Là một trong những hóa thạch sống trong lòng đại dương, rùa biển đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Giữa khuya, khi thủy triều dâng ngập bờ biển lụn vụn những rạn san hô chết gần bờ là lúc anh kiểm lâm Lê Đức Du thức giấc, chuẩn bị dụng cụ để tuần tra bãi biển đỡ đẻ cho rùa biển. Những chú chó nhỏ quấn quít quanh chân cùng anh đi tuần. Đôi khi, đồng hành cùng anh còn có những khách tham quan đã ngủ lại từ đêm trước, trong sự thiếu thốn tiện nghi của Trạm kiểm lâm đảo Bảy Cạnh, chỉ để được mục kích sự sinh sản của loài rùa biển, mà phần lớn ở bãi biển này là Vích, một sinh vật có từ thời cổ đại và đang được nằm trong Sách đỏ của IUCN cần được bảo tồn.
Dưới tán bụi dứa dại đầy gai, một cô rùa mẹ đang nằm trong cái lỗ rộng và sâu hơn thân mình, được đào bằng cả 4 chân, đang thả những quả trứng trắng tròn nhỏ vào chiếc lỗ nhỏ sâu. Anh Du ra hiệu cho mọi người yên lặng, âm thanh và ánh sáng dường như vắng mặt, chỉ còn một quầng sáng nhỏ chiếu ra từ chiếc đèn pin vào phía sau rùa mẹ, nơi những quả trứng liên tục rơi ra. Với kích thước cỡ quả bóng bàn, trứng rùa có vỏ mềm để chịu được cú rơi khoảng 40cm đến đáy lỗ. Bình quân, rùa mẹ đẻ khoảng 100 trứng mỗi tổ, số lượng thay đổi tùy theo loài.
Một ngày của anh Du không biết được tính từ lúc nào. Có những rùa mẹ chỉ hoàn tất quá trình sinh nở của mình khi trời đã sáng, nên lúc anh mang những ổ trứng về lấp trong khu vực ấp trứng, cũng đến thời điểm thả những chú rùa con đang loi nhoi trong những ổ trứng mới nở khác. Mỗi ổ trứng được đánh dấu bằng một que tre có ghi thời gian đẻ và số lượng trứng trong tổ, nhờ vậy, có thể ước lượng thời gian trứng nở khi chu kỳ ấp trứng thông thường khoảng 45-60 ngày. Khi mặt cát trên tổ sụt xuống cũng là lúc những chiếc rổ được úp lên, chờ đợi đến khoảng 3 ngày sau khi tất cả rùa con đều chui ra khỏi vỏ và cùng nhau lên mặt đất.
Một cô rùa mẹ lần đầu tiên lên đẻ được anh Du bấm thẻ theo dõi số hiệu VN0121 và VN0122 vào hai chân trước trong lúc rùa đang miệt mài lấp ổ bằng cả tứ chi. Rùa luôn quay về nơi sinh ra để sinh sản, cho dù đã chu du trong lòng đại dương 10-30 năm kể từ lúc sinh ra cho đến lần trở về đầu tiên.
Cuộc hồi hương về nơi sinh sản kéo dài hằng tháng trời từ nơi kiếm sống cách hàng trăm, hàng ngàn cây số. Khả năng tìm đúng bãi biển của rùa được cho là nhờ chúng đã ghi nhớ dòng hải lưu, từ trường Trái đất, địa hình của bãi cát và có thể nhờ tính chất hóa học của nước. Rùa con mới nở ghi nhớ bãi biển trong quá trình nở và bò ra biển.
Chỉ một trong 1.000 rùa con nở ra, tương đương với 10.000 trứng rùa, sẽ sống sót đến tuổi trưởng thành. Việc cứu hộ trứng rùa nhằm tăng khả năng sống sót của trứng, khi di dời chúng khỏi vị trí có thể bị thủy triều làm ướt, hay bị hư khi có rùa mẹ khác lên đào trúng vì diện tích bãi biển khá hạn hẹp so với số lượng tổ. Mỗi mùa, rùa mẹ có thể đẻ từ 3-7 ổ trứng, với khoảng cách 2 tuần giữa các lần.
“Rùa phải đẻ trứng trên bờ biển vì phôi thở qua màng trứng trong quá trình phát triển, vì vậy trứng sẽ hư nếu bị nhúng trong nước liên tục. Tuy nhiên, khi lên bờ nếu rùa gặp chướng ngại vật như con người, ánh sáng, tiếng động lạ thì sẽ rút lui. Khi trứng hoàn thiện, rùa phải đẻ để lứa trứng sau phát triển, thế nên có khi rùa sẽ đẻ trứng ngay dưới biển”, anh Phạm Anh Dũng, Phó trưởng Phòng Bảo tồn biển của Vườn Quốc gia Núi Chúa, cho biết.
Một thực trạng đáng buồn là các loài rùa đẻ trứng tại Việt Nam đều suy giảm nghiêm trọng về số lượng. Trước kia, có hàng chục ngàn Vích lên đẻ mỗi năm, nhưng nay chỉ còn vài trăm con lên đẻ; số lượng nhiều nhất tại Côn Đảo với khoảng 300 con, tương đương 70-80% số lượng cả nước. Loài Vích đã giảm 75% số lượng tại Việt Nam, so với 50-70% trên thế giới. Năm 2016, vụ tàng trữ trái phép lớn nhất thế giới với gần 4.400 cá thể rùa biển đã chết được phát hiện ở Nha Trang, gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng tiêu thụ thịt rùa, trứng rùa và đồ mỹ nghệ từ mai rùa.
“Trong nhiều thập niên qua, rùa biển đã bị con người khai thác làm thức ăn, mai rùa dùng làm đồ chế tác và bán cho khách du lịch. Mặt khác, sự hiện diện của con người trên các đảo, tác động của ánh sáng, chất thải, tiếng ồn từ động cơ tàu thuyền… là những nguyên nhân dẫn tới sự suy kiệt quần thể rùa biển”, bà Bùi Thị Thu Hiền, Quản lý Chương trình biển và vùng bờ của IUCN tại Việt Nam, chia sẻ.
Xuất hiện trên trái đất trước cả loài khủng long, rùa biển được cho là đã tồn tại từ hơn 200 triệu năm trước nên được coi là một trong những hóa thạch sống. Loài rùa biển đã sống sót trong hàng triệu thiên niên kỷ trong điều kiện tự nhiên, nhưng chỉ trong vỏn vẹn vài thập niên đã đứng trên bờ vực tuyệt chủng. So với những năm 30 của thế kỷ XX, số lượng Vích, Đồi mồi dứa, Rùa Kempii đã giảm đi 50-60%, số lượng Đồi mồi và Rùa da đã giảm 80-90%. Vì vậy, các loài rùa biển đều bị liệt kê vào Sách Đỏ của IUCN.
“Là một trong 32 vườn quốc gia tại Việt Nam, Côn Đảo là nơi bảo tồn rùa biển thành công nhất, với số lượng rùa con thả ra biển hằng năm lên đến 130.000 con”, ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo, chia sẻ. Từ những năm 1990, việc bảo tồn rùa biển đã được tiến hành. Tình trạng thiếu thông tin và ngăn sông cách chợ của Việt Nam khi ấy đã dẫn đến những sai sót trong việc bảo tồn, mà mãi đến 5 năm sau, khi được Quỹ WWF hỗ trợ qua Philippines học hỏi mới phát hiện ra.
Với suy nghĩ nuôi nhốt rùa con một thời gian để cứng cáp, tăng khả năng sống khi thả về đại dương, việc bảo tồn đã vô tình làm rùa khó sống trong môi trường tự nhiên, tệ hơn là mất bản năng quay về nơi được sinh ra. Nay Bãi Cát Lớn, bãi biển đẹp nhất Hòn Bảy Cạnh, được dành riêng cho rùa trong suốt mùa sinh sản của chúng từ tháng 4 đến hết tháng 10 hằng năm. Việc bảo vệ rùa cũng được cẩn thận thực hiện trong suốt quá trình cho du khách thả rùa và tham quan rùa đẻ trứng.
Mặt trời đã lên qua sườn núi trong buổi sáng mùa hè khi anh kiểm lâm Lê Đức Du khăn gói mang nước và túi đựng trứng qua thăm bãi Xi Măng bên kia mỏm đá. Bắt gặp cô rùa mẹ trở về muộn ở cuối bãi cát dài, anh đánh dấu ổ trứng bằng một nhánh cây. Chỉ 15 phút sau đó, một nhân viên kiểm lâm khác sẽ xếp từng quả trứng đào được từ lỗ được anh Du đánh dấu, rồi chuyển chúng về bãi ấp trứng bên cạnh trạm kiểm lâm, tài sản quý giá nhất của các anh nơi đây.