Trong tiến trình thực hiện các văn bản hướng dẫn Luật Lâm Nghiệp có hiệu lực từ 01/01/2019, sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định mới về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, thay thế Nghị định 119/2006/NĐ-CP về Tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm. Mặc dù đã qua nhiều lần dự thảo, góp ý, song hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh điểm mới quan trọng của Nghị định là: “Đối với các Vườn quốc gia, Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ có Hạt Kiểm lâm sẽ thuộc Cục Kiểm lâm hoặc Chi cục Kiểm lâm quản lý”.
Dự thảo Tờ trình về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng cho rằng điểm mới nêu trên sẽ góp phần giải quyết bất cập hiện nay khi nhiều nơi trên cùng một địa bàn còn nhiều tổ chức Kiểm lâm, trong đó Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có nơi thuộc UBND cấp tỉnh, nơi thuộc Sở NN&PTNT, nơi thuộc Chi cục Kiểm lâm dẫn đến thiếu thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết chế độ, chính sách cho công chức, viên chức Kiểm lâm.
Tuy nhiên, lý giải này được nhiều vườn quốc gia (VQG), khu bảo tồn (KBT) cho rằng không thuyết phục và việc đưa lực lượng kiểm lâm về trực thuộc Cục/Chi cục kiểm lâm sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng của các Ban Quản lý VQG, KBT.
Theo ông Võ Sỹ Chung – Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum thì Vườn không đồng ý với nội dung điểm mới đó. “Nếu làm vậy thì ai chịu trách nhiệm khi mất rừng, ai bảo vệ rừng đặc dụng, có vi phạm ai sẽ vào bắt giữ? Khi đó chắc chắn sẽ mất rừng. Trước đây, tôi từng làm ở Ban quản lý ừng phòng hộ Tu Mơ Rông, thực hiện theo Quyết định 17/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển giao Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ cho Chi cục kiểm lâm nhưng chỉ chuyển giao 4 cán bộ (gồm một pháp chế, một kỹ thuật, một kế toán và một phó Hạt trưởng phụ trách), thế thì ai đi quản lý bảo vệ rừng đó? Để xảy nhiều vấn đề, vi phạm tăng lên, đó là nhược điểm của Hạt kiểm lâm thuộc Chi cục kiểm lâm.” – ông Chung bày tỏ.
Cũng theo ông Chung, nếu Hạt kiểm lâm VQG, KBT trực thuộc Chi cục Kiểm lâm thì khi xảy ra các vi phạm lâm luật, các vườn/khu bảo tồn gọi điện báo thì chưa chắc Kiểm lâm đến kịp thời. Tuy nhiên, nếu thuộc Ban quản lý thì sẽ thực hiện được ngay vì: “Nếu trực thuộc Ban quản lý thì có lệnh là phải đi vì họ ăn lương của Vườn mà.”
Thêm nữa, ông Chung cũng cho rằng nếu các VQG, KBT chỉ có lực lượng chuyên trách thì không thể bắt giữ người khi xảy ra vi phạm. Nếu áp dụng Nghị định với điểm mới như vậy thì chắc chắn sau này sẽ có rất nhiều vi phạm lâm luật trong rừng đặc dụng. “Nếu đưa Hạt của Vườn về Chi cục thì mất rừng Hạt Kiểm lâm đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm chứ không thể đổ trách nhiệm lên Ban quản lý VQG”.
Kiến nghị về mô hình tổ chức Kiểm lâm trong thời gian tới, ông Chung khẳng định mô hình quản lý bảo vệ rừng tốt nhất nên dừng lại như hiện nay vì trước năm 2004, rừng đặc dụng không có Hạt Kiểm lâm đã gặp nhiều khó khăn trong bảo vệ rừng. Từ khi có lực lượng kiểm lâm của Vườn thì họ đã “chiến đấu” để bảo vệ rừng và thực tế cho thấy đôi khi họ bị hành hung vì đã dũng cảm, quyết liệt bảo vệ rừng. “Nếu không có Hạt Kiểm lâm thì các vườn quốc gia, khu bảo tồn coi như đã bị chặt đứt cánh tay phải”, theo ông Chung.
Cùng quan điểm với ông Chung, ông Võ Văn Sung, nguyên Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu cũng cho rằng “nên để nguyên như cũ, đồng thời trao thêm quyền hạn cho Hạt Kiểm lâm vườn/khu bảo tồn tương đương như Hạt kiểm lâm cấp huyện hoặc Chi cục kiểm lâm”.
Ủng hộ việc trao thêm quyền cho kiểm lâm tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn, ông Lê Văn Hương – Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà nhấn mạnh: “Nên duy trì biên chế công chức kiểm lâm trong các vườn quốc gia vì vườn quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt và thực tế là tất cả các vườn quốc gia trên thế giới đều có mô hình kiểm lâm trực thuộc vườn, trong đó mô hình vườn quốc gia của Mỹ hiện nay là hiệu quả nhất”.
Lý giải cho quan điểm không ủng hộ việc tách kiểm lâm ra khỏi vườn quốc gia, ông Hương dẫn chứng: “Việc này đã thất bại từ nghị định trước đây khi thử nghiệm áp dụng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập thuộc tỉnh Bình Phước. Có thể là do một VQG thực hiện rất nhiều các chương trình hoạt động khác nhau và các chương trình này liên kết chặt chẽ và không tách rời. Chẳng hạn, chương trình bảo tồn đa dạng sinh học phải gắn với hoạt động bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng của kiểm lâm…”.
Ngoài ra, ông Hương cho rằng nên giải thể tổ chức Kiểm lâm vùng (I, II, III, IV) vì trùng với chức năng và nhiện vụ của các Chi cục Kiểm lâm và giúp giảm bên chế công chức của Bộ. Riêng đối với rừng phòng hộ, ông Hương cho rằng chỉ nên duy trì tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thay vì Kiểm lâm.