Mưa lũ kinh hoàng tại Sơn La và Thanh Hóa những ngày qua đã làm 17 người chết và mất tích. Hàng nghìn ngôi nhà bị hư hỏng nghiêm trọng, nhiều điểm trường bị vùi lấp, hàng chục nghìn hộ dân phải sơ tán khẩn cấp.
Sơ tán hàng nghìn hộ dân
Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, những ngày tại các tỉnh vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 150 – 250mm, có nơi gần 600mm gây lũ lớn trên thượng nguồn các sông.
Đặc biệt, đỉnh lũ tại Hồi Xuân (Thanh Hóa) vượt báo động 3 (BĐ3) 2,05m. Lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ nhiều nơi, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của người dân.
Đến chiều tối 1 – 9, các huyện miền núi Thanh Hóa đã chủ động sơ tán 5.026 hộ dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn; các huyện, thành phố có đê (sông Mã, sông Bưởi và sông Lèn) đã chủ động sơ tán 7.288 hộ dân sinh sống ở khu vực bãi sông đến nơi an toàn.
Thông tin liên lạc với huyện Mường Lát bị gián đoạn; trên địa bàn toàn tỉnh cũng gặp nhiều sự cố, bởi 36 cột điện cao và hạ thế bị đổ, cáp quang bị đứt ở 2 vị trí. Các công trình liên quan đến ngành điện cũng gặp nhiều sự cố, đáng nói là đê bao của hồ thuỷ điện Bá Thước 2 bị sạt lở 120m, nhà vận hành thuỷ điện Trung Sơn bị ngập, 4 trạm biến áp bị ngập nước…
Theo báo cáo nhanh của các địa phương trên địa bàn Thanh Hóa, đến cuối giờ chiều ngày 1 – 9, toàn tỉnh đã có 6 người chết (Mường Lát 4 người; Cẩm Thuỷ 2 người), 7 người mất tích (Mường Lát 4 người; Cẩm Thuỷ 3 người).
Ngoài ra, theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, mưa lũ cũng làm 4 người chết ở Sơn La (2 người), Hòa Bình và Yên Bái.
Huy động lực lượng giúp dân
Để hỗ trợ các địa phương ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, tại Nghệ An và Thanh Hóa, Quân khu 4 đã huy động trên 2.000 cán bộ chiến sỹ, 30 phương tiện (ô tô 16, máy xúc 3, xuồng 3, thuyền 8), phối hợp với nhân dân địa phương tổ chức phối hợp cùng địa phương giúp dân khắc phục hậu quả.
Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 9-2018, không khí lạnh từ phía bắc có xu hướng hoạt động mạnh dần, khả năng đợt không khí lạnh đầu tiên xuất hiện vào khoảng 10 ngày đầu tháng.
Ngoài ra, có thể chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới hoặc các nhiễu động nhiệt đới khác, phạm vi hoạt động của không khí lạnh có xu hướng dịch dần xuống phía nam qua khu vực phía bắc miền Trung.
Do vậy khu vực Bắc bộ vẫn có nguy cơ xảy ra các đợt mưa trên diện rộng, khu vực Bắc và Trung Trung bộ bắt đầu bước vào mùa mưa và lượng mưa sẽ có xu hướng gia tăng.
Khu vực vùng núi phía bắc, các tỉnh vùng núi Bắc Trung bộ đề phòng các đợt mưa lớn nguy cơ gây ra lũ quét và sạt lở đất đá, vùng trũng đề phòng ngập úng.
Trong một diễn biến khác, ngày 1-9 trên một số trang thông tin điện tử đã xuất hiện thông tin cho rằng, đã xảy ra sự cố vỡ đập Hồ Ban ở huyện Tân Lạc, Hòa Bình
Tuy nhiên, ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ kiểm soát an toàn thiên tai (Tổng Cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT) khẳng định, ông đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại Hòa Bình. Trong đó, có kiểm tra việc khắc phục sự cố sụt phần chân cửa xả tràn – một hạng mục đang thi công của dự án nâng cấp, sửa chữa Hồ Ban thuộc xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc. Sự cố xảy ra kịp thời được phát hiện và đang trong quá trình khắc phục, thiệt hại không đáng kể.
Quá trình kiểm tra, đoàn công tác đã khẳng định không hề có sự cố vỡ đập Hồ Ban như một số trang thông tin trên mạng đã phát tán trước đó.
Trước đó, một số facebook cá nhân cũng đã thông tin thất thiệt về việc vỡ đập thủy điện Trung Sơn ở Thanh Hóa và đập thủy điện Bản Vẽ ở Nghệ An. Thông tin này đã khiến hàng nghìn hộ dân sống ở gần các thủy điện này hoang mang, lo lắng.