Nhức nhối Khu bảo tồn Bình Châu – Phước Bửu

Nhiều năm qua, việc quản lý rừng ở Khu bảo tồn Bình Châu – Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc, BR-VT) gặp nhiều khó khăn, bởi nhiều lý do. Trong đó có việc hàng trăm hộ sinh sống trong rừng, lấn chiếm trái phép đất rừng…

Theo BQL Khu bảo tồn Bình Châu – Phước Bửu (KBT), diện tích đất rừng bị lấn chiếm lên đến hơn 1.668ha nằm trong phân khu phục hồi sinh thái. Hiện có 760 hộ lấn chiếm trái phép để canh tác, trồng tiêu, điều, tràm… và một số loại cây ăn trái.

Phân khu phục hồi sinh thái tan hoang

Một số khu vực rừng tiếp giáp xã Bình Châu, Bưng Riềng, trước đây quy hoạch là rừng SX, do Lâm trường Xuyên Mộc (nay là Cty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT) quản lý. Thời điểm đó đã có nhiều hộ canh tác, sử dụng làm nhà hoặc làm chòi để ở. Sau khi quy hoạch thành đất rừng đặc dụng và bàn giao cho Khu bảo tồn Bình Châu – Phước Bửu quản lý, người dân vẫn vào chăm sóc, thu hoạch sản phẩm rừng.

Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng đã chặt phá cây rừng, lấn chiếm và mở rộng thêm diện tích. Một số khu vực khác có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chủ yếu là dân tộc Châu Ro) trong rừng theo tập tục du canh, du cư phá rừng làm nương rẫy. Sau khi các hộ di dời khỏi rừng thì một số người lại vào khai hoang, phục hóa (có hộ được chính quyền địa phương cấp giấy phép).

Một phần diện tích thuộc tiểu khu 22 trước đây là khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh BR – VT và Bình Thuận nên UBND huyện Hàm Tân (Bình Thuận) đã cấp sổ đỏ cho một số hộ, dẫn tới việc ngày càng nhiều người vào rừng chiếm đất canh tác.

Trước những khó khăn, bất cập trong việc quản lý rừng, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm đất rừng ngày càng khó kiểm soát, UBND tỉnh BR-VT đã lập đề án “Ngăn chặn, khắc phục tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại KBT Bình Châu – Phước Bửu giai đoạn 2018 – 2022” với tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là hơn 894 tỷ đồng.

Mục tiêu của đề án là di dời các hộ đang sinh sống, sử dụng đất ổn định, sử dụng đất lấn chiếm trong KBT ra khỏi rừng để ngăn chặn, khắc phục cơ bản tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, phát huy chức năng bảo tồn rừng tự nhiên ven biển, bảo vệ môi trường… Đồng thời thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, trồng mới 1.200ha rừng và khôi phục rừng tự nhiên của KBT.

Nhiều cây gỗ bị lâm tặc “xẻ thịt”

Đối với các hộ đã nhận khoán, để quản lý bảo vệ và phát triển rừng thì phải thực hiện trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng theo sự hướng dẫn của KBT. Đối với các hộ đã sản xuất, lấn chiếm đất rừng để canh tác được xử lý hỗ trợ đất, cây trồng tùy theo từng thời điểm họ sử dụng đất rừng.

Trong đó, đối với diện tích đất do các hộ đã sử dụng ổn định từ trước ngày 26/5/1978 (được xem là hợp pháp) thì Nhà nước có định hướng hỗ trợ 100% khi di dời ra khỏi rừng. Theo đó, tỉnh có chính sách hỗ trợ về đất ở và tiền thuê nhà cho các hộ dân sử dụng đất rừng từ tháng 5/1978 đến trước tháng 7/2004.

Nếu hộ dân nào không nhận đất ở thì sẽ nhận tiền mặt với đơn giá 492.000 đồng/m2. Riêng những trường hợp lấn chiếm đất rừng từ năm 2015 đến nay thì không được hỗ trợ kể cả đất và cây trồng và buộc di dời ra khỏi rừng thuộc quản lý của KBT.

“Nếu đề án được thông qua thì chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đo đạc, thẩm tra nguồn gốc đất, diện tích canh tác, kiến trúc, cây trồng… trên đất để có chính sách hỗ trợ hợp tình hợp lý. Những hộ nào không đồng tình, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động… Nếu không thực hiện thì áp dụng đến các biện pháp chế tài theo quy định”, ông Nguyễn Đăng Quan, PGĐ Ban quản lý KBT Bình Châu – Phước Bửu cho biết.
Nguồn: