Việt Nam đang ở thế khó khi các con đập liên tiếp được xây dựng ở thượng nguồn sông Mê Kông.
Cả Đông Nam Á chấn động khi đập Xe Pian – Xe Nam Noy, một con đập trên dòng nhánh của sông Mê Kông tại Lào, bị vỡ vào tháng 7. Là một nước ở hạ nguồn, Việt Nam đang ở thế khó khi các con đập liên tiếp được xây dựng ở thượng nguồn và đặc biệt tiềm ẩn rủi ro như sự cố vừa qua. Thiệt hại của việc xây dựng thủy điện dày đặc ở Lào đến mức nào? Chiến lược “bình ắc quy” Đông Nam Á của Lào dựa trên cơ sở gì và Việt Nam có thể làm gì để thay đổi cục diện?
Thiệt hại được tính trước
Tháng 5.2018, quan ngại về việc xây dựng đập Sê Kông 1 trên dòng Sê Kông cũng đã được Gregory A. Thomas, Viện Di sản Thiên nhiên Mỹ (NHI) và Jake Brunner, Giám đốc phụ trách IUCN khu vực Indo Burma, đưa ra. Sông Sê Kông là dòng nhánh lớn cuối cùng của sông Mê Kông chưa bị cản trở bởi các đập thủy điện.
Vì vậy, trở thành tuyến đường duy nhất còn mở cửa cho các loài cá di cư di chuyển lên đầu nguồn để sinh sản trước khi về tới Biển Hồ của Campuchia để kiếm thức ăn và phát triển thành cá trưởng thành có thể khai thác thương phẩm. Việc chặn sông Sê Kông có thể làm suy giảm khoảng 20% tổng sản lượng cá của toàn lưu vực do một nửa lượng cá đánh bắt ở lưu vực sông Mê Kông là các loài di cư ở khoảng cách dài.
Các đồng bằng sẽ chìm dần theo tự nhiên và chỉ có thể duy trì ở trên mực nước biển nếu liên tục được bồi đắp phù sa, đặc biệt là cát. Sông Sê Kông cũng là nguồn phù sa cuối cùng còn lại từ các lưu vực 3S (do 3 con sông Sê Kông, Srepôk và Se San tạo thành) chuyển tới vùng châu thổ sông Mê Kông. Do vậy, việc chặn dòng chảy tự do của sông là mối đe dọa đến sự tồn vong của đồng bằng này.
Đập Sê Kông 1, được liên doanh đầu tư trong đó có 1 doanh nghiệp Việt, chỉ có công suất 76MW, khoảng 1/10 công suất của đập Yali, rất nhỏ để có thể đóng góp cho tổng sản xuất điện của khu vực. “Vì vậy, nếu so sánh với lợi ích phát điện, thì chi phí bao gồm cả chi phí cơ hội của đập Sê Kông 1 là quá lớn và không tương xứng”, Thomas và Brunner nhận định. Trước đó, năm 2012, các nhà khoa học đến từ Đại học Princeton và các trung tâm về cá ở Campuchia đã thực một nghiên cứu nhằm lượng hóa một cách tương đối tác động của những con đập trên sông Mê Kông đến sự đánh đổi về đa dạng sinh học và an ninh lương thực.
Các tình huống được đặt ra giữa việc xây dựng 16 đến 78 con đập trên dòng phụ và đến 11 con đập trên dòng chính. Các nhà khoa học đã phát hiện ra việc xây dựng tất cả 78 con đập trên dòng phụ, không tính đến các đập trên dòng chính, sẽ sản xuất ít điện năng hơn và đưa đến rủi ro về môi trường lớn hơn chỉ xây dựng 6 con đập trên dòng chính ở hạ nguồn sông Mê Kông.
Nghiên cứu chỉ tập trung vào những con đập có số phận chưa xác định, bao gồm 27 con đập có kế hoạch xây dựng từ năm 2015 đến năm 2030. Nếu tính riêng lẻ, các con đập có tác động lớn nhất đến tổng lượng cá là Hạ Se San 2 (LSS2), làm giảm 9,3% tổng lượng cá trong cả lưu vực sông, Sê Kông 3d (2,3%), Sê Kông 3u (0,9%) và Sê Kông 4 (0,75%).
Đầu tiên, việc tăng thêm mỗi terawatt giờ điện hằng năm (TWh/y) làm tổng lượng cá giảm khoảng 0,3%, tương đương 1.700 tấn mỗi năm. Nếu vượt quá mức tăng 14 TWh/y, việc xây dựng đập trên sông Sê Kông gây ra thiệt hại năng suất 1,3%, tương đương 8.200 tấn mỗi năm trên mỗi TWh/y tăng thêm và LSS2 chiếm 4% lượng cá mất đi, tương đương 25.300 tấn cá mỗi năm cho mỗi TWh/y sản xuất ra. Sự đánh đổi về số lượng loài bị đe dọa cũng tương tự đối với công suất thủy điện.
Nghiên cứu cho thấy số lượng loài bị đe dọa tăng lên ở mức trung tính (với LSS2) hoặc không đáng kể (không có LSS2) khi tăng đến 12-14 TWh/y, theo sau sự gia tăng mạnh trong việc sụt giảm đa dạng sinh học cho mỗi TWh điện tăng thêm mỗi năm. Các nhà khoa học cũng quan sát thấy một mối quan hệ nghịch giữa lượng cá di cư và số lượng loài bị đe dọa.
Trong thực tế, những kịch bản có số lượng cá mất dưới 5% thì đa dạng sinh học tương đối không bị ảnh hưởng, trong khi trên mức này thì cứ 1% lượng cá mất đi sẽ có 6 loài bị rơi vào trạng thái nguy kịch. Phát hiện này đặc biệt quan trọng bởi vì liên quan đến sự dồi dào của lượng cá, cơ sở hệ sinh thái dự phòng cho đa dạng sinh học có giá trị đáng kể trong mắt của các bên liên quan ở cấp độ địa phương, cơ sở hệ sinh thái hỗ trợ có giá trị vẫn mơ hồ hoặc đánh giá thấp.
Mặc dù nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy tác động xuyên biên giới đáng kể của phát triển đập nhánh, trọng tâm của nghiên cứu khoa học, truyền thông và nỗ lực quốc tế chỉ tập trung vào việc tránh xây dựng đập chính, đặc biệt là đập Xayaburi gây tranh cãi. Phân tích của các nhà khoa học cho thấy việc xây dựng tất cả các đập nhánh dự kiến, gần như tất cả trong biên giới quốc gia Lào, sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến lưu vực đa dạng sinh học loài cá và năng suất cá vùng đồng bằng của Campuchia và Việt Nam, so với tác động kết hợp của 6 con đập trên dòng chính sông Mê Kông, bao gồm Xayaburi.
Chiến lược “bình ắc quy” của Đông Nam Á
Sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian – Xe Nam Noy, PanNature đã đăng tải tuyên bố của Liên minh Cứu sông Mê Kông: “Đây không phải là một thảm họa tự nhiên mà bắt nguồn từ sai sót của các nhà thầu xây dựng thủy điện”. Nhiều cộng đồng Lào và cộng đồng sống ven sông Mê Kông ngày càng dễ bị tổn thương trước những thảm họa tương tự và bị đe dọa bởi các vấn đề môi trường nghiêm trọng với kế hoạch xây dựng 11 dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông và 120 dự án đập khác trên các phụ lưu đến năm 2040. Các dự án mang lại rủi ro cao chủ yếu được lên kế hoạch xây dựng tại Lào theo chính sách nhằm biến nước Lào thành “cục pin của Đông Nam Á”.
Đầu tư thủy điện tại Lào nhận được sự quan tâm rất lớn không chỉ từ các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, mà còn từ các nước châu Âu. Trong khi tác động chủ yếu diễn ra bên ngoài lãnh thổ Lào, Chính phủ Lào thu được nguồn lợi kinh tế với chi phí tối thiểu là “vốn tự có”, những dòng sông chảy dọc chiều dài đất nước.
Bên cạnh Thái Lan là nước nhập khẩu chính từ thủy điện ở Lào, Việt Nam cũng là một khách hàng cho nguồn điện giá rẻ này.“Tuy nhiên, câu chuyện thủy điện của Lào là câu chuyện tất yếu”, Tiến sĩ Lê Việt Phú, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, bình luận với NCĐT. Là một nước đang phát triển nghèo tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp kém phát triển, phát triển thủy điện được coi là chiến lược kinh tế tốt nhất của Lào. Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, Lào có nhiều tiềm năng thủy điện nhất và xây thủy điện cũng là giải pháp dễ nhất giúp kinh tế phát triển.
Trên dòng sông Mê Kông, ở phía thượng nguồn thuộc lưu vực Trung Quốc (Lan Thương) đã có 8 đập thủy điện. Phía lưu vực của Thái Lan, Lào và Campuchia đã xây dựng 12 đập thủy điện dòng chính và hàng trăm thủy điện dòng nhánh. Bên cạnh thủy điện, vùng hạ nguồn còn bị ảnh hưởng bởi những dự án chuyển nước của Thái Lan và Trung Quốc.
Việc xây dựng thủy điện sẽ làm hàng trăm ngàn người mất chỗ ở. Bên cạnh những tác động rõ ràng như thay đổi chế độ dòng chảy, giảm phù sa, cản trở giao thông đường thủy và đe dọa nghiêm trọng nguồn cá, thủy điện còn được cho là tác động lên việc cắt lũ hay điều hòa nguồn nước.
Khởi nguồn từ dãy Tibetan Himalaya, Trung Quốc, sông Mê Kông chảy dọc chiều dài 4.600km về Biển Đông, xuyên qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Lưu vực sông Mê Kông rộng 800.000km2 là nơi sinh sống của hơn 65 triệu người, với 2/3 sống trong khu vực nông thôn và dựa vào nghề chài lưới. Hằng năm, chỉ riêng tại khu vực đồng bằng ở Việt Nam và Campuchia đánh bắt trên 1 triệu tấn cá nước ngọt, là nguồn cá bền vững cho việc đảm bảo an ninh lượng thực cho cả hai quốc gia.
Ngoài vai trò nguồn cung cấp thực phẩm, lưu vực sông Mê Kông còn là con sông có độ đa dạng sinh học thứ hai trên thế giới, chỉ sau sông Amazon và là nơi cá di cư số lượng lớn hằng năm. Cả sản lượng cá và độ màu mỡ về giống loài bị đe dọa bởi những con đập dự kiến được xây dựng trên các nhánh phụ và dòng chính của sông Mê Kông.
Theo ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc GreenID, lượng điện Việt Nam có thể nhập khẩu từ Lào chỉ chiếm một phần quá nhỏ so với nhu cầu điện đến năm 2030 theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (QHD VII).
Theo QHD VII, tổng công suất nhập khẩu là 850MW, chủ yếu là các công trình trên sông Sê Kông đang vận hành hoặc đang được thi công. Với chính sách xuất khẩu tối đa 80% công suất thủy điện của Lào, lượng điện có khả năng nhập khẩu từ Lào chỉ bằng một tổ máy nhiệt điện than. Điện lượng từ các thủy điện dòng nhánh chỉ chiếm khoảng 0,5% nhu cầu điện năm 2030 là 572 tỉ kWh. Trong khi đó, nếu nhập khẩu thủy điện từ 11 đập trên dòng chính của sông Mê Kông sẽ chỉ đáp ứng được từ 35-42 tỉ kWh. Ngay cả trong trường hợp nhập khẩu 100% công suất, điện từ các dự án này chỉ chiếm 6-7% tổng nhu cầu điện năm 2030.
“Có nên nhập khẩu thủy điện từ Lào không, khi lợi ích thu được là quá nhỏ so với những tác động mà các nhà máy này gây ra?” là câu hỏi mà ông Sính đặt ra.
Thế lưỡng nan của Việt Nam
Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 4 triệu ha là vùng châu thổ lớn nhất của Việt Nam, là nơi sản xuất hơn một nửa lượng lúa gạo của cả nước và đóng góp đến 90% lượng gạo xuất khẩu. Những năm gần đây, vùng châu thổ trù phú rộng lớn này liên tiếp đối diện với những vấn đề về thiếu nước, ngập mặn, lượng thủy sản giảm sút, nghèo hóa đất đai.
Vùng hạ nguồn đồng bằng sông Cửu Long không có tiềm năng thủy điện, nhưng phụ thuộc nguồn nước và phù sa để phát triển nông nghiệp và sinh hoạt. Hầu hết diện tích đồng bằng sông Cửu Long được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, với nhu cầu dùng nước là rất lớn do gia tăng mùa vụ và tăng diện tích đất nông nghiệp. Với 2,9 triệu ha đất nông nghiệp mà phần lớn nguồn nước tưới từ sông Mê Kông, một tính toán cho thấy riêng trồng lúa cần đến tổng lượng nước được cung cấp từ sông Mê Kông là 332 tỉ m3 nước, chiếm gần 70% tổng lượng nước đến đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với nền nông nghiệp dựa vào thủy lợi như ở Việt Nam, thiếu nước là một trong những mối nguy đang đe dọa vùng châu thổ trù phú này. Theo Tiến sĩ Phú, việc tăng sử dụng, các nước khác như Trung Quốc và Thái Lan đẩy mạnh khai thác, rủi ro với các hiện tượng thời tiết bất thường là những tác nhân dẫn đến nguy cơ thiếu nước trong mùa khô và đất bị xâm nhập mặn.
Các giải pháp ngắn hạn như hút nước ngầm có thể làm trầm trọng thêm vấn đề trong tương lai. Ở một số nơi, nền đất bị sụt lún trên 3cm mỗi năm, cao hơn gấp 10 lần tốc độ nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của một tổ hợp các nhân tố từ thủy điện, biến đổi khí hậu đến việc khai thác nước ngầm. Trong lúc tác động riêng lẻ của từng tác nhân chưa được đo lường, những đập thủy điện dày đặc ở trung và thượng nguồn đang được coi là “tội đồ” hàng đầu.
Tuy nhiên, việc đề nghị Lào dừng việc ồ ạt xây dựng các con đập trên các dòng chính và phụ trên sông Mê Kông là một bài toán khó đối với Việt Nam, khi Việt Nam đồng thời mua điện từ các thủy điện của Lào, lại vừa đầu tư vào các đập thủy điện đầu nguồn các nhánh phụ của sông Mê Kông ở phía Tây Nguyên của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của Campuchia trước đó.
Mặc dù gây nhiều tranh cãi và được xác định ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học trong vùng, đập Hạ Sesan 2 vẫn được hoàn thành vào cuối năm 2017, đã chặn hai nhánh sông lớn tạo thành lưu vực 3S là Srepôk và Se San ngay trước khi chúng nhập với dòng chính sông Mê Kông. Trước khi thủy điện Yali được xây dựng ở Gia Lai vào năm 1997, các sông 3S cung cấp 25 triệu tấn phù sa một năm. Các đập thủy điện giữ lại một lượng cát rất lớn và đập Hạ Sesan 2 sẽ làm giảm 2/3 lượng phù sa mà các sông 3S chuyển xuống hạ nguồn. Các đồng bằng nếu không được liên tục bồi đắp phù sa thì sẽ chìm dần theo tự nhiên.
Để tăng vị thế đàm phán, Trung tâm Stimson khuyến nghị Việt Nam gia tăng hợp đồng mua điện với Lào. Nếu trở thành thị trường chính của thủy điện Lào, Việt Nam có thể dùng vị thế này để ảnh hưởng đến việc lên kế hoạch năng lượng của Lào.
Nếu hợp đồng mua điện là nhân tố chính trong việc xem xét tính khả thi của dự án thủy điện độc lập, một loạt đập, hoặc những hình thức phát điện khác, thì Việt Nam có tiềm năng sử dụng hợp đồng làm vị thế thương lượng để đảm bảo những con đập có tác động tiêu cực nhất đến đồng bằng sông Cửu Long không được xây dựng. Sử dụng hợp đồng theo cách này cho phép Việt Nam hỗ trợ mua điện từ những dự án ít gây tác động nhất, dự án giảm thiểu tối đa tác động, hoặc thậm chí nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện.
Tuy nhiên, ý tưởng mua điện từ thủy điện từ Lào không nhận được nhiều đồng thuận từ các nhà nghiên cứu ở Việt Nam, khi lợi ích quá thấp so với chi phí. Trong lúc đó, phát triển năng lượng tái tạo từ mặt trời và gió để thay thế cho thủy điện nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế.
Bản quy hoạch tổng thể cho sông Sê Kông do NHI thực hiện gợi ý thay thế điện lượng từ các thủy điện, bao gồm Sê Kông 1, bằng một tổ hợp các đập xây dựng trên các chi lưu dốc ở khu vực Thượng Sê Kông và một hệ thống pin mặt trời nổi trên các hồ chứa lớn như đập Xekaman 1. Theo ADB, tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời Campuchia là 5.100 MW, điện gió 520MW, tổng cộng điện lượng ước tính khoảng 77 tỉ kWh. Tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời của Lào là 511MW, thủy điện nhỏ là 2.000MW, tổng điện lượng khoảng 10 tỉ kWh.
“Đồng thời, để thoát khỏi thế lưỡng nan hiện tại, các thủy điện ở Tây Nguyên nên được vận hành theo cách không tích nước”, ông Sính đề nghị. Theo cách này, nước sẽ liên tục chảy qua các turbine, đúng như dòng chảy truyền thống chứ không bị tích trữ lại trong những hồ chứa, giảm thiểu thiệt hại cho vùng đồng bằng của Campuchia.
Đến năm 2030, tổng sản lượng 10 tỉ kWh điện của các thủy điện ở Tây Nguyên chỉ chiếm 2% tổng nhu cầu theo kế hoạch, vì vậy đánh đổi giữa việc giảm 3-4 tỉ kWh sản lượng, vốn không quá nhiều, nhưng tăng được trọng lượng và vị thế thương lượng trên bình diện quốc tế là một điều đáng được cân nhắc.