Khí hậu toàn cầu đối mặt sức ép mới

Nhu cầu bùng nổ đối với thịt và hải sản tại châu Á trong 3 thập kỷ tới sẽ làm tăng mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và việc sử dụng kháng sinh trong thực phẩm.

Theo báo cáo mới của Công ty Tư vấn Asia Research and Engagement Pte Ltd (Singapore), sự gia tăng của dân số, thu nhập và đô thị hóa sẽ khiến nhu cầu đối với thịt và hải sản tăng 78% trong giai đoạn 2017-2050 và điều này gây sức ép lớn lên môi trường.

Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng chạy đua đáp ứng nhu cầu gia tăng này, lượng khí thải CO2 mỗi năm sẽ tăng từ 2,9 tỉ tấn lên 5,4 tỉ tấn trong lúc lượng nước sử dụng tăng từ 577 tỉ m3 lên 1.054 tỉ m3.

Chưa hết, việc sử dụng thuốc kháng vi sinh vật sẽ tăng 44%, lên 39.000 tấn/năm. Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc hồi đầu năm cảnh báo nạn lạm dụng kháng sinh trong lương thực đang tăng tại Đông Nam Á, đe dọa sức khỏe con người và động vật do vi khuẩn trở nên kháng thuốc hơn.


Các nhà hoạt động môi trường biểu tình bên ngoài nơi diễn ra Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại Bangkok – Thái Lan hôm 4-9 (Ảnh: Reuters)

Dự báo đáng lo nói trên chắc chắn tạo thêm sức ép đang đè lên Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc diễn ra tại thủ đô Bangkok – Thái Lan từ ngày 4-9. Hơn 2.000 đại biểu đến từ 196 nước tham dự hội nghị kéo dài 6 ngày với nỗ lực tìm tiếng nói chung về bộ quy tắc hướng dẫn thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Theo hiệp định được ký kết năm 2016 này, các nước ký kết cam kết giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C trong thế kỷ này.

Theo tờ The Australian, các đại biểu ở Bangkok đối mặt lời kêu gọi đẩy nhanh tốc độ thương thảo những hướng dẫn nói trên, liên quan đến việc đối phó tác động của biến đổi khí hậu và hỗ trợ những nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nhất của tình trạng này.

Người ta hy vọng bộ quy tắc sẽ được hoàn tất tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) lần thứ 24 diễn ra ở TP Katowice – Ba Lan vào tháng 12 tới.

Bà Patricia Espinosa, thư ký điều hành UNFCCC, nhận định vấn đề khó khăn nhất có lẽ là đạt được sự cân bằng hợp lý giữa nghĩa vụ của các nước phát triển và đang phát triển để bảo đảm có được hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật cần thiết. Hiệp định Paris cam kết dành 100 tỉ USD/năm từ năm 2020 để giúp các nước nghèo đối phó biến đổi khí hậu. Cả Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ đang thúc giục các nước phát triển đóng vai trò tích cực hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay.