Sự kiện thể thao lớn nhất châu lục năm nay (ASIAD lần thứ 18) được tổ chức tại hai thành phố Jakarta và Palembang của Indonesia, nơi thu hút hàng ngàn vận động viên, quan chức và khách du lịch tham gia, tuy nhiên, Palembang cũng là một trong những điểm nóng về cháy rừng của quốc gia này, đặc biệt là trong vụ cháy rừng vô cùng nghiêm trọng vào năm 2015.
Theo thống kê của các nhà chức trách thuộc tỉnh Nam Sumatra, nơi có thành phố Palembang, chỉ trong tháng 7, tỉnh này đã phát hiện 198 điểm nóng cháy rừng, đặc biệt ở hai huyện Ogan Komering Ilir và Ogan Ilir đều ở gần thành phố Palembang. Thậm chí, đầu tháng 8 cũng xảy ra một đám cháy rừng trên đảo Sumatra và khói mù từ đám cháy này đã khiến Chính phủ Indonesia vô cùng quan ngại. Các bộ, ngành Indonesia đã và đang tìm mọi cách để tránh lặp lại thảm họa cháy rừng năm 2015 – vốn do điều kiện thời tiết khô bất thường kết hợp với đất than bùn khô đã gây ra các đám cháy liên hoàn trải rộng trên 20.000 km2. Hệ quả là có đến nửa triệu dân Indonesia mắc bệnh do hít phải khói mù và nhiều quốc gia lân cận cũng bị ảnh hưởng.
Trong hai năm 2016 và 2017 thì do mùa mưa kéo dài hơn nên số điểm nóng về cháy rừng đã giảm xuống. Tuy nhiên, năm nay, dự kiến sẽ chứng kiến một mùa khô bình thường, không có mưa nên một số chuyên gia dự đoán các đợt cháy rừng sẽ trở lại, đặc biệt là ở các khu vực Nam Sumatra, nơi thường xuyên xảy ra các đợt cháy rừng.
Palembang hiện không có khói mù nhưng mối đe dọa vẫn luôn hiện hữu, nhất là khi mùa khô sẽ chính thức bắt đầu vào tháng 9. Hàng trăm binh sĩ đã được huy động để theo dõi 55 ngôi làng ở Ogan Komering Ilir và Ogan Ilir.
Ông Dasrul Chaniago, Giám đốc kiểm soát ô nhiễm không khí thuộc Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia cho biết: “Tháng 8 và tháng 9 là thời điểm nóng đỉnh điểm của năm nay. Một trong những thách thức lớn nhất là giữ cho các vùng đất than bùn và rừng không bị cháy”.
Cảnh sát trưởng quốc gia, Tito Karnavian, kêu gọi cần cảnh giác hơn đối với công tác ngăn chặn đốt rừng. Các đám cháy và khói mù mà chúng tạo ra sẽ không chỉ gây hại cho người dân địa phương và môi trường mà còn phản ánh xấu về hình ảnh Indonesia, đặc biệt là trong thời điểm tỉnh Nam Sumatra đang diễn ra ASIAD.
Chính phủ Indonesia đã và đang làm tất cả những gì có thể để phòng chống cháy rừng và đảm bảo một Thế vận hội không khói mù – mặc dù hiện vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về nguyên nhân các đám cháy. Một số thì cho rằng do người dân vẫn chủ yếu phát quang, đốt rừng để canh tác nông nghiệp nên dễ dẫn đến cháy rừng, tuy nhiên, số khác thì cho rằng thay vì đổ lỗi cho người dân địa phương, cần quy trách nhiệm cho các công ty trồng rừng lớn vì hầu hết các đám cháy đều nằm trong lâm phận của các đơn vị này và vì các đơn vị quá cẩu thả trong việc đặt tháp giám sát cháy rừng cũng như chuẩn bị thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy.