Thủy điện lớn nhất Bắc Trung bộ báo cáo việc xả lũ “khủng”

Khi nước về hồ thủy điện Bản Vẽ – thủy điện lớn nhất Bắc Trung bộ với lưu lượng lớn 4.200 m3/giây, hồ chứa chuyển từ chế độ vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du sang chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình.

Ngày 6-9, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã có báo cáo về công tác phòng, chống thiên tai, xả lũ đối với đợt mưa lớn vừa qua.

Trong đợt lũ lịch sử vừa qua, khi hồ thủy điện Bản Vẽ (đóng tại xã Yên Na, huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An) đang xả lũ thì cầu Bản Vẽ bắc qua sông Cả bị trôi, chỉ còn lại một phần đầu cầu bên bờ phải. Ngoài ra, hệ thống đường vận hành có 22 điểm sạt lở, khối lượng đất đá sạt lở ước tính trên 3.000 m3.

Thủy điện Bản Vẽ xả lũ.

UBND xã Yên Na thống kê cho biết ngay tại Bản Vẽ có hơn 10 hộ dân bị trôi mất nhà và phải tháo dỡ di chuyển, hàng chục gia đình bị ngập sâu, tài sản bị cuốn trôi. Nhiều con đường cũng bị sạt lở, hư hỏng, nhiều nhà dân đang bị nứt.

Theo Công ty Thủy điện Bản Vẽ, trong và sau bão số 4, hồ chứa nước thủy điện Bản Vẽ đã có công cắt giảm lũ cho hạ du bởi có thời điểm nước về hồ hơn 4.200 m3/giây nhưng chỉ xả lũ hơn 2.000 m3/giây.

Tuy nhiên, khi mực nước hồ chứa về đến cao trình 199,16 m (tương ứng với dung tích phòng lũ khoảng 40 triệu m3) thì từ ngày 29 đến 31-8, trên lưu vực thủy điện Bản Vẽ đã xảy ra mưa lớn làm cho lưu lượng lũ về hồ Bản Vẽ tăng trở lại. Do đó, khả năng cắt giảm lũ cho hạ du đợt vừa qua là không nhiều.

“Các đợt mưa lớn xảy ra liên tiếp nhau làm cho tình hình thủy văn thời gian qua diễn biến phức tạp, lưu lượng nước về hồ luôn ở mức cao, tính trung bình trong tháng 8-2018 là hơn 1.300 m3/giây. Có thể nói đây là giá trị lưu lượng trung bình tháng lịch sử bởi vì lưu lượng trung bình tháng 8 tần suất 1% chỉ là 594 m3/giây” – báo cáo do ông Tạ Hữu Hùng, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ, ký nêu.

Cầu Bản vẽ bị lũ cuốn hư hỏng.

Lúc 16 giờ 30 ngày 29-8, lưu lượng lũ về hồ Bản Vẽ là 930 m3/giây và lượng xả lũ trước 21 giờ ngày 29-8 là 1.200 m3/giây.

Đến 13 giờ 30 ngày 30-8, lưu lượng lũ về hồ tăng nhanh đến hơn 2.800 m3/giây, mực nước hồ chứa ở cao trình 199,16 m (tương ứng với dung tích phòng lũ khoảng 40 triệu m3). Lúc 22 giờ 30 ngày 30-8, lưu lượng lũ về hồ đạt đỉnh ở mức 4.010 m3/giây.

Hồ chứa vận hành xả nước qua công trình với lưu lượng nhỏ hơn lưu lượng lũ về hồ để cắt giảm lũ cho hạ du. Sau khi đạt đỉnh, lũ xuống chậm, đến 7 giờ ngày 31-8, lưu lượng lũ về hồ tăng trở lại với đỉnh lũ mới là 4.260 m3/giây lúc 10 giờ cùng ngày. Sau đó lũ xuống chậm, đến ngày 5-9, lũ vẫn ở mức trên 1.000 m3/giây.

Từ 13 giờ 30 ngày 30-8 đến thời điểm hiện tại: Mực nước hồ ở cao trình mực nước dâng bình thường 200 m, hồ chứa chuyển từ chế độ vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du sang chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình, lưu lượng xả nước qua công trình bằng lưu lượng lũ về hồ.

Thủy điện Bản Vẽ cũng cho biết các hạng mục công trình đầu mối làm việc bình thường, đảm bảo an toàn trong mùa lũ năm 2018.

Báo cáo cho rằng trước và trong thời gian vận hành hồ chứa chống lũ, Công ty Thủy điện Bản Vẽ luôn phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, UBND huyện Tương Dương và các xã, bản vùng hạ du để tuyên truyền về việc điều tiết lũ hồ chứa, do đó mặc dù hồ xả nước với lưu lượng lớn, ngập lụt trên diện rộng nhưng không có thiệt hại về người.

Hiện UBND tỉnh Nghệ An đang yêu cầu cơ quan chức năng rà soát lại quy trình vận hành hồ thủy điện, chỉ ra những bất cập để khắc phục.

Hiện Công an huyện Tương Dương đang xác minh, điều tra khoảng sáu người tung tin thất thiệt vỡ đập thủy điện Bản Vẽ vào ngày 31-8 khiến người dân hoang mang, hoảng loạn, hàng trăm người chạy lên núi cao.

Nguồn: