Sáng 23/8, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cho biết, tỉnh sẽ thành lập tổ kiểm tra quy trình vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện.
Tổ kiểm tra này sẽ xem xét việc thực hiện các quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện có nghiêm túc và đúng với những quy định hiện hành hay không. Tổ công tác sẽ trực tiếp kiểm tra nhật ký, hệ thống truyền dẫn, truyền thông về việc xả lũ của các nhà máy thủy điện cũng như việc phối hợp vận hành với trung tâm.
Thông qua việc kiểm tra cũng để tỉnh và các địa phương rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, phòng chống mưa lũ cho những lần sau.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cũng cho biết đã tiếp thu các ý kiến của dư luận và người dân cũng như các cơ quan chức năng.
Theo đó, tỉnh giao cho Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An là ông Đinh Viết Hồng chỉ đạo thành lập một tổ kiểm tra những thiệt hại mà tỉnh cần phải xử lý. Đồng thời, hỗ trợ kịp thời đối với các huyện miền núi trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ vừa qua.
Tổ này sẽ trực tiếp làm việc với các huyện, các ngành và với người dân về những thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua; đưa ra các phương án tham mưu đề xuất về các vấn đề liên quan đến công tác khắc phục hậu quả của những thiệt hại.
Tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Sở Tài chính cân đối để xử lý, kể cả dùng cả ngân sách dự phòng năm 2018 của tỉnh phục vụ cho khắc phục hậu quả đợt mưa lũ này. Cùng đó, kiểm tra, thống kê, ghi nhận những ý kiến cụ thể của các huyện để xem những vấn đề gì xử lý được và xử lý sớm; tham mưu xử lý cho các huyện, đặc biệt lưu ý những vấn đề trước mắt, như giống nông nghiệp, thuốc men, kinh phí khắc phục sửa chữa một số đoạn đường bị sạt lở, hư hỏng, ách tắc…
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An cho biết, tại Nghệ An đợt mưa lũ từ ngày 16/8 đến ngày 23/8 đã gây thiệt hai nặng nề cho địa phương và người dân các huyện miền núi và một số địa phương ở vùng hạ du, đặc biệt là các huyện như Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp, Quế Phong, Anh Sơn, Thanh Chương. Tổng thiệt hại về kinh tế do đợt mưa lũ vừa qua gây ra là trên 786 tỷ đồng.
Hiện nay tại Nghệ An, nguồn lực khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua là ngoài khả năng của địa phương và các ngành trong tỉnh.
Tỉnh Nghệ An đang đề nghị Trung ương trước mắt hỗ trợ cho tỉnh hơn 350 tỷ đồng trong khắc phục hậu quả mưa lũ; trong đó có hỗ trợ dân sinh, khôi phục sản xuất nông nghiệp, xây dựng các khu tái định cư đảm bảo an toàn cho người dân bị sạt lở đất đá, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sửa chữa các công trình hạ tầng cơ sở bị sạt lở, hư hỏng…
Liên quan đến thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ vừa qua tại Nghệ An, nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng và người dân đặt ra nhiều câu hỏi. Đó là, tại sao bão số 4 không trực tiếp đổ bộ vào địa phương mà lại gây ra hậu quả nặng nề cho các huyện miền núi và một số vùng hạ du như vậy. Việc dự báo, cảnh báo lũ lụt có đảm bảo đúng quy trình.
Mặt khác, trên địa bàn Nghệ An có đến 37 nhà máy thủy điện lớn nhỏ các loại. Vậy, nguyên nhân chính gây ngập lụt nặng nề cho các huyện miền núi và một số vùng hạ du trong tỉnh có phải là do hệ lụy của việc xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện ở các huyện miền núi Nghệ An gây nên hay không, trách nhiệm của các nhà máy thủy điện trong vấn đề này thế nào…
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An cho biết, trên địa bàn tỉnh có 625 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có 533 hồ do địa phương quản lý.
Vào thời điểm mưa lũ vừa qua hầu hết các hồ đập này đều trong tình trạng đầy nước, có nhiều nguy cơ không an toàn; nhiều hồ đập đã buộc phải xả nước. Đối với các công trình thủy điện; trong đó, có hồ thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố là những hồ thủy điện lớn nhất của tỉnh cũng đã buộc phải khẩn cấp xả lũ.