn bằng phẳng và cao trình mặt đất thấp, địa hình là hết sức quan trọng, nước chảy về chỗ trũng là quy luật. Không tìm thấy một bản đồ địa hình chi tiết nào của vùng dự án.

Báo cáo tóm tắt dự án nói nhiều đến mưa nhưng không tìm được một phân tích nào về mưa, diễn biến ủa lượng mưa trong vùng dự án.

Triều là nhịp thở của châu thổ. Địa bàn của dự án là nơi giao thoa giữa triều Biển Đông, triều Biển Tây và sông Hậu nên có nhiều nhịp đập. Cũng có nghĩa là địa bàn rất phong phú, đa dạng về hệ sinh thái và các dịch vụ hệ sinh thái. Với hệ thống cống các cỡ đã có và sẽ xây dựng, dự án sẽ góp thêm phần “nghèo hóa” chúng theo một hình mẫu sản xuất mà mình quen thuộc.

Báo cáo tóm tắt dự án và báo cáo đánh giá ĐTM có giới thiệu Bản đồ quy hoạch sử dụng đất (Hình 8, trang 14, báo cáo tóm tắt). Làm sao tin được ở chất lượng bản đồ khi mà thông tin về Thổ nhưỡng của dự án mà chúng tôi có được chỉ là một bản đồ “minh họa” của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam.

Đối chiếu với những gì chúng tôi đã sưu tầm làm cơ sở để phản biện, rõ ràng Báo cáo NCKT của dự án là phiến diện, tĩnh tại và quá sơ lược, hầu như chỉ tập trung vào vấn đề nước, và căn cứ vào kết quả chạy mô hình để kết luận.

Đây là kết quả tất yếu của việc Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé được xây dựng khép kín trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và hầu như là một sản phẩm chỉ của ngành thủy lợi[9]. Các kết quả và kết luận của Báo cáo NCKT do vậy chất lượng và độ tin cậy không cao.

Xin nói thêm vê mô hình. Sử dụng mô hình toán là cần và bổ ích để mô phỏng và tiên liệu những gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên vì mô hình có những hạn chế bẩm sinh (từ mô hình hóa bài toán vật lý với những giả thiết đơn giản hóa), kết quả tính toán phụ thuộc vào số liệu đầu vào (ở đồng bằng thiếu rất nhiều và không được cập nhật, địa hình rất bằng phẳng) nên kết quảtính toán chỉ có giá trị tham khảo và chưa thể xem là kết luận khi chưa được đối chiếu với thực tế. Về vấn đề này, chúng tôi đã phân tích khi phản biện dự án MDS do Bộ TNvMT quản lý, ký hợp đồng với Viện Thủy Lợi Đan Mạch DHI để thực hiện[10].

(2) Lý do 2. Báo cáo tóm tắt Dự án, trong 48 trang đã 11 lần đổ lỗi cho đầu tư chưa / không đồng bộ, 7 lần viện dẫn cần đầu tư hoàn chỉnh. Như vậy là không nghiêm túc.

Cần phân tích khách quan và khoa học Nêu lên hiện trạng mà không chỉ đúng nguyên nhân, rồi từ đó kết luận là cần thiết đầu tư hai cống sẽ dẫn đến nguy cơ tiếp tục vòng xoáy tiếp tục khai thác sai, bao ví đồng bằng với quá nhiều cống đập các kích cở, đối lập con người với thiên nhiên, châu thổ với biển.

Ở đồng lũ nửa kín Tây Nam sông Hậu, đặc biệt giữa Kênh Ô Môn và Kênh Xà No có dày đặc các cống các cỡ (Hình 6) là hậu quả của các dự án ODA không được nghiên cứu tới nơi tới chốn, rồi cống sau chồng lên cống trước để tìm sự “đồng bộ” hay “hoàn chỉnh”.

Điều này trái ngược với xu thế hiện nay trên thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đó là chuyển từ khống chế dòng chảy theo ý muốn của con người sang dành không gian cho sông (rooms for rivers)[11; 12], dành không gian cho giao tiếp giữa con Người với Thiên nhiên.

(3) Lý do 3. “7 vấn đề lưu ý ở giai đoạn sau” nêu lên trong QĐ 489, quyết định thành bại của Dự án. Khi chưa làm rõ, triển khai giai đoạn 1, bắt tay xây dựng các cống sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường về môi trường, về sản xuất và đời sống của người dân và về ngân sách nhà nước trong khi nợ công đã rất cao.

Sau 16 tháng (kể từ ngày có QĐ 489/TTg), giai đoạn 1 và “giai đoạn sau” vẫn còn là một cái bóng mờ mờ ảo ảo.

Khi nào xong giai đoạn 1? Kết quả của giai đoan 1 cụ thể là gì? Báo cáo tóm tắt viết: “Khi công trình hoàn thành” (trang 47, dòng 12 từ dưới đếm lên). Khi đó là khi nào? Còn phải đầu tư những công trình nào nữa, ở đâu, lúc nào, bao nhiêu thì mới gọi là đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, công trình hoàn thành?

Không thể phê duyệt khống về nội dung như vậy. Phải làm rõ để nếu sau này hiệu quả của dự án không như báo cáo thì biết tại sao và từ đâu, trách nhiệm thuộc về khâu nào, và về ai.

(4) Lý do 4. Báo cáo đánh giá ĐTM là một tài liệu “kỳ lạ” về cấu trúc, nội dung và nhất là về vị trí.

Báo cáo có 467 trang A4. Hai chương đầu dài gần 100 trang mà nội dung có thể trình bày tối đa không đến 15 trang. Chương Hai, Điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội khu vực thực hiện dự án, dài 150 trang, trong này đặc điểm thổ nhưỡng được 22 từ và một hình minh họa phân bố các loại đất của ĐBSCL do Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam thực hiện; đoạn về đặc điểm về mưa sử dụng một số bảng biểu mà nguồn là từ Báo cáo NCKT 2018. …

Chúng tôi tự hỏi sự hiện diện khá “đồ sộ” về số trang của Chương 2 có chủ đích gì sau khi đọc các chương sau. Đọc phần “Kết luận, Kiến nghị và Cam kết” ở cuối báo cáo, chúng tôi không hiểu vị trí của BC ĐG ĐTM trong “hồ sơ” dự án là gì.

Sau khi đọc phiên bản đã trình Hội đồng thẩm định và phiên bản “chưa hoàn thiện” (thật ra khó tìm được những khác biệt, cả hai đều dày 467 trang A4), chúng tôi mới ngộ ra rằng BC ĐG TĐMT được xây dựng hoàn toàn khác với chờ đợi của chúng tôi.

Nội dung của BC chủ yếu là đánh giá tác động lên môi trường của việc chuẩn bị và triển khai thực hiện dự án. Còn những chương khác hầu hết là từ “cắt và dán” (copy & paste) từ báo cáo NCKT.

Trong khi đó, chúng tôi chờ đợi báo cáo đánh giá tác động lên MT nếudự án hoàn thành và đi vào vận hành. Bởi có như vậy việc thẩm định dự án (BC NCKT) mới mang đầy đủ ý nghĩa trước khi dự án được phê duyệt để thực hiện.

Phê duyệt BC ĐGĐTM, như nó được thực hiện, theo chúng tôi là một sai lầm.

Vì bốn lý do trên đây, chúng tôi cho rằng không thể phê duyệt báo cáo NCKT của dự án HTTL Cái Lớn, Cái Bé.

Chúng tôi rất hiểu và thông cảm với những bức xúc của các tỉnh và của người dân trong vùng dự án đang chờ đợi dự án được duyệt theo giới thiệu của chủ đầu tư.

Chúng tôi viết phản biện này xuất phát từ nhận thức rằng không thể giải quyết các bức xúc này bằng hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé, vì không đủ cơ sở khoa học, thậm chí có nguy cơ môi trường sẽ càng nghèo kiệt hơn, xấu hơn, sản xuất, đời sống và sinh kế của người dân không ổn định, không bền vững.

Chúng tôi cũng hiểu là nhận thức điều này không dễ vì liên quan đến tập quán, đến sự lựa chọn giữa cái trước mắt và di sản về môi trường mà chúng ta sẽ để lại cho các thế hệ mai sau.

7. Không xây hai cống Cái Lớn, Cái Bé, sắp tới làm gì?

Theo chúng tôi có mấy việc sau đây cần làm.

(1) Phải quán triệt và thực hiện nghiêm NQ 120, đặc biệt 3 ý chỉ đạo:

(1) “Mọi dự án công trình phải được tính toán thật kỹ, được phản biện khách quan, khoa học, bảo đảm không hối tiếc đầu tư”;

(2) “Trước khi chọn một giải pháp công trình, phải tính toán cán cân Được – Mất trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường”.

(3) Quy hoạch phải theo quy luật. Chú ý các giải pháp phi công trình.

Có ý kiến cho rằng để “chủ động chung sống với lũ”, “kiểm soát mặn”, phải có cống.

Hiểu như vậy là hiểu chưa đúng Nghị quyết 120. Phải dự báo tốt. Phải bố trí sản xuất và đời sống của dân cư theo đúng quy luật tự nhiên, kinh tế xã hội.

Chúng tôi không nói tất cả các cống, các kênh đào là không cần hay sai. Chúng chỉ cần và đúng khi phù hợp với quy luật.

(2) Bài toán sản xuất có hiệu quả, sinh kế và đời sống người dân ổn định, môi trường được bảo vệ trong đồng lũ nửa kín Tây nam sông Hậu, trũng treo U Minh và Trũng trung tâm Bán đảo Cà Mau phải nằm trong dự án tái cơ cấu nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, và chủ trương liên kết vùng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Không thể để dự án HTTL CLCB, nếu được phê duyệt “khống” và đi vào thực hiện, buộc Tái cơ cấu nông nghiệp phải “đồng bộ hóa” với nó!

(3) Hội thảo hôm nay, trừ một số ít tham luận, hầu như chỉ tập trung vào các công trình.

Xin kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng) và lãnh đạo các tỉnh, trước tiên là Kiên Giang, Hậu Giang và Cà Mau, sớm tổ chức một hội thảo về các biện pháp phi công trình, đặc biệt các giống cây trồng, vật nuôi thích hợp cho từng đon vị tài nguyên nông nghiệp trong địa bàn dự án. Hội thảo này sẽ bố sung hội thảo hôm nay, hướng tới một tổ hợp các giải pháp công trình không hối tiếc và phi công trình.

(4) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát lại hệ thống các kênh KH, các cống hiện có, đánh giá khách quan các mặt được và bất cập, sự phối hợp, đồng bộ hóa chế độ vận hành các cống trong các tiều vùng I, II và III (hình 3)[13]. Đặc biêt tổng kết dự án “Ngọt hóa Bán đảo Cà Mau”. Trên cơ sở rà soát và điều chỉnh vận hành các công trình hiện có, sửa sai bằng các giải pháp công trình và phi công trình, xây dựng các công trình bổ sung sau khi được chứng minh là cần thiết và không hối tiếc./.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12.09.2018.

Kính tặng đồng bào vùng đồng bằng sông Cửu Long bài viết này.

Lưu ý:  Khi trích dẫn toàn phần hay một phần bài phản biện này, cần tôn trọng ý kiến của tác giả. Các bảng, hình, biểu đồ, xin trích dẫn đầy đủ nguồn. Cám ơn.

CHÚ THÍCH:

[1] Nội dung đã được tác giả trình bày tại Hội thảo khao học tại Rạch Giá, ngày 07.09.2018.

Được thực hiện trong điều kiện khá không gấp rút (đọc hơn 500 trang A4 tài liệu nhận được từ Ban 10 không đầy 72 giờ trước hội thảo, cộng với 467 trang chiều ngày hôm trước hội thảo, bài góp ý này chưa được như tác giả mong muốn. Nó phản ánh công tác góp ý phản biện rất không bình thường. Mong rằng đây chỉ là một trường hợp cá biệt!

[2] Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, Chủ nhiệm Chương trình 60-02, 60-B, “Điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL” (1983-1990), Trưởng Ban Chỉ đạo Nghiên cứu Khai thác Bán đảo Cà Mau (1989-1992).

[3] Trần Kim Thạch, Bản đồ Môi trường vật lý đồng bằng sông Cửu Long, trong Báo cáo tổng hợp “Đồng bằng sông Cửu Long, Tài nguyên – Môi trường – Phát triển” của Chương trình 60-B. Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, Hà Nội, tháng 3.1991.

[4] Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012, Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, Hà Nội.

[5] Xem báo cáo của tỉnh Kiên Giang về vụ đám cháy rừng tràm năm 2002. Ở tỉnh Minh Hải vào những năm 1990 cũng đã có báo cáo về hậu quả của nhiều đám cháy rừng tràm nghiêm trọng trong rừng tràm U Minh Hạ.

[6] J.P. ERICSON et all, 2006, Effective sea-level rise and deltas: Causes of change and human implications. Global and Planetary Change, vol. 50, Issues 1-2, pp. 63-82.

[7] Laura E Erban, Steven M Gorelick and Howard A Zebker, Groundwater extraction, land subsidence, and sea-level rise in the Mekong Delta, Vietnam. Environ. Res. Lett. 9 (2014) 084010 (6pp).

[8] Nguyễn Ngọc Trân, Evolution of water levels at coastal hydrological stations of the mekong delta, ICEC 2018, 21-23 August 2018, University of Caen.

[9] Chủ đầu tư Dự án là Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10. Cơ quan lập các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi là một liên danh gồm Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, và Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng thủy lợi 2. Cơ quan lập Báo cáo ĐTM là Viện Kỹ thuật Biển, thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam. Và có lẽ vì vậy mà các Báo cáo NCKT, Báo cáo đánh giá ĐTM và báo cáo tóm tắt dự án “cắt” (cut) “dán” (paste) nhau khá thoải mái.

[10] Nguyễn Ngọc Trân, Nhận xét báo cáo của Dự án “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mêkông (MDS)”, tài liệu gửi Bộ trưởng Bộ TNvMT ngày 30.3.2016 và một số Bộ trưởng các Bộ có liên quan. Nội dung đã được trình bày tại hội thảo khoa học ngày 04.12.2015 tại Tp. Hồ Chí Minh.

[11] Nguyễn Ngọc Trân, Ghi nhận từ Hà Lan, trong Những hòn đá nhỏ vì sự phát triển bền vững, NXB Trẻ Tp. Hồ Chí Minh, 11.2011.

[12] Lương Phương Hậu, Xu thế chỉnh trị sông, Tạp chí KH&CN Thủy lợi, 2012, Viện Khoa học Thủy Lợi Việt Nam, Hà Nội.

[13] Theo một chuyên gia đã nhiều năm công tác quy hoạch thủy lợi ở ĐBSCL: “Chỉ cần tổng kết tác dụng đích thực của một số cống điều tiết mặn và ngọt trong khu vực Tây sông Hậu nhất là vùng ven biển Tây dọc tuyến Rạch Giá-Hà Tiên và trong bán đảo Cà Mâu, sẽ thấy rất rõ là vận hành chúng rất khó khăn để cho hiệu quả cao, phần lớn là 1/3 hiệu quả, 1/3 không hiệu quả và 1/3 là phản tác dụng, cội nguồn cơ bản là do đây là khu vực nhạy cảm nhất về thủy triều hỗn tạp không những của Việt Nam mà còn là điển hình của cả thế giới, đó là “đa hướng, đa chế độ, đa độ lớn, đa pha” đeo bám nhau, đan xen nhau chằng chịt, rượt đuổi nhau theo các chiều và pha hỗn loạn theo nhịp điệu không ngưng nghỉ nằm trong một trận đồ “bát quái” không có hiệu lệnh.”. Chúng tôi xin trích nguyên văn đoạn chia sẻ trên đây của chuyên gia này.