Câu chuyện đầy cảm hứng về cách một cộng đồng quyết tâm giữ rừng để rồi hưởng lợi từ rừng đã minh họa rõ nét cho thông điệp: con người là trung tâm của quản trị rừng và quản trị rừng là trung tâm của phát triển bền vững.
Đặt người dân vào trọng tâm của quản trị rừng
Rừng chè cổ thụ phía trên đồi ngôi làng Phonesavang của người thiểu số Akha và La Hủ thuộc huyện Meung, tỉnh Bokeo, Lào đã mang lại cho người dân nơi đây cuộc sống sung túc hơn. Tuy nhiên, để có được thành quả này, họ đã đi một chặng đường dài, từ những nỗ lực vượt qua chính mong muốn “ăn xổi” của mình đến sự trợ giúp của một hiệp hội phi lợi nhuận của địa phương.
Sở hữu những cánh rừng chè cổ thụ cha ông truyền lại, dân làng Phonesavang từng nghĩ đến việc bán chè, nhưng khi chỉ được trả giá 25 cent/kg từ thương lái Trung Quốc, họ bắt đầu nghĩ đến việc phải tự tìm kiếm thị trường của mình. Họ gõ cửa và cửa đã mở. MHP – một hiệp hội phi lợi nhuận địa phương hoạt động nhằm mục đích phát triển sinh kế của người dân tộc ở tỉnh Bokeo đã mở hướng đi cho họ.
Bà Vansy Senyavong, Giám đốc MHP – một hiệp hội phi lợi nhuận ở địa phương, người đang nỗ lực tìm kiếm các cách thức trao quyền và cải thiện sinh kế cho các cộng đồng dân tộc đã nhận thấy rằng những thay đổi kinh tế nhanh chóng trong khu vực không mang lại lợi ích cho người dân địa phương mà còn có thể dẫn đến tình trạng phá rừng và phát triển nông nghiệp lạm dụng hóa chất.
Bà cũng nhận thấy các cộng đồng theo truyền thống đang bị rạn vỡ vì khoảng cách giữa giàu nghèo gia tăng và những người trẻ rời làng. Bà muốn giữ rừng bằng cách tạo ra một doanh nghiệp thuộc sở hữu của cộng đồng mang lại thu nhập và lợi ích dài hạn cho họ từ rừng.
Với tầm nhìn này, MHP đã cùng dân làng Phonesavang thành lập Hợp tác xã Chè rừng Meung Mountain vào năm 2016 dưới hình thức một doanh nghiệp xã hội.
Mọi chuyện không suôn sẻ trong buổi đầu phát triển khi một lời đề nghị rất hứa hẹn đến với dân làng từ các nhà đầu tư Trung Quốc muốn thuê đất rừng chè để thiết lập các đồn điền trồng chuối độc canh. Đổi lại dân làng không chỉ được nhận tiền thuê đất mà còn được nhận vào làm việc trên các đồn điền.
Sự hấp dẫn của tiền mặt ban đầu đã khiến dân làng ngả theo, chính quyền địa phương cũng ủng hộ kế hoạch cho thuê đất. Bà Vansy đã phải thuyết phục cả chính quyền và người dân khước từ lời đề nghị “hấp dẫn” này. Bà cho rằng việc bảo vệ rừng chè sẽ giúp người dân có sinh kế bền vững trong khi cho thuê đất sẽ khiến rừng và suối của họ bị hủy hoại. Với chính quyền, bà đã thuyết phục rằng người dân có thể bảo vệ rừng và họ có quyền hưởng dụng trên mảnh đất mà tổ tiên để lại. Cuối cùng, Vansy đã thành công trong việc giữ lại rừng chè cho người dân.
Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi, đầu tư tài chính, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và thu hái chè cho người dân, năm 2017 lô thử nghiệm chè rừng hữu cơ của hợp tác xã đã được người mua trong nước và quốc tế đón nhận nồng nhiệt.
Hiện tại người dân làng Phonesavang đã có thể kiếm tiền từ trà. Với 1,75USD/kg chè tươi, một hộ có thể thu hái 4-5 kg/ngày, giúp họ có thêm thu nhập mà vẫn bảo tồn được rừng chè cổ thụ cho các thế hệ tương lai. Mục tiêu của bà Vansy hiện tại là sản phẩm của hợp tác xã có thể đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để có được các đơn đặt hàng dài hạn và sau đó bà sẽ phát triển mô hình này ra 5 ngôi làng lân cận.
Rừng là trung tâm của phát triển bền vững
Trên đây là một trong những câu chuyện được bà Vansy Senyavong chia sẻ tại Diễn đàn Con người và Rừng 2018 do Trung tâm Vì con người và Rừng (RECOFTC) tổ chức tại Băng Cốc trong hai ngày 19-20/8.
Câu chuyện đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các đại biểu tham dự. Bởi lẽ nó minh họa một cách rõ nét thông điệp mà Diễn đàn mang lại, rằng cộng đồng đóng vai trò đặc biệt quan trọng và nổi bật trong công cuộc giữ rừng, và việc tạo điều kiện để người dân giữ rừng được hưởng lợi từ rừng là một chiến lược hiệu quả để bảo tồn các cánh rừng, đồng thời cũng mang lại cho họ cuộc sống ấm no hơn.
Nhấn mạnh thông điệp này tại Diễn đàn, ông David Ganz – Giám đốc RECOFTC, khẳng định tầm quan trọng của việc giữ người dân ở trung tâm quản lý rừng bền vững. Theo ông cách tiếp cận phục hồi cảnh quan rừng (Forest Landscape Restoration – FLR) phố biến hiện nay là quan trọng nhưng chưa đủ vì còn thiếu mục tiêu kết nối con người và rừng. Cũng theo ông, việc kết hợp kiến thức bảo tồn bản địa và đảm bảo quyền sử dụng đất của cộng đồng là điều kiện tiên quyết để quản lý rừng bền vững.
Câu chuyện trên cũng minh họa một cách rõ ràng nhận định xuyên suốt Diễn đàn, rằng bảo vệ rừng sẽ đóng góp đáng kể cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hiệp quốc, về xóa nghèo (SDG 1) và xóa đói (SDG 2), như cách mà người dân làng Phonesavang đã có thêm thu nhập cho các nhu cầu khác bên ngoài lối sống tự cung tự cấp của họ trước kia nhờ vào rừng.
Mối liên hệ giữa rừng và SDG đã được TS. Yurdi Yasmi thuộc Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) nhấn mạnh tại Diễn đàn. Ngoài SGD 1 và SD2, TS. Yasmi còn khẳng định vai trò của rừng trong việc đạt được SDG 15 (Bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn (SDG 15) và SDG 11 (Các thành phố và các cộng đồng bền vững). Theo ông, rừng quan trọng hơn bao giờ hết trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu của thời đại này, bao gồm biến đổi khí hậu, năng lượng, khan hiếm nước, an ninh lương thực và các thảm họa.
Diễn đàn cũng có nhiều chia sẻ về các cách thức và bài học quản trị rừng tốt. Bên cạnh những trao đổi chuyên môn về các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi trong quản trị rừng như tính minh bạch, hiệu quả, hiệu lực, sự tham gia và bình đẳng…, thì đối với bà Vansy Senyavong, quản trị rừng tốt đơn giản chỉ là khi “rừng được bảo vệ; người dân có quyền được sử dụng rừng một cách bền vững để phát triển sinh kế; phụ nữ và đàn ông có quyền bình đẳng trong quản lý rừng, trong tiếp cận và chia sẻ lợi ích bình đẳng từ rừng”. Và đó cũng chính là những gì mà bà coi là sứ mệnh để theo đuổi trong các hoạt động của mình với Hiệp hội MHP.
Bạch Dương