Hình thành các tập đoàn có quy mô lớn trong nông nghiệp là cơ hội biến nông nghiệp Việt Nam thành lợi thế quốc gia.
Các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam như Thaco, HAGL, Vingroup, TTC… đều thể hiện quyết tâm đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, khép kín chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Việt Nam.
Nông nghiệp xoay trục
Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, từng cho rằng, nếu được xếp hạng tầm quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, ông sẽ xếp nông nghiệp là số 1, sau đó mới tới công nghệ thông tin và du lịch. Ông giải thích, hiện nay, nhiều nước có nông nghiệp phát triển trong khi chỉ có 1% dân số sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, Việt Nam có điều kiện, vị thế rất lớn, sản xuất nông nghiệp không phải tốn điều hòa để làm mát về mùa hè, không phải sưởi ấm vào mùa đông. “Chúng ta có cơ hội để có những tập đoàn nông nghiệp hùng mạnh. Tôi tin một ngày nào đó, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về nông nghiệp”, ông Bình cho biết.
Ông Bình có niềm tin vì sau nhiều năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Việt Nam đã có nhiều chuyển biến theo hướng phát huy lợi thế của từng địa phương, vùng miền, gắn theo thị trường từng khu vực. Các sản phẩm của Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia. Việt Nam có những mặt hàng nông sản chủ lực, khẳng định được vị thế trong thị trường quốc tế với 10 mặt hàng xuất khẩu tỉ USD. Trong đó, tôm, trái cây, cà phê, điều, gỗ xuất khẩu trên 3 tỉ USD. Ngành nông nghiệp cũng đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỉ USD trong năm nay.
Bài toán của nông nghiệp Việt Nam chính là gia tăng chuỗi giá trị. Có phép tính đơn giản: 1 kg xoài Cát Chu ở Đồng Tháp bán được 17.000 đồng, trong lúc 1 trái xoài ở Nhật bán giá 77USD. Đồng Tháp có đến 10.000ha trồng xoài Cát Chu, mỗi năm cung cấp đến 40.000 tấn sản phẩm. Nếu đem bán qua Nhật, chỉ cần giá tăng 50 cent mỗi kg sẽ thu về đến 20 triệu USD.
Hay “Lão nông ngàn tỉ” Võ Quan Huy từng hiến kế: để kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chuối đạt 2,8 tỉ USD, Ecuador có diện tích canh tác 90.000ha; họ còn có nền công nghiệp trồng chuối, có chuyên gia, công nhân lành nghề.
Do đó, để vươn ra tầm thế giới, sản xuất nông nghiệp phải có quy mô sử dụng đất đai lớn hơn. Ví dụ để trồng chuối cần tối thiểu 100ha, chi phí đầu tư sản xuất sẽ rẻ, nên cái doanh nghiệp nông nghiệp cần trước tiên là chính sách về đất đai. Vấn đề ông Huy cần lưu ý vì hiện nay Việt Nam có khoảng 82% diện tích đất làm nông nghiệp nhưng phần lớn quỹ đất đã được giao cho các hộ dân với quy mô nhỏ lẻ, manh mún.
Nghị định 75 thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhưng suốt một thời gian dài, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng không vượt lên được tỉ lệ 1%, với số vốn chiếm khoảng gần 3% tổng vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt hầu như không có doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào nông nghiệp.
Rõ ràng, với gần 8,6 triệu hộ nông dân, gần 70 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ, việc đi lên nền nông nghiệp hiện đại cần khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, giấc mơ nông nghiệp Việt Nam đang hình thành khi có những tập đoàn nông nghiệp có quy mô xuất hiện và dòng vốn hàng tỉ USD vẫn liên tục được rót vào mảng nông nghiệp. Những tên tuổi lớn như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Vingroup, Thành Thành Công (TTC), Thaco, Lộc Trời, TH, Masan… đều có những kế hoạch lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế trận nông nghiệp tại Việt Nam đang được các tập đoàn nhiều tiềm năng này phân chia cụ thể: Lộc Trời phát triển lúa gạo, HAGL chọn cây ăn quả làm chủ lực, Thaco đầu tư lớn cho mảng máy nông nghiệp, VinEco trồng rau sạch và TTC bao trùm mảng mía đường… Đã có 8 ngân hàng thương mại cam kết dành nguồn vốn khoảng 135.000 tỉ đồng để cho vay các dự án công nghệ cao trong nông nghiệp có hiệu quả. Chỉ tính riêng 25 dự án lớn của các doanh nghiệp đã thu hút được hơn 27.000 tỉ đồng đầu tư, phát triển nông nghiệp.
Trong 30 năm qua, Việt Nam chuyển hướng từ nền kinh tế nông nghiệp sang sản xuất hàng dệt may và thiết bị điện tử. Nhưng giờ đây, một số tập đoàn hàng đầu của Việt Nam đang quay lại tìm kiếm cơ hội từ ngành nông nghiệp, nhờ tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang chuẩn bị được ký kết. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng đầu tư sang nông nghiệp với kỳ vọng mở rộng thị trường xuất khẩu sau khi được miễn giảm thuế từ các FTA.
Bắt tay mở rộng quy mô lớn
Trong lễ công bố đối tác giữa HAGL – Thaco gần đây, ông chủ của HAGL Đoàn Nguyên Đức khoe về tiềm lực nông nghiệp của mình: cơ cấu cây trồng của HAGL 2019-2020 được phân bổ gồm: 12.000ha cây ăn trái sẽ tăng lên 30.000ha, 5.000ha cây dược liệu, và 40.000ha cây cao su… Trái cây từ năm 2017 bắt đầu mang lại doanh thu lớn cho HAGL và mở ra hướng đi mới cho tập đoàn này. Quy mô cây ăn trái dự kiến tăng diện tích từ 12.000ha lên 30.000ha trong năm 2020. Trong đó, chuối chiếm khoảng 33% diện tích, thanh long 10%, bưởi 10%, xoài 15%…
Ngày 8.8, tại lễ công bố hợp tác chiến lược, Thaco cho biết sẽ cam kết tài chính hơn 1 tỉ USD cho HAGL. Với khoản vốn và sự trợ lực của Thaco, HAGL giờ tự tin với việc chiếm lĩnh thị trường nội địa, thông qua việc bán chuối cho chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh, cũng như xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trả lời báo chí, ông Đức cho rằng: “Chỉ cần 3 năm thôi, sự hợp tác này sẽ đứng đầu bảng và không ai học, làm theo được nữa, mà muốn học cũng không được”. Thực sự, tham vọng lớn của bầu Đức đặt ra khi cùng đối tác Thaco là rất lớn. Theo đó, tầm nhìn của cả hai là biến công ty nông nghiệp của HAGL thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam và tiến đến là cả Đông Nam Á. Quỹ đất phát triển khoảng 80.000ha, nằm tại khu tam giác gồm khu vực Tây Nguyên Việt Nam, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
Sản phẩm chuối của HAGL hiện là mặt hàng hoa quả bán chạy nhất tại hệ thống Bách Hóa Xanh với giá trung bình 25.000 đồng/kg, Tập đoàn đang hướng tới việc cung cấp 2 tấn chuối/ngày cho chuỗi siêu thị này. Ngoài ra, chuối của HAGL cũng đã bắt đầu xuất ngoại, xuất hiện trên nhiều kệ hàng tại các siêu thị lớn ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải… Lũy kế từ tháng 7 đến 12.9.2017, Tập đoàn đã xuất khẩu hơn 4.040 tấn chuối, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, giá bán bình quân 630 USD/tấn (giá CIF).
Nói về khoản đầu tư tỉ đô cho HAGL, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thaco, cho biết: “Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng khốc liệt và việc thay đổi tất yếu do cuộc cách mạng 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự hỗ trợ lẫn nhau, liên doanh liên kết, tận dụng thế mạnh của nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh”.
Thaco cũng đang bước vào nông nghiệp dựa vào thế mạnh sản xuất máy móc của mình, chế tạo ra nông cụ hiện đại để lan tỏa đến khắp thế giới. Đầu năm 2017, Thaco ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ với LS Mtron. Đây là hãng sản xuất máy nông nghiệp lớn nhất Hàn Quốc với 40% thị phần, đã có nhà máy ở Brasil, Trung Quốc… và cung cấp máy kéo cho trên 40 quốc gia
Cả hai sẽ đưa Công ty Nông nghiệp HAGL thành 1 tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam nói riêng và trong khu vực Đông Nam Á nói chung dựa trên quỹ đất hơn 80.000ha. Ông Đức cho biết thêm: Theo định hướng sẽ lấy thị trường Trung Quốc làm nền tảng và sẽ chiếm giữ vị trí nhà cung cấp các loại trái cây nhiệt đới lớn nhất tại thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro kinh doanh thì Công ty Nông nghiệp HAGL cũng sẽ chú trọng phát triển thị trường nội địa, thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc…
Hoàn thiện chuỗi giá trị
Trong hội nghị về chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào top 10 thế giới. Việt Nam sẽ là một trung tâm chế biến của nông nghiệp thế giới, là trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu.
Thực tế, đối với nhiều doanh nghiệp, tỉ suất sinh lợi của ngành nông nghiệp là không mấy hấp dẫn khi đối mặt với nhiều rủi ro về giá cả và hàng rào kỹ thuật của các thị trường trọng điểm. Hơn nữa, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mang đến những thách thức mới cho ngành nông nghiệp khi khá nhiều quốc gia trong khối như Úc, New Zealand từ lâu đã là các cường quốc xuất khẩu nông nghiệp nổi tiếng. Vì vậy, giấc mơ cường quốc nông nghiệp của Việt Nam trước khi thành hiện thực sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách, đặc biệt trong việc gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Các tập đoàn như Vingroup, Masan, TH… đều đang hiện thực hóa tham vọng hoàn thiện chuỗi giá trị. Chẳng hạn, Masan đang nỗ lực cải thiện tình hình chăn nuôi với chiến lược mới với sản phẩm “thịt heo có thương hiệu” là chữ F cuối cùng trong nền tảng 3F (Feed – Farm – Food) nhằm khép kín chuỗi giá trị thịt của Tập đoàn.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Masan Group, cho biết, để chuẩn bị cho chiến lược này, tháng 12.2017, trang trại chăn nuôi heo kỹ thuật cao của Masan tại Nghệ An đã chính thức đi vào hoạt động, dự kiến cho năng suất 250.000 đầu heo thịt/năm, kế đến sẽ là tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam đã động thổ vào đầu tháng 2.2018. Đến cuối quý IV/2018, sản phẩm “thịt có thương hiệu” sẽ chính thức chào sân. Sản phẩm này có thể sẽ là một trong những động lực quan trọng để Masan cải thiện tăng trưởng.
Chính thức ra mẻ rau sạch đầu tiên vào ngày 1.10.2015, VinEco, công ty trực thuộc Vingroup, hiện sở hữu hơn 15 nông trường, 3.000ha diện tích sản xuất, 1.000 hợp tác xã – hộ nông dân. VinEco cung cấp hơn 2.000 tấn nông sản tiêu thụ mỗi tháng. Tổng diện tích sản xuất của VinEco lên đến gần 3.000ha, trong đó đã đưa vào canh tác gần 1.000ha trên toàn hệ thống. Hệ thống Vinmart là điểm cuối, khép kín chu trình từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển đến bán lẻ không chỉ tối ưu về giá thành mà còn đảm bảo về chất lượng cho nông sản.
Bên cạnh việc mở rộng về quy mô sản xuất, VinEco dường như khá chủ động trong việc đưa công nghệ nông nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới vào Việt Nam. Điển hình như việc họ áp dụng công nghệ trồng trọt của Kubota (Nhật), công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa của Netafim (Israel), công nghệ sản xuất trong nhà màng của TAP, trồng cây thủy canh bằng kỹ thuật màng mỏng dinh dưỡng NFT, công nghệ trồng cây rau mầm Microgreen…
Mới đây, VinEco đã chính thức trở thành cổ đông lớn của Việt Thắng sau khi nhận chuyển nhượng 24% vốn từ Hùng Vương. Tiến vào địa hạt thức ăn chăn nuôi, Vingroup đang tìm đến “mỏ vàng” của CP, Masan, Dabaco… khi khép kín được chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Thành lập cách đây hơn 24 năm, từ công ty chuyên về phân bón, hạt giống, Lộc Trời nay trở thành tập đoàn với hơn 3.200 nhân viên, 100 đối tác, sản phẩm hiện diện hơn 40 quốc gia. Doanh thu năm 2016 của Tập đoàn là 8.001 tỉ đồng. Với việc sở hữu trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống diện tích 500ha và hợp tác sản xuất lúa giống với nông dân trên diện tích canh tác 10.000ha, Lộc Trời hiện cung cấp cho thị trường khoảng 60.000-80.000 tấn lúa giống mỗi năm.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, bắt đầu từ năm 2016, Lộc Trời chính thức hợp tác với IFC (Tổ chức Tài chính Quốc tế) – thành viên của nhóm World Bank, để được tham vấn và áp dụng tiêu chuẩn, thông lệ canh tác của Tổ chức Lúa gạo Bền vững (SRP), một tổ chức hợp tác đa phương, nhằm tăng cường sử dụng tài nguyên hiệu quả và bền vững ở từng nông hộ cũng như xuyên suốt chuỗi giá trị lúa gạo.
“IFC sẽ đóng góp những kinh nghiệm quốc tế chuyển giao kiến thức và kỹ năng về nông nghiệp, giúp các doanh nghiệp mang lại thu nhập tốt hơn cho cổ đông của mình và tạo ra tương lai tươi sáng hơn cho nông dân”, ông Thòn cho biết. Nhóm Công tác Nông nghiệp Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) từng kiến nghị: “Phải phát triển doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, biến doanh nghiệp thành chủ thể thì mới có thể chuyển đổi nông nghiệp và hình thành được các chuỗi sản xuất lớn”. Vì vậy, việc hình thành các tập đoàn nông nghiệp có quy mô đầu tư lớn sẽ là cơ hội thay đổi diện mạo nông nghiệp của Việt Nam.
Theo đó, như Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhận định, sự bùng nổ của ngành nông nghiệp sẽ thay đổi từ quảng canh, lấy sản lượng, năng suất là chính, chuyển sang tập trung cho chất lượng, hiệu quả kinh tế và giá trị gia tăng. Nền nông nghiệp có cơ hội gắn với công nghiệp thành một hệ thống để bổ sung, tương trợ lẫn nhau.