Để tránh tác động xấu đến môi trường và cứu lấy ngành du lịch, 2 địa phương có trữ lượng titan lớn nhất nước là Ninh Thuận và Bình Thuận mạnh tay chấn chỉnh, không cho khai thác titan tràn lan trên địa bàn.
Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế – xã hội, ổn định dân sinh, từ nay đến năm 2023. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm dừng các dự án khai thác titan ở Ninh Thuận, để xây dựng tỉnh này thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Hợp lòng dân
Theo quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác quặng titan được Chính phủ phê duyệt vào năm 2013, tỉnh Ninh Thuận có khoảng 4.345 ha, chủ yếu ở 2 huyện Thuận Nam và Ninh Phước. Hiện có 2 dự án khai thác titan được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cấp phép là dự án Công ty CP Khoáng sản Sài Gòn (1.132 ha, tại xã An Hải, huyện Ninh Phước) và dự án của Công ty CP Vinaminco (1.033 ha, tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam). Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Ninh Thuận, đến nay dự án của Vinamico chưa thực hiện giải phóng mặt bằng, còn dự án của Công ty CP Khoáng sản Sài Gòn sau khi khai thác 2 ha đã dừng hoạt động từ tháng 9-2014.
Trong văn bản mới đây gửi Bộ TN-MT, UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định 2 dự án trên không thể thực hiện vì công nghệ khai thác lạc hậu, sử dụng nguồn nước để lắng lọc quá lớn, không phù hợp với điều kiện khô hạn của địa phương. Hơn nữa, một số tác động về môi trường như hoàn thổ sau khai thác, kiểm soát bùn thải, an toàn phóng xạ…, chưa được nhận diện cụ thể trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Chưa kể thời gian thực hiện quá dài, đến hơn 30 năm, sẽ gây bất lợi cho việc khai thác hiệu quả đất đai.
Đáng chú ý là lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cũng đã nghiêm túc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Người dân trong vùng dự án không đồng thuận, phản đối quyết liệt vì khai thác titan gây tác động xấu đến môi trường. Điển hình là cuối tháng 3-2014, khi Công ty TNHH MTV Quang Thuận được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép khai thác tận thu titan trên diện tích 90 ha trong vùng dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân (tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) thì hàng trăm người dân tụ tập phản đối, thậm chí đập phá tài sản của doanh nghiệp, gây mất trật tự an ninh.
Vụ việc sau đó được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận chỉ đạo UBND tỉnh có biện pháp cần thiết để dừng dự án này. Nhưng sau khi Quang Thuận dừng hoạt động, Bộ TN-MT lại tiếp tục cấp phép cho Công ty Vinamico khai thác titan như nói trên. Rất may là công ty này chưa triển khai, nếu không chắc chắn sẽ tiếp tục vấp phải phản đối của người dân.
Vì lý do này, ông Lê Huyện, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, cho rằng việc cho dừng các dự án titan là hợp với lòng dân.
Bỏ titan để cứu du lịch
Ninh Thuận cùng với Bình Thuận là 2 tỉnh có trữ lượng titan cao nhất nước với khoảng 600 triệu tấn.
Tại Bình Thuận, sau loạt bài “Vỡ mộng “cơn lốc vàng đen”” titan của Báo Người Lao Động (khởi đăng từ ngày 28-8), UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư tạm dừng khai thác quặng titan trong vòng 90 ngày để khắc phục vi phạm. UBND tỉnh giao Sở TN-MT, Công an tỉnh kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 10-9 cho thấy các mỏ titan từng rầm rộ khai thác trước đây mà báo phản ánh, như: mỏ titan ở khu vực Long Sơn – Suối Nước của Công ty TNHH Phú Hiệp (phường Mũi Né, TP Phan Thiết), mỏ Thiện Ái của Công ty TNHH Đức Cảnh (xã Hòa Thắng và xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình), mỏ Thuận Quý của Công ty TNHH Tân Quang Cường (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam)… đều đã dừng hoạt động.
Tại khu vực mỏ của Công ty TNHH Phú Hiệp, công nhân đã về quê hoặc bỏ đi nơi khác làm ăn. Hiện trường để lại là những hố sâu nằm trên các quả đồi chưa được hoàn thổ. Tương tự, hoạt động khai thác titan tại mỏ Thiện Ái cũng dừng lại. Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình, xác nhận thêm: “Việc khai thác titan trên toàn huyện đã dừng hoàn toàn và đang khắc phục các vi phạm theo chỉ đạo của UBND tỉnh”.
Còn tại khu vực mỏ Thuận Quý, sau khi tiếp nhận phản ánh có dấu hiệu hoạt động trở lại, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Tân Quang Cường giữ nguyên hiện trạng, không tác động vào khu vực mỏ cho đến khi xử lý xong các vi phạm.
Những động thái trên cho thấy lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đang rất cương quyết dẹp bỏ khai thác titan vốn làm kiệt quệ tài nguyên quốc gia. Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, bày tỏ sự đồng tình: “Việc khai thác titan ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến ngành du lịch – một ngành mũi nhọn của tỉnh Bình Thuận”.
Làm du lịch, năng lượng tái tạo tốt hơn
Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết ngoài 2 dự án khai thác titan của Công ty CP Khoáng sản Sài Gòn và Công ty CP Vinaminco, Bộ TN-MT còn phê duyệt trữ lượng cho 2 dự án khai thác titan khác của Công ty Đất Quảng – Ninh Thuận và Công ty Vinaxuki – Ninh Thuận, với tổng diện tích trên 1.020 ha. Tuy nhiên, sau 4 năm được phê duyệt, 2 doanh nghiệp này vẫn chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác. Ông Nam khẳng định với những khó khăn thực tế, 2 doanh nghiệp này không thể thực hiện dự án, nếu thực hiện cũng không hiệu quả. Ngoài ra, qua rà soát, còn khoảng 800 ha ở huyện Thuận Nam có titan nên UBND tỉnh đề nghị Bộ TN-MT kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch, đưa số diện tích này vào vùng dự trữ khoáng sản quốc gia và đã được Chính phủ chấp thuận. “Phát triển năng lượng tái tạo, đẩy mạnh du lịch tốt hơn” – ông Nam nêu quan điểm. |
Bình Định – Quảng Nam từng trả giá đắt
Trước những hệ lụy từ việc khai thác titan, UBND tỉnh Bình Định cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng địa phương kiểm tra, thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ đối với các đơn vị đã hết thời hạn cấp phép. Trước đó, khai thác titan tại tỉnh Bình Định từng được ví như cơn lốc bởi hàng loạt doanh nghiệp kéo về đây phá rừng, cày xới đất. Cách đây chừng 5 năm, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ (Bình Định) là đại công trường với khoảng 17 doanh nghiệp ngày đêm khai thác titan. Thời kỳ hậu khai thác titan, doanh nghiệp rời đi, làng quê này xơ xác bởi những bãi cát trống trắng xóa, thiếu bóng cây rừng. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tình trạng khai thác titan không đúng quy định còn cướp đi sinh mạng của nhiều người. Đã có hơn 10 người chết liên quan đến khai thác titan ở xã Mỹ Thành, trong đó 5 người do rơi xuống hố khai thác. Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, vào năm 2011, tỉnh Quảng Nam có cấp phép cho Công ty CP Khoáng sản Đất Quảng Chu Lai khai thác titan tại khu vực gần sân bay Chu Lai (huyện Núi Thành). Dự án này chỉ khai thác một thời gian ngắn và dừng hẳn từ đó đến nay do vướng đất quốc phòng. Đ.Anh – Tr.Thường |