Hàng chục ha rừng đặc dụng Thần Sa (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đang bị khai thác để làm vàng.
Đại công trường trong rừng già
Thần Sa là bãi vàng nổi tiếng miền Bắc từ những năm 1980. Khoảng cuối những năm 2000, vụ sập hầm vàng thổ phỉ Thần Sa khiến hơn 80 phu vàng bị mắc kẹt và chết. Cơ quan chức năng của Thái Nguyên nhân cơ hội này dẹp bãi vàng thổ phỉ, cắt cử lực lượng canh giữ ngày đêm.
Cuối năm 2008, UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép cho công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long khai thác vàng sa khoáng ở mỏ vàng Thần Sa – Bản Ná, thời hạn 7 năm.
Tháng 5/2015, Chủ tịch tỉnh khi đó là ông Dương Ngọc Long ký quyết định điều chỉnh một số nội dung trong giấp phép khai thác vàng, trong đó cho phép đơn vị khai thác mở rộng quy mô lên 170.254m3; công suất khai thác “cát quặng” 25.000 m3/năm; tiếp tục gia hạn khai thác đến hết năm 2021.
Tổng diện tích được Thái Nguyên cấp cho đơn vị khai thác vàng này hơn 32,6ha, nằm giáp ranh với lõi rừng đặc dụng Thần Sa.
Để khai thác vàng, doanh nghiệp này đã đưa hàng chục máy xúc, ủi, xe tải có tải trọng lớn hoạt động đào đãi suốt ngày đêm.
Gọi là khai thác lộ thiên nhưng với quy mô lớn nên moong đánh vàng của công ty Thăng Long khoét sâu xuống lòng đất hàng trăm mét tạo thành những hủng khổng lồ. Mỗi moong, hủng rộng tới vài ha.
Cả khu vực Bản Ná trở thành đại công trường.
Một con đường bê tông rộng 6m, dài gần 2km được mở thẳng vào Bản Ná. Đây cũng chính là con đường dẫn vào khai trường của công ty Thăng Long.
Doanh nghiệp còn xây dựng một khu văn phòng 3 tầng khang trang và một quần thể kiến trúc tâm linh gồm đền thờ tướng Dương Tự Minh, chùa thờ Phật và đền thờ Mẫu nằm sát nhau.
Những công trình này đều không được thông qua chính quyền.
Đường nông thôn mới?
Việc xây dựng trái phép những công trình kiên cố trong rừng đặc dụng Thần Sa diễn ra từ năm 2015, thế nhưng không có bất kỳ dấu hiệu can thiệp nào của các cơ quan chức năng sở tại, mặc dù trạm Kiểm lâm Võ Nhai và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa có trụ sở ngay tại xã.
Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa Nguyễn Quang Lịch cho biết, phần đường bê tông đi qua “trước đây là rừng đặc dụng nhưng huyện, xã đã trình UBND tỉnh xin chuyển đổi thành rừng sản xuất”.
Tuy nhiên, ông Lịch không đưa ra được quyết định chuyển đổi đất rừng đặc dụng thành rừng sản xuất. Trên bản đồ 3 loại rừng của ông Lịch vẫn thể hiện con đường bê tông chạy vào mỏ Bản Ná xuyên qua phần diện tích rừng đặc dụng chứ không có sự thay đổi như ông nói.
Về nội dung doanh nghiệp xây cả một khu quần thể kiến trúc tâm linh ngay sát chân núi đá, ông Lịch nói chưa xác định được quần thể này có xâm hại đến khu rừng đặc dụng hay không.
Chủ tịch UBND xã Thần Sa Lê Văn Thanh cho biết: Con đường từ ngã ba Ngọc Sơn 2 vào xóm Xuyên Sơn là đường nông thôn mới, có tài trợ của công ty CPĐTXD và khai thác khoáng sản Thăng Long.
Hồ sơ UBND xã cung cấp thể hiện xã có đầu tư một đoạn đường bê tông rộng 3,5m, nền đường 6m, dài 530m với tổng mức đầu tư 748 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách là 521 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế con đường dài 1,3km và vừa chạm tới khu vực khai thác mỏ của công ty Thăng Long.
Theo người dân địa phương, trước kia có một đường đi vào xóm Xuyên Sơn dài chừng 2 km, công ty Thăng Long đã tổ chức khai thác khoáng sản lấn vào. Người dân xóm Xuyên Sơn muốn về nhà lại phải đi vòng qua lối mở tạm phía bên kia moong khai thác khoáng sản của doanh nghiệp.
Ngày 20/8, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở NN&PTNT, Sở TN&MT và UBND huyện Võ Nhai kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư trong việc xây dựng trái phép lấn rừng đặc dụng Thần Sa.