Thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu để ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới là vấn đề được tập trung thảo luận hội thảo Tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành thủy sản do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, chiều 23/8.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sản lượng thủy sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng liên tục trong 17 năm qua với mức tăng bình quân là 9,07%/năm. Trong đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản đã có những bước phát triển mạnh, sản lượng liên tục tăng cao trong các năm qua, bình quân đạt 12,77%/năm, còn sản lượng thủy sản từ hoạt động khai thác tăng khá thấp với mức tăng bình quân 6,42%/năm.
Bà Quách Thị Khánh Ngọc, Khoa Kinh tế – Trường Đại học Nha Trang, cho biết, Việt Nam đứng thứ 27 trong nhóm các quốc gia có nền kinh tế dễ bị tổn thưởng nhất trước biến đổi khí hậu đối với hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có khả năng thích ứng thấp trước các tác động của biến đổi khí hậu trong ngành thủy sản. Ước tích thiệt hại của biến đổi khí hậu đối với ngành thủy sản có thể lên đến gần 2% GDP vào năm 2030.
Theo bà Quách Thị Khánh Ngọc, biến đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng, tăng lượng CO2 trong nước, thay đổi lượng mưa và nước biển dâng khiến dịch bệnh xảy ra nhiều hơn, giảm diện tích nuôi trồng thủy sản cũng như chất lượng và năng suất. Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, dự báo mực nước tăng 2-2,5 m ảnh hưởng đến 60% ao nuôi cá tra ở tỉnh An Giang, người chăn nuôi phải tốn nhiều chi phí cho việc xây dựng và bảo trì trang trại, ao nuôi cá.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tác động của biến đối khí hậu đối với nghề nuôi cá tra tại Việt Nam rất nghiêm trọng, nếu không có sự thích ứng, thu nhập trong nghề nuôi cá tra có thể giảm 200 triệu đồng/ha vào năm 2020 và thiệt hại gấp 3 lần vào năm 2050.
Tương tự, theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại về sản lượng nuôi trồng thủy sản lên tới 40%/năm và gần 3 triệu lao động trong ngành chế biến thủy sản có thể bị thất nghiệp.
Biến đổi khí hậu là điều kiện ngoại cảnh không mong muốn nhưng đó là thực tế đang diễn ra. Do đó, muốn phát triển ngành thủy sản không còn cách nào khác là phải tìm kiếm các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng. Theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành các hướng dẫn về nuôi trồng thủy sản trong các thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, thời tiết quá lạnh, các vấn đề thiên tai để hạn chế sự thiệt hại, thất thu của các trang trại và hộ chăn nuôi.
Mặt khác, nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là chủ các trang trại, hộ nuôi trồng thủy sản về tác động và những giải pháp thích ứng đối với biến đổi khí hậu, tiến hành thực hiện bảo hiểm đối với ngành thủy sản.