Một nhà máy nhiệt điện than có công suất 500MW thải ra 3,7 tấn CO2, tương đương hủy hoại 161 cây xanh.
Phụ thuộc lớn vào nhiệt điện than
Trở về sau chuyến tàu ra đảo Hòn Cau để chuẩn bị cho mùa tình nguyện bảo vệ rùa năm nay, chị Bùi Thị Thu Hiền, quản lý chương trình biển và vùng bờ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), thấp thỏm trước những thông tin về đề xuất nhận chìm 1 triệu m3 vật chất từ công trình phụ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân xuống biển Hòn Cau, Bình Thuận.
Là một chuyên gia bảo tồn biển, chị Hiền đã tích cực vận động xây dựng nhà trưng bày về bảo tồn rùa biển và đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau từ cả năm nay. Các rạn san hô tại đây có độ phủ san hô dày trung bình đến 43% với hơn 200 loài san hô. Đây cũng là nơi các loài rùa biển, đều có tên trong Sách đỏ của IUCN và Sách đỏ Việt Nam, trở về để sinh sản vào mỗi mùa hè. “Giá trị bảo tồn của Khu bảo tồn biển Hòn Cau có thể sẽ không còn”, chị Hiền ưu tư.
Chia sẻ quan ngại với chị Hiền, nhiều chuyên gia khác trong lĩnh vực môi trường cũng lên tiếng, đặc biệt khi vừa có thêm 2,5 triệu m3 vật chất khác được đề xuất nhấn chìm ở vùng biển Quảng Bình. Vật chất này là vật liệu nạo vét lòng biển tại các cảng than của các nhà máy nhiệt điện. Việc nhận chìm một khối lượng lớn vật chất có khả năng làm vẩn đục vùng biển trong một khoảng thời gian, đe dọa hủy hoại hệ sinh thái nơi đây.
Tuy nhiên, chất nạo vét luồng tàu và bể cảng nằm trong danh mục các chất được phép nhận chìm ở biển, theo Công ước London 1972 và Nghị định thư London 1996, được quản lý bởi Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). Báo cáo của IMO cho thấy năm 2015, các nước trên thế giới đã nhận chìm tổng cộng khoảng 650 triệu tấn chất nạo vét tính theo khối lượng khô.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho rằng: “Nhận chìm vào mùa hè sẽ không ảnh hưởng đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Bình Thuận, vì vào mùa hè ở ngoài khơi Bình Thuận có xoáy nghịch với dòng chảy sẽ mang nước đục lên phía Bắc và ra xa, sau đó lắng đọng”. Đó là trong giả định vị trí nhận chìm nằm ở phía Tây và Tây Bắc, cách ranh giới Khu bảo tồn biển Hòn Cau khoảng 6km.
Trong lúc đợi báo cáo tác động môi trường từ tổ chức chính thức và uy tín, vụ việc vẫn như giọt nước tràn ly với những tác động tiêu cực lên môi trường của tổ hợp những nhà máy nhiệt điện than. Trong khi nhà máy nhiệt điện than gây hại cho môi trường bằng việc xả ra khí thải, các kim loại độc hại và ô nhiễm với những bãi thải xỉ than khổng lồ, thì những công trình phụ trợ như cảng nhập than cho từng nhà máy đe dọa môi trường biển bởi việc xử lý chất nạo vét luồng cảng.
Với chính sách điện giá thấp như hiện tại, Việt Nam phụ thuộc lớn vào nhiệt điện than giá rẻ, đóng góp đến 1/3 tổng công suất. Mức độ phụ thuộc vào nguồn năng lượng này dự định được tăng mạnh theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, với thiết kế hơn 1/2 tổng nhu cầu điện vào năm 2030 sẽ đến từ nhiệt điện than, tương ứng với công suất tăng thêm 4 lần so với hiện nay. Theo quy hoạch, tổng công suất sẽ tăng từ 13.000MW năm 2015 lên 55.000MW vào năm 2030.
Thảm họa cho Trái đất
Một nhà máy nhiệt điện than có công suất 500MW thải ra 3,7 tấn CO2, tương đương hủy hoại 161 cây xanh. Như vậy, công suất 55.000MW sẽ tương đương với việc hủy hoại một cánh rừng lớn. Do đó, việc tập trung phát triển điện than trong quy hoạch điện VII điều chỉnh sẽ đưa Việt Nam vào tình thế bất lợi trong bối cảnh áp lực giảm phát thải khí nhà kính của toàn cầu ngày càng tăng lên, đặc biệt đối với ngành năng lượng. Tháng 5.2016, Chủ tịch World Bank Jim Yong Kim từng tuyên bố quyết định xây dựng 40.000MW điện than trên toàn quốc của Việt Nam sẽ là một “thảm họa” cho Trái đất.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID), giá nhiệt điện than là không rẻ nếu tính thêm chi phí ngoại biên. Ở chiều ngược lại, các loại năng lượng tái tạo có chi phí thấp hơn khi cộng thêm những tác động tích cực đối với môi trường. Để gỡ bỏ tình thế lưỡng nan trong việc giải quyết nhu cầu năng lượng cho Việt Nam, GreenID đã nghiên cứu và đề xuất bản thiết kế cho tương lai năng lượng sạch của Việt Nam.
Nghiên cứu cho thấy phương án an toàn nhất và chấp nhận được để đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai của Việt Nam đồng thời đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris là cắt 30.000MW điện than, tương đương đưa ra khỏi quy hoạch 25 nhà máy điện than, thay vào đó áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời tăng tỉ trọng của năng lượng tái tạo. Việc này sẽ giúp giảm 116 triệu tấn CO2 mỗi năm, đưa Việt Nam theo đúng với mục tiêu của Thỏa thuận Paris và tránh được 7.600 ca tử vong sớm hằng năm vì ô nhiễm không khí và nguồn nước.
“Chuyển dịch sang năng lượng xanh là rất quan trọng và cần thiết vì Việt Nam là một trong số ít quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi biến đổi khí hậu. Phát triển năng lượng tái tạo cũng là hướng đi hợp lý để tránh phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu”, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), chia sẻ. Còn bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, cho rằng: “Các quyết định đối với việc phát triển hệ thống năng lượng của Việt Nam trong năm tới sẽ có hệ lụy không chỉ hôm nay mà còn tới các thế hệ sau này”.