Hiện nay, nước ta có khoảng 27% dân số sống dựa vào rừng. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao có gần 10% dân số là người nghèo và người dân tộc thiểu số sinh sống bên trong hoặc gần các khu rừng tự nhiên, cuộc sống, văn hóa gắn bó với rừng và phụ thuộc vào rừng. Họ cũng chính là một phần quan trọng trong công tác Bảo vệ và Phát triển rừng nhưng sinh kế của họ đã thực sự sống được nhờ rừng? Luật Lâm nghiệp sắp có hiệu lực đang được kỳ vọng sẽ tạo ra một hướng đi mới cho ngành Lâm nghiệp nước ta.
Ngày 01/01/2019 tới đây, Luật Lâm nghiệp chính thức có hiệu lực và được kỳ vọng ở hàng loạt Nghị định, Thông tư hướng dẫn dưới Luật ban hành kèm theo sẽ đạt được sự cân bằng mong muốn giữa thu nhập từ rừng cho người dân và cộng đồng, với việc duy trì và nâng cao chất lượng giá trị của rừng, trên mảnh đất của chính họ thông qua những chính sách của Nhà nước.
Những chính sách hưởng lợi cải thiện sinh kế cho người dân
Cải thiện sinh kế cho người dân và cộng đồng gắn với Bảo vệ và Phát triển rừng không chỉ là mục tiêu, yêu cầu, mà còn là giải pháp quan trọng được xác định trong các Văn bản pháp luật, chính sách và đường lối phát triển Lâm nghiệp ở nước ta.
Điều này càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng cao, nơi có gần 10% dân số là người nghèo và người dân tộc thiểu số sinh sống bên trong hoặc gần các khu rừng tự nhiên (xấp xỉ 10,2 triệu hecta). Những khu rừng này có thể là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hay rừng sản xuất – đều cần được bảo vệ nghiêm ngặt hoặc đã bị đóng cửa, cấm khai thác gỗ theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2014.
Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) chia sẻ cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và có tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất, nhiều địa phương trên đất nước ta đã lựa chọn hướng đi lên từ lâm nghiệp, coi lâm nghiệp là một trong những trụ cột cho phát triển bền vững của nền kinh tế sử dụng đất dốc, đất ven biển và hải đảo, nơi có lợi thế về lâm nghiệp và phải đối mặt với nhiều rủi ro, thiên tai”.
Thực tế cho thấy rằng, việc cải thiện sinh kế gắn với bảo vệ và phát triển rừng là một lựa chọn “khôn ngoan” để cùng đạt được trạng thái “cân bằng” giữa “cuộc sống của người dân” với “sự tồn tại và phát triển của rừng”.
Về góc nhìn này, trách nhiệm của Nhà nước là đề ra những chính sách mang tính khuyến khích cao để huy động sức dân vào nền lâm nghiệp xã hội, nhằm vừa cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người người dân, vừa bảo vệ và phát triển rừng, ứng phó có hiệu quả với thiên tai, rủi ro và với biến đổi khí hậu.
“Mặc dù vậy, chính sách hiện hành (từ 2018 trở về trước) vẫn chưa được hoàn thiện, còn thiếu những chính sách có hiệu quả để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “mất rừng theo kiểu mới”, tức là mất trữ lượng, giảm chất lượng và thất thoát tài sản rừng, mà nguyên nhân cơ bản là chưa kêu gọi được “sức dân” theo hướng đem lại “lợi ích thiết thực” cho người dân trong khi giảm được “gánh nặng ngân sách” cho Nhà nước” – ông Điển cho biết thêm.
Luật lâm nghiệp (số 16/2017/QH14) có hiệu lực thi hành từ 01/01/2019 đã tạo tiền đề tốt cho việc xây dựng các chính sách gắn kết sinh kế với bảo vệ và phát triển rừng.
Trước khi Luật lâm nghiệp được thông qua, năm 2004 Luật Bảo vệ & Phát triển rừng đã công nhận thành quả lao động, được hỗ trợ vốn và kỹ thuật. Không được chia nhỏ, cho thuê, thế chấp và góp vốn bằng rừng. Tiếp theo đó, Quyết định số 304/2005/QĐ-TTG về thí điểm giao rừng cộng đồng ở Tây nguyên cho rằng rừng khoán được hưởng tiền khoán bảo vệ: 50.000 ha/năm, hỗ trợ cây giống, hộ nghèo được cấp 10 kg gạo/tháng/người để cứu đói, hỗ trợ hộ nghèo 05 triệu đồng/hộ để làm nhà và 400.000 đồng làm bể nước. Còn đối với rừng giao được hưởng toàn bộ sản phẩm thu hoạch trên diện tích được giao, hỗ trợ cây giống và nguồn lợi khác.
Sau đó một năm, Thông tư số 17/2006/TT-BNN (hướng dẫn Quyết định 304) thì rừng khoán và rừng giao người dân cũng được hưởng lợi rất nhiều. Quyết định số 106/2006/QĐ-BNN về hướng dẫn quản lý rừng cộng đồng (cho 40 xã thí điểm) – Sử dụng dưới 20% diện tích đất trống cho trồng cây nông nghiệp, tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch, hỗ trợ tiền vật tư theo chương trình 661… Công văn số 2324/BNN-LN (2007) hướng dẫn khai thác rừng cộng đồng – Đối tượng đưa vào khai thác: (50, 60, và 70 m3/ha). Đường kính khai thác: 5 cây có đường kính 26, 30 cm) cũng mang lại nhiều lợi ích cho người dân.
Đặc biệt, khi Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chi trả dịch vụ môi trường rừng được ban hành đã nêu rõ Tổ chức cá nhân hưởng lợi từ DVMTR phải chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng (cộng đồng là 01 chủ thể): 20 đ/Kwh; 40 đ/1m3 nước, cơ chế ở cấp tỉnh 10 % cho quản lý quỹ, 5% dự phòng và 85 % cho cá nhân/cộng đồng.
Người dân đã cải thiện được sinh kế nhờ rừng?
Nhờ những chính sách của Nhà nước, nhiều Dự án nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, hưởng lợi từ rừng đã được triển khai ở một số vùng trên cả nước và đang mang lại hiệu quả tích cực, được người dân hưởng ứng và thực hiện.
Tại tỉnh Hà Giang, đã triển khai Dự án góp phần bảo tồn nguồn gen cây thuốc người Dao và cải thiện sinh kế thông qua phát triển dịch vụ tắm lá thuốc và các sản phẩm từ cây thuốc ở xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ). Dự án được thực hiện từ tháng 11/2015 đến tháng 01/2018. Dự án đã tạo được các kết quả tốt có ý nghĩa đề xuất chính sách trong việc tổ chức cộng đồng dân tộc thiểu số làm kinh tế từ nguồn gen cây thuốc có giá trị ở địa phương.Từ đó mang lại nguồn thu để cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế trong vùng.
“Bảo vệ rừng là bảo vệ không gian sinh tồn, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sinh kế của người dân và không gian di sản của cha ông. Do vậy, mọi hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép là tội ác” – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định trong một Hội nghị tại tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 3/2017. |
“Nâng cao năng lực phát triển mô hình sinh kế bền vững nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào rừng đặc dụng tại vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã” là một Dự án đã được thực hiện tại hai xã Thượng Nhật và Hương Lộc, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế từ tháng 3 năm 2016. Một trong những nội dung quan trọng của Dự án này là phát triển quỹ sinh kế cho cộng đồng người dân tộc Cơ Tu và Kinh – những người có sự phụ thuộc lớn vào việc khai thác lâm sản từ rừng tự nhiên. Quỹ sinh kế được tài trợ bởi GEF (Quỹ Môi trường toàn cầu) giúp người dân tạo ra các nguồn sinh kế khác thay thế cho lâm sản, như nuôi gà, lợn, trâu, bò sinh sản; trồng gấc, hoa cảnh và trồng mía. Dự án đã có tác động làm giảm số vụ khai thác rừng trái phép tại vùng Dự án.
Trao đổi với Phóng viên, ông Đoàn Trọng Hậu, Chủ tịch UBND xã Hương Lộc cho biết: “Trước đây có một số vụ lấn rừng xã đã mời người vi phạm đến UBND xã và yêu cầu dừng ngay. Chúng tôi dập ngay không để diễn ra. Đồng thời xã có những chính sách, hướng dẫn, tuyên truyền bà con phát triển kinh tế như chăn nuôi, trồng rừng và đã giảm được áp lực đến rừng Quốc gia”.
Là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất nhì cả nước, tỉnh Quảng Nam từ lâu đã vận dụng những chính sách của Nhà nước giúp người dân “sống” được nhờ rừng. Tại xã Axan, huyện Tây Giang (Nơi có rừng pơmu được công nhận là cây di sản) Ngoài nhận được tiền từ Chính sách CTDVMTR, gần đây khi chính quyền địa phương đang đầu tư và có những kế hoạch lâu dài cho phát triển du lịch sinh thái, rất nhiều người dân sinh sống quanh những khu rừng Pơ Mu ngàn tuổi đang nghĩ về một tương lai tốt đẹp hơn, khi du lịch phát triển bà con sẽ có nguồn thu từ rừng, và những dịch vụ khác cũng phát triển theo như chăn nuôi, trồng cấy những cây, con đặc sản của vùng này.
Ông Phạm Quốc Hường, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư và Phát triển Du lịch Tây Giang chia sẻ: “Chúng tôi luôn luôn lấy văn hóa làng của người Cơ Tu để bảo vệ rừng, để phát triển du lịch, sử dụng văn hóa làng đó là sử dụng con người, già làng để bảo vệ rừng, luôn lấy rừng làm nòng cốt để bảo vệ nhằm gây dựng cây xanh, giữ được rừng xanh từ đó phát triển du lịch sinh thái Tây Giang. Đời sống bà con sẽ tốt hơn khi họ bảo vệ rừng tốt và hưởng lợi từ đó”.