Sự phục hồi trong hoạt động kinh doanh than đá trên quy mô thế giới đang làm gián đoạn các nỗ lực nhằm giảm thiểu và ngăn chặn biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tờ The Nation của Thái Lan vừa dẫn lời các chuyên gia phân tích dự báo, lượng tiêu thụ than ở Đông Nam Á và Ấn Độ đang tăng lên do nhu cầu về loại nhiên liệu rẻ nhất này đang mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư trong ngành điện. Trong khi đó, các nhà môi trường quốc tế cũng đang quan ngại về sự phục hồi này bởi vì nó đang đi ngược lại các nỗ lực chung nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050.
Ông Paola Yanguas Parra, nhà phân tích chính sách thuộc hãng Climate Analytics cho biết: ” Vì than là loại nhiên liệu hóa thạch có lượng carbon cao nhất nên việc loại bỏ nó là một bước đi quan trọng trong việc đạt được mục tiêu giảm lượng phát thải cần thiết để hạn chế sự nóng lên của khí hậu toàn cầu được 1,5 độ C. Để đạt được cột mốc giảm phát thải carbon theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, các nghiên cứu của Climate Analytics cho rằng, tất cả các quốc gia đều phải ngừng đốt than vào giữa thế kỷ này. Vì vậy những nỗ lực để loại bỏ than phải được bắt đầu ngay từ bây giờ.
Theo bảng danh sách từ bỏ than toàn cầu công bố tại Hội nghị thượng đỉnh của LHQ tại Bonn (Đức) hồi năm ngoái tiết lộ rằng, vẫn còn trên 770 công ty vẫn đang hoạt động kinh doanh than, 225 công ty đang có kế hoạch mở rộng khai thác than và 282 doanh nghiệp đang lên kế hoạch cho các nhà máy điện than mới. Thậm chí sự hồi sinh của ngành công nghiệp than đã được đề cập trong các báo cáo giám sát năng lượng uy tín kể từ năm 2017.
Theo cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sản lượng than năm ngoái đã tăng 3,1%, trong khi tiêu thụ than trong ngành năng lượng cũng tăng lên 1%. Số liệu tổng quan về than năm 2018 của IEA, sản lượng cao hơn đã được ghi nhận ở tất cả các nước sản xuất than lớn, trừ Đức và Ba Lan, trong khi thương mại than toàn cầu năm 2017 tăng 3,3% so với năm 2016. IEA cho biết, sự tăng trưởng trong ngành công nghiệp than có thể “được đổ lỗi” cho việc đảo ngược chính sách ở Mỹ cũng như nhu cầu than lớn hơn ở Trung Quốc và Ấn Độ.
“Than đá vẫn là nguồn năng lượng chính trong những thập kỷ tới, mặc dù năng lượng tái tạo trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất do sự tăng trưởng nhanh và chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên tôi tin rằng, than vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định của ngành năng lượng”, ông Sacha Parneix, giám đốc thương mại của GE Power cho biết. Ông Perneix cũng đồng thời khẳng định: “Không còn nghi ngờ về việc than đá là loại nhiên liệu gây ô nhiễm chính và việc sử dụng than bừa bãi sẽ có tác động nghiêm trọng đến môi trường. Tuy nhiên hiện chúng tôi có nhiều công nghệ tiên tiến hơn để giảm thiểu những hạn chế này và cho phép chúng tôi sử dụng nó một cách an toàn hơn”.
Đồng quan điểm, giám đốc điều hành tập đoàn Tenaga Nasional Berhad Janamanjung của Malaysia, ông Shamsul Ahmad cho biết, than đá sẽ vẫn là nguồn nhiên liệu chính cho phát điện ở Đông Nam Á, chủ yếu là do khu vực này gần với các nhà xuất khẩu than lớn như Úc và Indonesia.
Các nhà phân tích của IEA dự báo, lượng tiêu thụ than đá ở Đông Nam Á và Ấn Độ vẫn sẽ tăng trong 4 năm tới vì khu vực này nó vẫn là “lựa chon tối ưu” và than vẫn sẽ chiếm 35% lượng tiêu thụ vào năm 2022. Tuy nhiên, chuyên gia năng lượng độc lập Prasart Meetam cho biết, sự phục hồi trong ngành này sẽ chỉ có tính tạm thời, bởi “kỷ nguyên than” sẽ kết thúc do sự tiến bộ nhanh chóng về các loại năng lượng tái tạo và nỗ lực của nhân loại nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu. Ông Prasart bác bỏ quan điểm than là lựa chọn nhiên liệu rẻ nhất và chúng ta cần than để cung cấp điện cơ bản, bởi chi phí năng lượng tái tạo sẽ giảm mạnh trong những năm tới. Ngoài ra, ông cho biết, xu thế phát điện đang chuyển từ các nhà máy điện lớn sang các nhà máy điện tái tạo nhỏ hơn, địa phương hóa và đa dạng.
“Với nền tảng công nghệ hiện tại, tôi chắc chắn chúng ta hoàn toàn có thể thay thế than trong 10 đến 15 năm tới để ngăn chặn sự gia tăng của khí thải CO2.